Thị trường bán lẻ Việt Nam vào hồi sôi động

Thị trường bán lẻ Việt Nam vào hồi sôi động

(ĐTCK) Doanh số thị trường bán lẻ Việt Nam luôn tăng ở mức hai con số và có tốc độ tăng cao nhất trong 11 nước châu Á. Các đại gia bán lẻ trong và ngoài nước liên tục ra mắt.

 

Đại gia bán lẻ nước ngoài liên tục thâm nhập

Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc dự định phát triển 60 siêu thị và trung tâm thương mại (TTTM) tại Việt Nam với bước khởi động là Lotte Mart (ngày 24/7 đã cất nóc tòa nhà này) và thuê toàn bộ diện tích 4 sàn thương mại (khoảng 20.000 m2) của TTTM Mipec Mall (Pico Mall trước đây).

Hãng Aeon của Nhật Bản có kế hoạch mở hai khu phức hợp thương mại mỗi năm tại Việt Nam cho đến khi đạt con số 20 vào năm 2020.

“Ông trùm” Thái Lan về hệ thống cửa hàng tiện dụng chuẩn bị mở FamilyMart tại Việt Nam.

Chuỗi siêu thị Big C của Pháp đã có trên 20 siêu thị tại Việt Nam, nhưng vẫn tiếp tục công cuộc phát triển hệ thống với việc vừa khai trương một điểm tại Phú Thọ và xây dựng một tổ hợp tại Quảng Ninh.

Nhiều “đại gia” nước ngoài khác đã chi những khoản ngân sách lớn để nghiên cứu thị trường bán lẻ Việt Nam.

 Thị trường bán lẻ Việt Nam vào hồi sôi động ảnh 1

Cả nước sẽ có 1.200 - 1.300 siêu thị, 180 TTTM vào năm 2020

 

Đại gia nội không ngoài cuộc

Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) đang có những động thái đầu tư mạnh mẽ trong lĩnh vực bán lẻ. OceanRetail, công ty thành viên của OceanGroup, quản lý và phát triển chuỗi siêu thị OceanMart cho biết, kế hoạch đến năm 2015 là mở 70 - 80 siêu thị và TTTM trên toàn quốc, biến lĩnh vực bán lẻ thành hướng đi chiến lược của Tập đoàn.

Từ đầu năm 2013 đến nay, OceanRetail đã đưa vào hoạt động 3 siêu thị tại Hà Nội gồm Ocean Mart Hà Đông, Thăng Long, Thanh Xuân (trong khu phức hợp cao cấp Royal City) và tới đây sẽ là Trung Hòa, Kim Liên. Trong 5 năm tới, Ocean Mart không chỉ có mặt ở Hà Nội, TP. HCM, mà sẽ phát triển mạnh ở các thị trường tiềm năng khác như Nam Định, Ninh Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh…

“OceanRetail rất tự tin vào kế hoạch phát triển. Dù mới tham gia thị trường, nhưng với lợi thế là thành viên của OceanGroup, Công ty có thuận lợi về năng lực tài chính, kinh nghiệm quản trị và uy tín. Chuỗi OceanMart kỳ vọng sẽ tạo ra được sự khác biệt, là địa chỉ mua sắm tin cậy cho khách hàng: về giá cả, nguồn gốc và sự an toàn của hàng hóa, sự phục vụ và uy tín của một nhà bán lẻ lớn”, ông Nguyễn Mạnh Duy, Giám đốc vận hành OceanRetail nói.

Cuối tuần trước, Tập đoàn Vingroup đã khai trương Khu TTTM, quần thể vui chơi giải trí trong lòng đất Vincom Mega Mall Royal City, với tổng diện tích mặt bằng lên tới 230.000 m2.

Trước đó, Tập đoàn Sơn Hà kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất thiết bị gia dụng, thép không gỉ cũng đã mở đại siêu thị đầu tiên mang tên Hiway tại quận Hà Đông (Hà Nội), khởi đầu cho việc lấn sân sang ngành nghề mới.

 

Những yếu tố để thành công

Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ, để đánh giá một trung tâm mua bán hoạt động có hiệu quả hay không, không thể đo đếm bằng lượng khách vào đông hay ít. Trên thực tế, một TTTM hòa vốn thời gian đầu là may, nhưng với những ông chủ có tiềm lực, trung tâm mua bán sẽ mang lợi nhuận lớn trong các năm tiếp theo, nếu có các yếu tố sau.

Thứ nhất là mặt bằng lớn. Tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM, việc tìm được mặt bằng lớn là một thách thức và cũng là yếu tố thể hiện “uy lực” của nhà đầu tư. Lotter Mart được coi là khôn ngoan khi thuê lại mặt bằng của một TTTM đang hoạt động hiệu quả. Còn với OceanRetail, công ty này được “thừa hưởng” những mặt bằng đắc địa từ OceanGroup.

Thứ hai là nguồn hàng. Các siêu thị và TTTM của Việt Nam hiện nay đều chú trọng tới mảng thực phẩm. Một siêu thị tầm trung có khoảng 10.000 loại hàng hóa. Việc duy trì nguồn hàng ổn định, đặc biệt là mùa cao điểm, có xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng và giá cả hợp lý là “điểm cộng” cho mỗi siêu thị.

Thứ ba là công nghệ thông tin để quản lý bán hàng, kho, tài chính thu chi, nguồn hàng và nhân sự. Việc triển khai toàn diện hệ thống công nghệ áp dụng cho quản lý siêu thị không những làm tăng hiệu suất kinh doanh, tiết kiệm chi phí quản lý, mà giúp DN không bị thất thoát, giảm thiểu những rủi ro phát sinh trong quá trình hoạt động.

Bộ Công thương vừa phê duyệt Quy hoạch phát triển cho mạng lưới siêu thị, TTTM. Theo đó, đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 1.200 - 1.300 siêu thị, 180 TTTM. Bên cạnh đó, Chính phủ khuyến khích DN thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia. Dự báo, đến năm 2020, tỷ trọng bán lẻ qua mạng lưới siêu thị, TTTM sẽ chiếm 45% tổng mức bán lẻ hàng hóa xã hội.