Nở rộ cửa hàng tiện ích
Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là miếng bánh ngon hấp dẫn, đang chứng kiến sự tăng trưởng nóng và sẽ giữ xu hướng đi lên trong thời gian tới. Đây là lý do nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã nhòm ngó đến thị trường này từ lâu, nổi bật nhất là các nhà đầu tư tới từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… Bên cạnh những tên tuổi đã có thời gian gắn bó với thị trường Việt Nam, các nhà đầu tư đến từ châu Âu như Nga, Pháp… cũng đang bắt đầu tiếp cận thị trường.
Nếu như năm 2010, tổng mức bán lẻ toàn thị trường đạt 88 tỷ USD, thì năm 2017, con số này là 130 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng 10,9%. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, quy mô thị trường bán lẻ có thể đạt 179 tỷ USD đến năm 2020.
Hiện tại, thị trường bán lẻ nội địa đang trong giai đoạn sung sức, trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà bán lẻ ngoại. Theo xếp hạng của AT Kearney về Chỉ số phát triển bán lẻ năm 2017, Việt Nam đứng thứ 6 và không ngừng cải thiện chỉ số với cuộc đua tăng trưởng đang diễn ra.
Nhận định về diễn biến thị trường, bà Đỗ Thu Hằng, Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Thị trường Savills Hà Nội cho biết, ngành bán lẻ Việt Nam đang đi lên với xu hướng tốt và ổn định. Dẫn số liệu từ Bộ Công Thương, bà Hằng cho hay, năm 2017, các nhà bán lẻ ngoại tại Việt Nam chiếm 17% thị phần, nhà bán lẻ trong nước chiếm 83% thị phần. Những thương hiệu lớn đã khẳng định được chỗ đứng và thế mạnh của mình có thể kể tới những cái tên như Vingroup, Fivimart, Big C, Coopmart, Aeon Mall…
Bên cạnh đó, một nét đáng chú ý là có 70% nhà bán lẻ ngoại đang tập trung vào mở rộng các cửa hàng tiện ích.
“Đây là xu hướng mới của thị trường bán lẻ Việt Nam khi ngày càng nở rộ các mô hình cửa hàng tiện ích, tạo nên diện mạo mới cho thị trường”, bà Hằng nhìn nhận.
Theo đó, không khó để nhận ra sự xuất hiện ồ ạt của các cửa hàng tiện ích. Vừa mới xuất hiện tại Việt Nam trong thời gian rất ngắn nhưng Circle K Việt Nam đã phát triển chóng mặt với 259 cửa hàng tại 4 thành phố lớn là Hà Nội, TP. HCM, Bình Dương, Vũng Tàu.
Khác Circle K, hiện nay 7-Eleven mới có mặt tại TP. HCM với quy mô 11 cửa hàng nhưng doanh nghiệp ngoại này cũng đang nuôi tham vọng phình to trong thời gian tới. Theo thông tin mới nhất, 7-Eleven có ý định sẽ phát triển mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam trong 10 năm tới, nâng tổng số lên 1.000 cửa hàng tiện ích, phủ sóng tại nhiều thành phố lớn.
Một tên tuổi khác trên thị trường cửa hàng tiện lợi phải kể đến Shop&Go. Hiện tại, Shop&Go có 120 cửa hàng trên cả nước, trong đó có 15 cửa hàng tại Hà Nội và 105 cửa hàng tại TP. HCM.
Không riêng doanh nghiệp nước ngoài, công ty bán lẻ nội địa cũng sớm gia nhập xu hướng này. Trong đó “gã khổng lồ” Vingroup đã khiến thị trường bán lẻ phải ngạc nhiên bởi tốc độ gia tăng các điểm bán hàng quá nhanh của mình. Tính đến ngày 3/1/2018, Vingroup có tới 65 siêu thị Vinmart và 1.000 cửa hàng Vinmart+ trên cả nước.
Theo các chuyên gia phân tích thị trường, sự gia tăng mạnh mẽ của các cửa hàng tiện ích đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho bức tranh ngành bán lẻ, biến đây thành “chiến trường” ngày càng nóng bỏng, sôi động hơn.
Cạnh tranh khốc liệt
Bước sang năm 2018, cuộc đua tăng trưởng giữa các doanh nghiệp bán lẻ sẽ diễn ra mạnh mẽ và khốc liệt hơn nữa, khi nhiều nhà đầu tư ngoại thể hiện rõ tham vọng tại thị trường Việt Nam, trong khi các doanh nghiệp nội cũng toan tính để giữ vững thị phần. Điển hình, đại gia bán lẻ Auchan của Pháp xác định, 2018 là năm phủ sóng thương hiệu và gia tăng doanh số tại thị trường có quy mô hơn 170 tỷ USD này.
