Trên cơ sở đó, Tổng cục Thi hành án dân sự đã thành lập Tổ công tác chỉ đạo, xử lý các vụ việc có liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng để đẩy nhanh tiến độ và thi hành dứt điểm các vụ việc phức tạp, kéo dài có liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng.
Bên cạnh đó, cùng với việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự (chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2015), để đạt được mục tiêu đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, phấn đấu đến cuối năm 2015 đưa tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, Bộ Tư pháp đã phối hợp với nhiều cơ quan chức năng triển khai các giải pháp, qua đó nâng cao hiệu quả của việc thi hành án dân sự liên quan đến các tổ chức tín dụng (TCTD), ngân hàng.
Kết quả đạt được
Từ 1/10/2013 đến 30/9/2014, số vụ việc phải thi hành cho các TCTD, ngân hàng là 13.571 vụ (chiếm 1,74% tổng số vụ thụ lý), tương ứng với tổng số tiền phải thi hành khoảng 40.150 tỷ đồng (chiếm 42,3% tổng số thụ lý), trong đó đã thi hành xong 713 vụ (chiếm 5,25%), tương ứng với số tiền khoảng 5.351 tỷ đồng (13,32%).
Từ 1/10/2014 đến 31/3/2015, số vụ việc phải thi hành cho các TCTD, ngân hàng là 14.391 vụ (chiếm 2,71% tổng số thụ lý), tương ứng với tổng số tiền phải thi hành là gần 49.005 tỷ đồng (chiếm 48,03% tổng số thụ lý), trong đó đã thi hành xong 731 vụ (chiếm 5,07%), tương ứng với số tiền khoảng 5.643 tỷ đồng (11,5%). Số còn lại đang được các cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành theo quy định của pháp luật là 13.660 vụ (94,93%), tương ứng với số tiền gần 43.362 tỷ đồng (88,5%).
Trong đó, thi hành cho một số ngân hàng thương mại lớn như: Agribank là 3.325 vụ (23,1%) tương ứng với số tiền phải thi hành xấp xỉ 7.830 tỷ đồng (15,96%); VietinBank là 1.311 vụ (9,1%) tương ứng với số tiền phải thi hành là khoảng 4.830 tỷ đồng (9,85%); BIDV là 886 vụ (6,15%) tương ứng với số tiền phải thi hành gần 3.700 tỷ đồng (7,56%)...
Việc tổ chức thi hành án liên quan đến các TCTD, ngân hàng trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định, nhờ có sự phối hợp, hỗ trợ của các đơn vị liên quan như viện kiểm sát, công an, UBND các cấp và các đơn vị chuyên môn khác. Ngoài ra, cũng có sự hỗ trợ tích cực của các TCTD, ngân hàng trong việc cung cấp thông tin, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, để việc xử lý tài sản thế chấp được nhanh và đúng quy định của pháp luật.
Số vụ việc thi hành án cho các TCTD, ngân hàng năm sau thường tăng hơn so với năm trước. Mặc dù số việc phải thi hành án cho ngân hàng chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong số việc phải thi hành án (năm 2014 chiếm 1,74%, 6 tháng đầu năm 2015 chiếm 2,71%), nhưng số tiền chiếm tỷ lệ rất cao trong tổng số tiền phải thi hành án (năm 2014 chiếm 42,3%, 6 tháng đầu năm 2015 chiếm 48,03%). Điều đó tạo ra áp lực rất lớn đối với cơ quan thi hành án dân sự. Các cơ quan thi hành án dân sự đã phải huy động nhiều lực lượng để tổ chức thi hành án cho các TCTD, ngân hàng.
Để đạt được kết quả trên, cơ quan thi hành án dân sự đã tích cực, chủ động hơn trong việc xác minh, kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án để thu hồi tiền cho các TCTD, ngân hàng. Trong năm 2014 và đầu năm 2015, thị trường bất động sản vẫn còn ảm đạm, nhưng cơ quan thi hành án dân sự trong cả nước đã nỗ lực phấn đấu để kết quả thi hành án tăng lên đáng kể, thể hiện theo kết quả thống kê của Tổng cục Thi hành án, 6 tháng đầu năm 2015 đã thi hành xong 731 vụ, thu được số tiền gần 5.650 tỷ đồng, bằng cả năm 2014.
6 tháng đầu năm 2015 đã thi hành xong 731 vụ việc, thu được số tiền 5.643 tỷ đồng
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế
Kết quả trên cho thấy, mặc dù hoạt động thi hành án dân sự liên quan đến các TCTD, ngân hàng trong thời gian qua đã có sự chuyển biến tích cực, nhưng kết quả thi hành án đạt được chưa như kỳ vọng, như tỷ lệ giải quyết các vụ việc còn thấp, số tiền thu được còn khiêm tốn.
