Thị phần thép cán nóng suy giảm vì nhập khẩu ồ ạt thép giá rẻ chất lượng thấp

Thị phần thép cán nóng suy giảm vì nhập khẩu ồ ạt thép giá rẻ chất lượng thấp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các doanh nghiệp sản xuất thép nguội cán nóng (HRC) cho biết, sản phẩm thép cán nóng giá rẻ chất lượng thấp nhập khẩu ồ ạt từ Trung Quốc và Ấn Độ khiến thị phần của nhà sản xuất trong nước suy giảm và tỷ lệ sản lượng sản xuất trên công suất thiết kế cũng suy giảm.

Các doanh nghiệp sản xuất thép nguội cán nóng (HRC) cho biết, sự gia tăng mạnh mẽ của các sản phẩm thép nhập khẩu nói chung và đặc biệt là sản phẩm thép cán nóng nói riêng từ Trung Quốc và Ấn Độ đã tác động và đe dọa rất lớn đến việc ổn định sản xuất trong nước.

Cụ thể, năm 2022, các nhà máy sản xuất thép trong nước đã phải cắt giảm sản lượng sản xuất, cho người lao động làm việc luân phiên. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ sản lượng sản xuất HRC /công suất khả dụng toàn ngành của doanh nghiệp trong nước suy giảm trong 3 năm từ 89% năm 2021 xuống 79% năm 2023.

HRC nội địa đã có sự gia tăng và đầu tư về mặt công suất nhưng thị phần bán hàng nội địa sụt giảm đáng kể, đặc biệt là trong năm 2023 giảm xuống còn 30% so với 46% năm 2021. Thép HRC nhập khẩu chiếm 70% thị phần từ mức 54% năm 2021. Cụ thể, nhập khẩu năm 2023 là 9,64 triệu tấn HRC, trong đó nhập từ Trung Quốc là 6,28 triệu tấn. Lượng nhập khẩu HRC cao hơn gần 140% so với lượng sản xuất thực tế của các nhà sản xuất HRC tại Việt Nam.

Đơn giá nhập khẩu trung bình từ Trung Quốc và Ấn Độ bình quân là 595 USD/tấn, thấp hơn nhiều so với giá nhập khẩu từ các nước khác là 649 USD/tấn. Giá nhập khẩu từ 2 thị trường này giảm 20-26% so với năm 2022và xu hướng nhập khẩu thép cán nóng ồ ạt với giá rẻ vẫn đang được tiếp diễn ở những tháng đầu năm 2024 với lượng nhập khẩu 3 triệu tấn trong đó 2,3 triệu tấn nhập từ Trung Quốc cao hơn sản lượng 2 triệu tấn của sản xuất trong nước.

Các quốc gia trên thế giới hiện đang duy trì áp dụng các chính sách tốt nhất để bảo vệ sản phẩm thép cán nóng nội địa. Thái Lan đang có thuế MFN đối với thép cán nóng là 5% và thuế chống bán phá giá cho các nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài lên đến 42%.

Ngoài ra, để bảo vệ ngành sản xuất trong nước, các quốc gia Indonesia, Malaysia Ấn Độ, Mỹ... cũng ban hành các quy định hàng rào kỹ thuật yêu cầu thép cán nóng nhập khẩu vào các quốc gia này phải trải qua quy trình đánh giá khắt khe.

Hiện tại, tổng năng lực sản xuất HRC của Hòa Phát và Formosa đạt 8,5 triệu tấn/năm. Lượng nhập khẩu HRC từ các nước khác (ngoài Trung Quốc và Ấn Độ) vào Việt Nam để tiêu thụ khoảng hơn 2,4 triệu tấn/năm. Như vậy, tổng nguồn cung thép cán nóng từ Hòa Phát, Formosa và lượng nhập khẩu từ các nước (ngoài Trung Quốc, Ấn Độ) khác đạt gần 11 triệu tấn/năm, hoàn toàn đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thép cán nóng nội địa, chưa kể năng lực sản xuất của những dự án đang và sẽ triển khai sắp tới (như dự án Dung Quất 2, Xuân Thiện, Long Sơn).

Vừa qua, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) đã gửi đơn đến Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương kiến nghị điều tra chống bán giá với sản phẩm thép nguội cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ.

Nhóm các doanh nghiệp nhập khẩu HRC, doanh nghiệp sản xuất tôn mạ đã lên tiếng phản đối áp thuế chống bán phá giá HRC nhập khẩu.

Tin bài liên quan