Trước đó, năm 2017, Auchan Việt Nam đã có những bước đi đầu tiên để hiện thực hóa tham vọng phát triển tại thị trường bán lẻ Việt Nam bằng việc liên tục khai trương các siêu thị tại Hà Nội và TP. HCM. Công ty đặt mục tiêu đến hết năm 2018 có khoảng 40 siêu thị (gồm 20 siêu thị, 20 siêu thị nhỏ và 2 đại siêu thị). Dự kiến đầu năm nay, Auchan sẽ mở một đại siêu thị đầu tiên tại Hà Nội.
Theo nguồn tin của Đầu tư Chứng khoán, để có những bước phát triển “phi nước đại”, Auchan đã chuẩn bị xây dựng kho hàng với quy mô hơn 20.000 m2 tại miền Bắc. Nếu hoàn thiện, đây là kho hàng lớn nhất khu vực phía Bắc. Điều này chứng tỏ, “vị đại gia” đến từ Pháp đã tính toán kỹ lưỡng cho từng bước đi của mình.
Trong khi đó, cuối năm 2017, Aeon Mall đã thông báo mở trung tâm thứ 5 tại Hà Đông (Hà Nội) với khoản đầu tư 200 triệu USD, dự kiến đi vào hoạt động năm 2019. Được biết, Aeon Mall đang muốn mở rộng thị trường tại Việt Nam và nâng lên sở hữu 20 trung tâm thương mại vào năm 2020. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ trong khoảng 2 năm, tập đoàn này sẽ nâng số lượng trung tâm thương mại lên gấp 4 lần so với hiện tại.
Năm 2018, thị trường sẽ ghi nhận sự trở lại của Ciputra Mall. Chưa kể, một thương hiệu bán lẻ khác của Vingroup là Vincom Retail cũng có những bước tăng trưởng đáng chú ý. Hiện Vincom Retail đang có 46 trung tâm thương mại tại 24 tỉnh thành. Dự kiến đến năm 2021, con số này có thể lên tới 2.000 điểm.
Trong bối cảnh chạy đua tăng trưởng, các đại gia bán lẻ khác là FPT, Thế giới di động, Nguyễn Kim… cũng không thể chần chừ, nhanh chóng đẩy mạnh hơn nữa việc mở rộng hệ thống phân phối.
Trao đối với Đầu tư Chứng khoán, bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam, doanh nghiệp đang sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart cho biết, cuộc đua trên thị trường bán lẻ ngày càng gay go và khốc liệt hơn giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và giữa doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp Việt Nam.
Theo lãnh đạo Fivimart, cuộc cạnh tranh này mang tính chênh lệch ở nhiều góc độ, mà thực tế cho thấy, những hệ thống siêu thị nhỏ đang bị lép vế hơn trong cuộc đua giành thị phần. Các doanh nghiệp lớn có hệ thống phân phối với thương hiệu mạnh và uy tín sẽ có nhiều lợi thế.
“Câu chuyện cạnh tranh đã diễn ra từ năm 2012 cho đến nay, với mức độ khốc liệt ngày càng gia tăng. Sự cạnh tranh này giúp người tiêu dùng được hưởng lợi khi có thêm nhiều lựa chọn, nhưng đồng thời cũng khiến các hệ thống bán lẻ phải nhìn lại mình để hoàn thiện, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng” , bà Hậu nói và cho biết thêm, hiện tại, Fivimart đã chú trọng hơn nữa việc cải thiện dịch vụ chăm sóc khách hàng, chưa kể bản thân lãnh đạo của từng hệ thống siêu thị phải “lăn xả” bán hàng, tư vấn cho người tiêu dùng.
Tính chất cạnh tranh càng nóng bỏng thì những khó khăn đối với doanh nghiệp bản lẻ càng gia tăng. Theo đó, các doanh nghiệp bán lẻ xác định năm 2018 tiếp tục là một năm thử thách khi tốc độ tăng trưởng chậm lại.
“Khi ngày càng có nhiều siêu thị mở ra thì các doanh nghiệp phải san sẻ khách hàng với nhau, bởi vậy tăng trưởng không cao như trước. Tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại với mức tăng khoảng 5 - 10%”, lãnh đạo của một hệ thống siêu thị top đầu tại thị trường miền Bắc chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh này, ông Ngô Quốc Bảo, Giám đốc Trung tâm phát triển kinh doanh, dịch vụ kỹ thuật và thương mại điện tử FPT Digital Retail nhìn nhận, bán hàng đa kênh sẽ trở thành một xu hướng bán lẻ hiệu quả.
Hiện tại, các nhà bán lẻ đang thay đổi chiến lược để tiếp cận khách hàng tốt hơn bằng các kênh dịch vụ hiệu quả; chú trọng đẩy mạnh bán hàng online bên cạnh gia tăng các điểm bán truyền thống. Bà Hậu cho biết, trong năm nay, hệ thống Fivimart sẽ đẩy mạnh bán hàng qua mạng và đem lại nhiều quyền lợi cho khách hàng khi mua qua kênh này như được hưởng ưu đãi tương đương với mua trực tiếp tại siêu thị.