Ảnh Lê Toàn

Ảnh Lê Toàn

Thị trường bán lẻ có 3 sự thay đổi chính trong một thập kỷ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Saigon Co.op, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp Hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR), thành viên Hội đồng Hợp tác xã tiêu dùng châu Á - Thái Bình Dương trong chương trình The Next Power mới đây.

Thứ nhất, trong vòng 10 năm trước, thị trường bán lẻ truyền thống với các hình thức như nhà sản xuất, nhà phân phối, cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống… chiếm tới 90%; còn thị trường bán lẻ hiện đại, bao gồm siêu thị, đại siêu thị, trung tâm thương mại, các chuỗi cửa hàng tiện lợi… chỉ xuất hiện những đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ (single business). Tuy nhiên, hiện nay, thị trường hiện đại đã có sự gia tăng, đạt con số 25 - 28%.

Thứ hai là sự biến động về bản thân doanh nghiệp, đối với những tay chơi trên thị trường, kể các những nhà bán lẻ FDI cũng có những biến động đổi chủ, đổi ngôi. “Hầu hết những nhà bán lẻ tham gia vào Việt Nam trong thị trường cách đây 10 năm đều không còn trên thị trường nữa, hiếm hoi thì còn có Saigon Co.op, kể cả bán lẻ nội địa và bán lẻ nước ngoài”, ông Đức cho biết.

Thứ ba là sự thay đổi theo xu hướng phát triển của công nghệ và các ngành công nghiệp khác. Có thể kể đến xu hướng về contactless (thanh toán không tiếp xúc), các kênh cashless (thanh toán không tiền mặt)… đã tác động, làm thay đổi sâu sắc ngành bán lẻ.

Đứng trước những thay đổi của thị trường, cùng với đó là sự xuất hiện của không ít những sàn thương mại trực tuyến đình đám như Shopee, Lazada, Tiki, Tổng giám đốc Saigon Co.op cho rằng, doanh nghiệp này cũng như những nhà bán lẻ khác không tránh khỏi cảm giác bị “hụt hơi’. Chính điều đó đã giúp Saigon Co.op nhìn nhận lại chính mình và có những thay đổi.

Hiện nay, các doanh nghiệp có 2 xu hướng chuyển đổi trong thời đại 4.0. Thứ nhất, hầu hết các nhà bán lẻ tiến hành trực tuyến hóa, số hóa. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh đầu tư, phát triển các hình thức kinh doanh trực tuyến.

Tuy nhiên, vẫn có xu hướng quay về phát triển kinh doanh trực tiếp đối với những “ông lớn” trên thị trường thương mại điện tử. Chẳng hạn như Amazon với việc mua lại chuỗi cửa hàng Whole Foods và xây dựng hệ thống cửa hàng tiện lợi Amazon Go; hay Alibaba với việc xây dựng những cửa hàng Hema để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trực tiếp.

“Saigon Co.op cũng đã đưa ra chiến lược nhằm “đưa trực tuyến gần hơn với trực tiếp”, và “trực tiếp gần hơn với trực tuyến”, ông Đức cho biết.

Trước đó, chia sẻ tại sự kiện do Báo Đầu tư tổ chức mới đây, ông Nelson Wu, Tổng giám đốc BEST Inc Vietnam cho rằng, thương mại điện tử vẫn còn nhiều cơ hội cho nhiều “người chơi”.

Theo ông Nelson Wu, dù giai đoạn căng thẳng của đại dịch Covid-19 đã qua nhưng thói quen của người tiêu dùng (chủ yếu giao dịch online) trong thời gian đó vẫn không thay đổi, giúp việc bán hàng online tiếp tục phát triển. Việt Nam hiện đã có một số nền tảng thương mại như Lazada, shopee…

Tuy nhiên, thời gian tới sẽ còn nhiều nền tảng thương mại khác tham gia thị trường này. Biên bán xuyên biên giới tiếp tục gia tăng với lượng thương mại điện tử gia tăng, 200.000 - 300.000 giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới mỗi ngày.

“Chính vì thế, các doanh nghiệp đều phải nhìn lại chiến lược online của mình. Thương mại điện tử ngày nay đã sử dụng công nghệ để ứng dụng vào các chiến lược online. Các doanh nghiệp cũng sẽ phải xem xét các nền tảng công nghệ, thay đổi sản phẩm và dịch vụ của mình”, ông Nelson Wu nhìn nhận.

Tin bài liên quan