Nguy cơ bị loại khỏi sân chơi
Ông Nguyễn Viết Hồng, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Ecofarm cho rằng, nếu các doanh nghiệp bán lẻ không có tầm nhìn trước thì rất dễ bị loại ra khỏi thị trường.
“Xu hướng tiêu dùng mới hiện nay đã xuất hiện rất rõ ràng, gắn với sự phát triển mạnh của công nghệ thông tin. Số khách hàng mua bán thông qua giao dịch điện tử và các hình thức giao dịch, thanh toán thông minh tăng rất mạnh trong thời gian gần đây là thách thức lớn với các nhà bán lẻ, kể cả các trung tâm thương mại”, ông Hồng nhận xét.
Lãnh đạo Ecofarm chia sẻ, trước xu thế này, một tỷ lệ lớn hàng hóa, sản phẩm của Công ty đã được chuyển hướng tiếp thị và phối hợp với các doanh nghiệp phân phối theo phương thức giao dịch điện tử, bán hàng trực tuyến và đạt được kết quả tích cực.
Theo Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), nhu cầu của người tiêu dùng trong thời gian tới sẽ có sự thay đổi lớn, hướng tới nhóm sản phẩm chất lượng cao, với mức chi tiêu thông minh hơn và đây là một ẩn số khó giải cho các nhà bán lẻ.
Xu hướng gia tăng các kênh bán lẻ hiện đại ngày một lớn với độ phủ sóng rộng của các trung tâm thương mại, siêu thị hay các cửa hàng tiện lợi đã đe dọa đến doanh thu của kênh bán lẻ truyền thống. Cùng với đó, sự phát triển của công nghệ thông tin cũng đang làm thay đổi hành vi tiêu dùng.
Theo khảo sát người tiêu dùng về ngành bán lẻ gần đây của PwC, 49% số người tham gia khảo sát có thói quen mua sản phẩm qua điện thoại/smartphone ít nhất hàng tháng, cho thấy người tiêu dùng đang quen dần với việc ứng dụng công nghệ vào mua sắm.
Hiện có rất nhiều nhà bán lẻ, đặc biệt là những nhà bán lẻ hàng công nghệ như Thế giới di động, FPT..., có xu hướng tích hợp thương mại điện tử, kết nối với công nghệ để hiểu rõ hơn về hành vi người tiêu dùng, nhằm phục vụ khách hàng một cách tốt nhất. Việc tập trung phát triển hệ thống thương mại điện tử, kết hợp kinh doanh và quảng cáo sản phẩm qua mạng sẽ giúp tăng hiệu quả bán hàng, đồng thời tiết kiệm chi phí bán hàng cho các nhà bán lẻ.
“Tuy nhiên, khi khách hàng chuyển sang mua sắm online, các trung tâm thương mại sẽ dần trở nên vắng vẻ. Để cạnh tranh tốt hơn trong việc thu hút khách hàng, các nhà bán lẻ trước hết cần phải lưu tâm đến việc đa dạng hóa sản phẩm, nhằm đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của nhiều nhóm khách hàng khác nhau.
Hàng hóa đa dạng, nhiều chủng loại là yếu tố lớn nhất thu hút người tiêu dùng đến với các nhà bán lẻ, bao gồm cả bán lẻ tiêu dùng nhanh và bán lẻ hàng lâu bền”, các chuyên gia PwC khuyến nghị.
Thị trường bán lẻ Việt Nam hấp dẫn hàng đầu thế giới
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, doanh số bán lẻ năm 2016 tăng 10,2%, cao hơn mức tăng 9,8% của năm 2015.
Viện Nghiên cứu thương mại, Bộ Công thương dự báo, giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng thương mại bán lẻ của Việt Nam có thể đạt 11,9%/năm. Đến năm 2020, quy mô thị trường đạt khoảng 179 tỷ USD và theo quy hoạch, cả nước sẽ có 1.200 - 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm.
Trong báo cáo về Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) năm 2017 được Hãng tư vấn A.T. Kearney công bố tháng 6/2017, Việt Nam giữ vị trí thứ 6, cải thiện 5 bậc (từ hạng 11) so với xếp hạng năm 2016.
Kết quả khảo sát và nghiên cứu đánh giá về thị trường bán lẻ Việt Nam được Vietnam Report công bố mới đây chỉ ra rằng, việc Chính phủ cho phép thành lập công ty bán lẻ 100% vốn nước ngoài từ năm 2015, cùng với các yếu tố như chính sách ưu đãi, đô thị hóa, dân số tương đối trẻ… đã khiến thị trường bán lẻ Việt Nam lọt vào danh sách thị trường hấp dẫn hàng đầu thế giới.
Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ hiện đại, điển hình như Aeon (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), Central Group (Thái Lan)... đã và đang đầu tư, khai thác tại Việt Nam thông qua các thương vụ mua bán - sáp nhập.
Trong năm 2017, xu thế này ngày càng gia tăng khi nhiều tập đoàn quốc tế “để mắt” tới thị trường bán lẻ Việt Nam thông qua việc tổ chức những diễn đàn liên quan đến ngành bán lẻ, đồng thời thúc đẩy các loại hình dịch vụ, các công cụ thanh toán nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các nhà bán lẻ như kinh doanh online, tiếp thị đa kênh…
“Chi tiêu của người tiêu dùng đang tăng lên do dân số trẻ, đô thị hoá nhanh và nền kinh tế ngày càng mở cửa với cơ hội việc làm, kinh doanh và thu nhập ngày càng tăng. Việt Nam hiện được đánh giá là nền kinh tế lớn thứ 6 trong khu vực ASEAN sau Singapore, Malaysia, Philippines, Indonesia và Thái Lan, đây là lý do khiến thị trường bán lẻ Việt Nam hấp dẫn hàng đầu thế giới”, báo cáo của Vietnam Report viết.