Nguyên nhân, về chủ quan, các cơ quan thi hành án mặc dù đã quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ Tư pháp một cách quyết liệt từ Tổng cục tới các cơ quan thi hành án dân sự địa phương, song vẫn còn một số chấp hành viên, kể cả lãnh đạo một số cơ quan thi hành án dân sự chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện Nghị quyết trong việc tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, dẫn đến việc thi hành các bản án, quyết định cho các TCTD, ngân hàng chưa được kịp thời.
Một số chấp hành viên nhận thức và áp dụng pháp luật chưa chính xác, dẫn đến nhiều vụ việc dù người phải thi hành án có điều kiện thi hành án (có tài sản thế chấp), nhưng việc thi hành án vẫn bị chậm trễ; nhiều việc có đơn thư khiếu nại, nhất là những vụ việc liên quan đến hộ gia đình, cần có thời gian giải quyết, nhiều vụ việc nội dung phức tạp cần sự thống nhất liên ngành; chấp hành viên còn chưa kiên quyết trong việc tổ chức cưỡng chế giao tài sản cho người mua trúng đấu giá, để chi trả tiền thi hành án, kết thúc vụ việc, đảm bảo quyền và lợi ích của các TCTD.
Về khách quan, năm 2014, thị trường bất động sản vẫn còn đóng băng nên việc bán tài sản để đảm bảo thi hành án còn gặp nhiều khó khăn, trực tiếp ảnh hưởng đến điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Theo thống kê của Tổng cục Thi hành án dân sự, toàn quốc hiện có tới 4.937 việc, tương ứng với số tiền 19.040 tỷ đồng (chiếm 34,28% về việc; 38,85% về tiền trên tổng số việc, tiền phải thi hành cho các TCTD, ngân hàng) đã được các cơ quan thi hành án dân sự kê biên, định giá, bán đấu giá tài sản nhưng chưa bán được. Trong số đó, có rất nhiều tài sản đã được giảm giá nhiều lần (có trường hợp giảm giá tới gần 30 lần như ở Khánh Hòa, Bình Dương, Đồng Nai…), nhưng vẫn không bán được để thi hành án cho TCTD, ngân hàng.
Về phía TCTD, ngân hàng, trong quá trình tiến hành thủ tục thế chấp, cho vay, vẫn còn tình trạng nhiều trường hợp không xác định kỹ hiện trạng, nguồn gốc, giá trị tài sản; một tài sản được thế chấp cho nhiều nơi; nhận thế chấp là quyền sử dụng đất mà không nhận thế chấp tài sản trên đất, nhận thế chấp cả tài sản nằm trong quy hoạch... Do đó, đến giai đoạn thi hành án, việc xử lý tài sản thế chấp gặp rất nhiều khó khăn, làm ảnh hưởng đến kết quả của công tác thi hành án dân sự.
Đâu là giải pháp?
Để đảm bảo việc xử lý nợ xấu, thu hồi có hiệu quả các khoản nợ mà các TCTD, ngân hàng đã cho vay, Bộ luật Tố tụng dân sự nên được sửa đổi, bổ sung theo hướng trình tự thủ tục rút gọn đối với các vụ việc tranh chấp về hợp đồng tín dụng của các TCTD, để việc xét xử không bị kéo dài, tốn nhiều thời gian, tránh tình trạng người đi vay lợi dụng việc xét xử tẩu tán tài sản, nhất là trong trường hợp tài sản thế chấp là động sản.
Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự cũng cần sửa đổi, bổ sung các vấn đề liên quan đến việc xác định thành viên hộ gia đình, về việc ủy quyền cho pháp nhân, để tạo điều kiện thuận lợi, chắc chắn cho cơ quan thi hành án dân sự trong việc thi hành án, tránh sai phạm.
Hiện nay ngoài các cơ quan thi hành án, các văn phòng thừa phát lại cũng có chức năng thi hành án. Do vậy, ngoài việc thông qua cơ quan thi hành án để tổ chức thi hành, các TCTD cũng có thể thỏa thuận để các văn phòng thừa phát lại tổ chức thi hành ở những địa phương thí điểm chế định Thừa phát lại (Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, An Giang, Vĩnh Long).
Về phía các TCTD, ngân hàng, cần thực hiện đúng trình tự, thủ tục thẩm định tài sản trước khi cho khách hàng vay, khi nhận thế chấp quyền sử dụng đất cần cân nhắc nhận cả tài sản trên đất. Các chi nhánh NHNN ở địa phương cần phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự trong việc tiến hành rà soát các vụ việc phải thi hành án. Các TCTD, ngân hàng và VAMC cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan thi hành án dân sự trong việc rà soát và tổ chức thi hành án, cung cấp đầy đủ các thông tin và các tài liệu liên quan đến tài sản thế chấp, để việc xử lý tài sản được kịp thời, đảm bảo đúng quy định pháp luật.