Thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, thấp thỏm chờ chính sách!

Thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, thấp thỏm chờ chính sách!

(ĐTCK-online) Theo số liệu của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), trong 6 tháng đầu năm 2011, bảo hiểm nông nghiệp chiếm tỷ trọng thấp nhất (0,1%) với doanh thu 5,8 tỷ đồng. 5 DN bảo hiểm triển khai bảo hiểm nông nghiệp gồm Bảo Việt (doanh thu đạt 2,7 tỷ đồng), Quân đội (doanh thu đạt 2,7 tỷ đồng), Viễn Đông (doanh thu đạt 0,2 tỷ đồng), Bảo Minh (doanh thu đạt 0,09 tỷ đồng) và Toàn Cầu (doanh thu đạt 0,04 tỷ đồng).

Groupama là một DN vốn tiên phong trong lĩnh vực này không triển khai sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp trong 6 tháng đầu năm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Thông tư 47/2011/TT-BNNPTNT hướng dẫn thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định số 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, việc thí điểm chưa được thực hiện, bởi hiện tại, Bộ Tài chính vẫn chưa ban hành thông tư hướng dẫn chế độ tài chính đối với các DN bảo hiểm khi tham gia thí điểm. Bản thân dự thảo Thông tư hướng dẫn cũng bộc lộ những vấn đề cần làm rõ trước khi được ban hành.

Điểm mấu chốt nhất theo các DN bảo hiểm là dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính cần làm rõ đối tượng thực hiện tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp là tương hỗ (phi lợi nhuận) hay thương mại. Nếu là tương hỗ thì cần thành lập một DN bảo hiểm riêng 100% vốn nhà nước hoạt động phi lợi nhuận, với chức năng chính là hỗ trợ, giúp giảm thiệt hại cho người nông dân.

Theo những nội dung trong dự thảo Thông tư, sẽ rất khó cho các DN bảo hiểm cổ phần có lợi ích của cổ đông tham gia. Vì trong trường hợp không phải bồi thường do tổn thất, DN không được sử dụng nguồn phí như lợi nhuận. Trong khi đó, theo Điều 14 dự thảo Thông tư, "đối với chi phí bán hàng, chi phí quản lý, chi phí hoa hồng bảo hiểm, DN bảo hiểm được phép sử dụng không quá 30% doanh thu phí bảo hiểm gốc thu được hàng năm từ hoạt động thí điểm bảo hiểm nông nghiệp để chi. Dự phòng bồi thường cho các dao động lớn về tổn thất được trích lập tối thiểu 20% phí bảo hiểm giữ lại hàng năm. Phần phí bảo hiểm giữ lại trong năm sau khi đã trừ đi các khoản theo quy định được dùng để bổ sung vào quỹ dự phòng bồi thường cho các dao động lớn về tổn thất".

Quy định DN sử dụng không quá 30% phí là không hợp lý, bởi riêng cắt hoa hồng cho đại lý bán hàng đã hết 20%, chỉ còn 10% DN sẽ không đủ cho chi phí quản lý và chi phí khác. Bên cạnh đó, đơn giá tính chi phí theo quy định của Nhà nước thấp hơn rất nhiều, nên các DN bảo hiểm sẽ khó khăn trong việc tuân thủ.

Theo Điều 8 của dự thảo Thông tư, quy tắc, điều khoản, biểu phí do DN bảo hiểm xây dựng phải có xác nhận của chuyên gia tính phí. Tuy nhiên, trong số 27 DN bảo hiểm phi nhân thọ đang hoạt động hiện nay, hầu như không có chuyên gia tính phí. Trường hợp DN bảo hiểm đủ điều kiện được Bộ Tài chính lựa chọn nhưng không có chuyên gia tính phí thì sẽ thực hiện ra sao?

Theo Điều 11 dự thảo Thông tư, hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực kể từ thời điểm bên mua bảo hiểm đã đóng đủ phí bảo hiểm thuộc phần trách nhiệm của bên mua bảo hiểm và có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về đối tượng thuộc diện hỗ trợ. Nhưng điều khiến các DN bảo hiểm băn khoăn là, tiền phí bảo hiểm thuộc phần hỗ trợ cho người dân sẽ chỉ được giải ngân theo quý, hoặc 6 tháng. Nếu khi cấp đơn bảo hiểm, các DN chưa nhận được tiền từ ngân sách, thì sẽ lấy phí ở đâu để chuyển cho nhà tái bảo hiểm. Trong khi đó, nếu xảy ra thiên tai, thiệt hại thì rủi ro này sẽ do ai gánh chịu, nhà tái bảo hiểm hay DN bảo hiểm (do chưa có phí bảo hiểm để nộp).

Ngoài ra, dự thảo Thông tư còn một số điểm cần hướng dẫn rõ ràng hơn như Điều 3 quy định điều kiện để DN bảo hiểm tham gia bảo hiểm nông nghiệp là có kinh nghiệm triển khai bảo hiểm nông nghiệp. Trên thực tế, đây là lĩnh vực mới mẻ, nên đa số DN chưa có kinh nghiệm.

Hiện nay, Bộ Tài chính vẫn chưa công khai danh sách các DN bảo hiểm được lựa chọn thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp. Tuy nhiên, một số nguồn tin cho ĐTCK hay, do sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ cho người dân mua bảo hiểm nên đối tượng lựa chọn có thể là DN bảo hiểm do cổ đông Nhà nước nắm cổ phần chi phối. Nếu lựa chọn theo tiêu chí này thì hiện chỉ có Tập đoàn Bảo Việt (Nhà nước nắm giữ trên 70% vốn), Bảo Minh (Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước nắm giữ 50,7% vốn) là đủ tiêu chí.

Theo ghi nhận của ĐTCK, với những quy định như trong dự thảo Thông tư, nhiều DN bảo hiểm không hào hứng với thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, nếu có tham gia là vì an sinh xã hội, có nguồn lực thực sự dồi dào, cũng như thuyết phục được các cổ đông.