Quá trình trỗi dậy như một siêu cường quốc về kinh tế của Trung Quốc đang dần bị đảo ngược và nhiều khả năng sẽ tạo ra bước ngoặt lịch sử mới cho nền kinh tế toàn cầu trong những thập niên tới.
Thị phần của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu đã tăng gấp 10 lần, từ dưới mức 2% của năm 1990 lên 18,4% vào năm 2021. Đây là lần đầu tiên và duy nhất thế giới chứng kiến một mức tăng trưởng nhanh và liên tục đến vậy.
Tuy nhiên, năm 2022 mọi chuyện đã thay đổi và năm nay, thị phần của Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới đã giảm xuống còn 17%. Con số giảm 1,4% trong hai năm qua đánh dấu mức giảm thị phần lớn nhất của Trung Quốc kể từ những năm 1960.
Đánh giá về những nguyên nhân khiến quy mô kinh tế Trung Quốc trong tỷ trọng kinh tế toàn cầu bị suy giảm, một số chuyên gia kinh tế cho rằng phần lớn xuất phát từ các yếu tố nội tại của chính cường quốc này.
Đầu tiên là vấn đề về lực lượng lao động. Tốc độ tăng trưởng tiềm năng dài hạn của Trung Quốc, dựa trên tổng số lao động mới gia nhập lực lượng lao động và sản lượng trên mỗi lao động, hiện ở mức 2,5%.
Tình trạng số sinh ngày càng thấp của Trung Quốc đã làm giảm tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động của thế giới từ mức cao nhất là 24% xuống còn 19% và dự kiến sẽ giảm xuống 10% trong khoảng 35 năm tới. Với tỷ lệ người lao động trên thế giới ngày càng giảm, tỷ lệ tăng trưởng nhỏ hơn của cả nền kinh tế Trung Quốc và nền kinh tế toàn cầu gần như là điều chắc chắn.
Thứ hai là vấn đề nợ công. Trong một thập kỷ vừa qua, tổng số nợ công của Trung Quốc đã ở mức cao lịch sử đối với một quốc gia đang phát triển.
Hai vấn đề này đã làm chậm lại tốc độ tăng trưởng năng suất, được đo bằng sản lượng trên mỗi công nhân. Ít công nhân hơn và tăng trưởng sản lượng trên mỗi công nhân yếu hơn sẽ khiến Trung Quốc gặp khó khăn trong việc bắt đầu giành lại thị phần trong nền kinh tế toàn cầu.
Năm 2023, Trung Quốc đã chứng kiến sự suy giảm liên tục của đồng nội tệ. Các nhà đầu tư đang rút tiền ra khỏi nước này với tốc độ kỷ lục, gây thêm áp lực lên đồng nhân dân tệ. Số liệu thống kê cho thấy nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế lớn nhất châu Á giảm khoảng 12 tỷ USD trong quý III năm nay.
Không chỉ các nhà đầu tư nước ngoài đang rời đi, chính các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang dịch chuyển với tốc độ đầu tư ra nước ngoài nhanh bất thường, làm suy giảm nguồn vốn mới đưa vào hoạt động sản xuất.
Nếu như trước đây, việc doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng đầu tư ra nước ngoài được hiểu là theo hướng có lợi cho Trung Quốc, thì giờ đây dường như đó lại chính là yếu tố cản trở sự hồi phục nhanh chóng của nền kinh tế nước này.
Tại cuộc gặp mặt Tổng thống Mỹ Joe Biden và giám đốc điều hành các doanh nghiệp lớn của Mỹ, bên lề Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã đề cập rằng Trung Quốc vẫn cần các đối tác kinh doanh nước ngoài.