Tăng tốc đầu tư, mở rộng
Bà Đỗ Thu Hằng, Phó giám đốc, Trưởng bộ phận nghiên cứu của Savills Hà Nội nhận định, thị trường bán lẻ Việt Nam đang có tốc độ phát triển mạnh mẽ, với sự xuất hiện của nhiều tên tuổi lớn, nhất là các tập đoàn nước ngoài vốn trước đây chưa quan tâm nhiều tới Việt Nam.
Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp sẽ tăng tốc độ đầu tư, mở rộng sự hiện diện tại thị trường bán lẻ được dự báo có quy mô lên tới 180 tỷ USD vào năm 2020 tại Việt Nam.
Thực tế, không ít doanh nghiệp lớn đã lên kế hoạch đầu tư mạnh tay nhằm giành thị phần. Đơn cử, hiện tại, Vingroup đang sở hữu khoảng 100 siêu thị VinMart và hơn 1.400 cửa hàng Vinmart+.
Ông lớn này đã lần lượt thâu tóm các siêu thị như Ocean Mart (năm 2014), Maximart (năm 2015) và mới đây là Fivimart (2018), đồng thời đặt mục tiêu đến năm 2020, sẽ có 200 siêu thị VinMart và 4.000 cửa hàng tiện ích VinMart +.
Với chiến lược rõ ràng và đầu tư bài bản, Vingroup khẳng định sẽ “chơi lớn” trên thị trường bán lẻ và đủ tiềm lực để đánh chiếm thị phần. Savills Việt Nam nhận định, không chỉ phát triển tại các trung tâm thương mại do tập đoàn này thực hiện, Vingroup còn mở rộng siêu thị, cửa hàng tiện lợi theo hướng tập trung tại khu vực có đông dân cư, nhu cầu tiêu dùng lớn.
Các đại gia khác đều có động thái tăng tốc đầu tư, như Lotte Mall Hà Nội sắp có mặt tại Tây Hồ, Aeon Mall, Park City Mall… chuẩn bị triển khai. Trong đó, Lotte tham vọng nâng số lượng siêu thị lên con số 60 vào năm 2025, còn Aeon dự định sẽ mở thêm 500 cửa hàng tạp hóa tại Việt Nam đến năm 2025.
Chưa kể, Central Group Việt Nam tuyên bố sẽ đầu tư thêm 500 triệu USD để mở mới 500 cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc trong 5 năm tới. Hiện tại, Công ty đang sở hữu 35 siêu thị Big C, 25 siêu thị Lanchi Mart, 56 siêu thị điện máy Nguyễn Kim và hơn 40 cửa hàng thời trang, đồ gia dụng, văn phòng phẩm trên cả nước.
Trong khi đó, Tập đoàn bán lẻ Auchan của Pháp đã từng bước gây ấn tượng với người tiêu dùng Việt Nam nhờ chiến lược hiện diện tại các tòa nhà chung cư, nơi quy tụ đông cư dân trẻ, có nhu cầu tiêu dùng lớn. Hiện tại, Auchan đã thiết lập được mạng lưới rộng tại TP.HCM và Hà Nội.
“Thị trường bán lẻ Việt Nam đang bước vào giai đoạn cạnh tranh mạnh mẽ. Doanh nghiệp bán lẻ luôn gặp áp lực lớn phải thay đổi để thu hút khách hàng”, bà Hằng nhận định.
Công nghệ, át chủ bài của doanh nghiệp bán lẻ
Trong bối cảnh cuộc sống hiện đại, người dân ngày càng ưa chuộng những dịch vụ tiện ích. Đây là yếu tố đòn bẩy để thúc đẩy thị trường bán lẻ Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Do đó, doanh nghiệp bán lẻ nào nắm bắt được công nghệ, có chiến lược tiếp thị tốt sẽ giành phần thắng.
Bà Huyền Bích Trân, Phó Giám đốc Nielsen Việt Nam cho biết, việc mở rộng hạ tầng công nghệ đang tác động lớn tới người dân Việt Nam. Nhất là khi năm 2017, tỷ lệ dân số sử dụng điện thoại thông minh là 46%, dự báo đến năm 2020 là 59%.
Theo đó, bán lẻ truyền thống sẽ dần nhường lại thị phần cho bán lẻ hiện đại cùng với xu hướng người tiêu dùng ưa chuộng những tích hợp tiện ích, mua hàng bằng công nghệ. Nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã sớm lên kế hoạch, chiến lược để nâng cao thị phần từ kênh bán lẻ hiện đại này
“Doanh nghiệp nào có tiềm lực tài chính mạnh và vận dụng công nghệ tốt sẽ đi nhanh trong cuộc đua mới của thị trường bán lẻ Việt Nam”, bà Hằng nhận định.
Bên cạnh đó, trong thời gian tới, nhiều đại gia bán lẻ lớn đến Việt Nam sẽ tung chiêu cạnh tranh mạnh bằng bán lẻ tích hợp. Đơn cử, E-Mart, tập đoàn bán lẻ lớn của Hàn Quốc vừa quyết định đầu tư phát triển tại Việt Nam khi ký thỏa thuận nhận chuyển nhượng lô đất thương mại B1CC1 và B1CC2 tại Dự án Starlake Hồ Tây (Hà Nội). Việc nhận chuyển nhượng này nằm trong kế hoạch gia tăng quỹ đất, mở rộng hệ thống của Tập đoàn.
Trước đó, E-Mart đã có mặt tại TP.HCM vào năm 2015 với siêu thị rộng 3 ha, tổng vốn đầu tư hơn 60 triệu USD (khoảng 1.350 tỷ đồng). Tập đoàn dự kiến sẽ mở 10 siêu thị hoặc nhiều hơn con số này trong thời gian tới.
Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường hấp dẫn nhất châu Á và còn tiếp tục thu hút các dòng vốn ngoại nên mức độ cạnh tranh ngày một khốc liệt. Để giành miếng bánh thị phần, các đại gia lớn không chỉ cần tiềm lực đủ mạnh, mà còn phải có chiến thuật linh hoạt, sử dụng tốt công nghệ.