Thép Việt - Ý, khó khăn bủa vây

Thép Việt - Ý, khó khăn bủa vây

(ĐTCK) Năm 2018, Công ty cổ phần Thép Việt - Ý (VIS - sàn HOSE) ghi nhận mức lỗ kỷ lục kể từ ngày thành lập (hơn 326 tỷ đồng). Trong năm 2019, VIS tiếp tục đặt kế hoạch lỗ 93 tỷ đồng, nhưng kế hoạch giảm lỗ này xem ra cũng còn nan giải khi khó khăn vẫn bủa vây Công ty.

Lỗ nặng

Theo báo cáo tài chính quý IV/2018 của VIS, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ trong quý của Công ty đạt 1.372,1 tỷ đồng, thấp hơn năm 2017 khoảng 119 tỷ đồng. Trong khi đó, giá vốn hàng bán tăng vọt, khiến doanh nghiệp này ghi nhận khoản lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ âm 150,89 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước đạt gần 13,2 tỷ đồng.

Kinh doanh dưới giá vốn, trong khi các chi phí về tài chính vẫn gia tăng và phải chịu thêm gần 8 tỷ đồng tiền phạt hủy hợp đồng, khiến quý IV/2018, VIS báo lỗ ròng hơn 195 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2017 lỗ khoảng 24 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2018, tổng doanh thu thuần của VIS đạt 5.229 tỷ đồng, giảm hơn 14% so với năm 2017 và chỉ hoàn thành 74,9% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế âm hơn 326 tỷ đồng, trong khi năm 2017 lãi sau thuế 43,49 tỷ đồng và kế hoạch năm 2018, Công ty này đặt mục tiêu lợi nhuận 90,4 tỷ đồng.

Về chủ mới vẫn chưa đổi vận

Tiền thân là Nhà máy Thép Việt Ý thuộc Công ty Sông Đà 12 - Tổng công ty Sông Đà, được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2003 với công suất cán thép là 250.000 tấn/năm. Năm 2006, Công ty niêm yết cổ phiếu trên HOSE với mã chứng khoán là VIS. Năm 2012, VIS sáp nhập với Công ty cổ phần Luyện thép Sông Đà, một công ty của Tổng công ty Sông Đà có công suất 400.000 tấn phôi/năm.

Từ vốn điều lệ ban đầu 30 tỷ đồng, đến nay, vốn điều lệ của VIS đã tăng lên đến 730 tỷ đồng, với thị trường hoạt động chủ yếu tại miền Bắc, chiếm tới 90% tổng doanh thu.

Là công ty con của Tổng công ty Sông Đà trong giai đoạn 2003 - 2016 (Tổng công ty Sông Đà nắm 53% vốn), nhưng lợi thế này chỉ mang lại hiệu quả trong thời gian đầu khi Tổng công ty Sông Đà đang phát triển, sau đó hoạt động kinh doanh của VIS liên tục thụt lùi.

Giai đoạn 2011 - 2016, dù doanh thu vẫn ghi nhận trung bình lên tới gần 4.000 tỷ đồng mỗi năm, nhưng lợi nhuận liên tục trồi sụt với 3 năm báo lỗ gồm 2012 (-17,78 tỷ đồng), 2013 (-27,79 tỷ đồng) và 2015 (-51,9 tỷ đồng). Thị trường đầu ra gặp khó khăn, khiến hàng tồn kho gia tăng, buộc VIS phải chấp nhận bán dưới giá vốn để thu hồi vốn là nguyên nhân khiến Công ty thua lỗ.

Tháng 8/2016, Tổng công ty Sông Đà thoái vốn tại VIS và Công ty cổ phần Thương mại Thái Hưng, một doanh nghiệp tư nhân lớn hoạt động trong ngành thép, cũng là đối tác kinh doanh lớn của VIS kể từ khi thành lập tiến hành thâu tóm. Tới tháng 6/2017, Thái Hưng trở thành cổ đông lớn nhất của VIS với 45,2% quyền sở hữu, sau đó tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu lên 65%, biến Thép Việt - Ý thành công ty con.

Tuy nhiên, tháng 11/2017, Thái Hưng đã bán 14,77 triệu cổ phiếu VIS, tương ứng 20% vốn điều lệ VIS với giá 25.597 đồng/cổ phiếu cho một công ty thép của Nhật Bản là Kyoei Steel Ltd, thu về khoảng 378 tỷ đồng. Sau đó, Thái Hưng lại chào mua 3,95 triệu cổ phiếu VIS, tương đương 5,35% vốn điều lệ, để nâng tổng số cổ phiếu VIS nắm giữ lên 37,66 triệu cổ phiếu, tương đương 51,01%, quay lại trở thành công ty mẹ của VIS.

Tiếp đó, từ 19/3 - 27/4/2018, Thái Hưng tiếp tục mua vào tổng cộng hơn 10,32 triệu cổ phiếu VIS, nâng sở hữu tại VIS lên lại mức 65%.

Với sự gia nhập của Thái Hưng và Kyokei Steel, nhiều cổ đông đã từng hy vọng VIS có thể dễ dàng giải bài toán đầu ra, bởi Thái Hưng là đơn vị xuất khẩu thép lớn, chiếm tới 12% lượng thép xuất khẩu của cả nước và tham gia hoạt động tại nhiều địa bàn kinh tế trọng điểm của đất nước như Thái Nguyên, TP.HCM, Hà Nội, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương. Trong khi đó, Kyokei Steel là một trong những tập đoàn thép lớn của Nhật Bản và cũng từng nhiều năm hoạt động tại Việt Nam.

Tuy nhiên, hiệu quả từ quá trình tái cấu trúc cũng chỉ duy trì được một năm khi năm 2016, VIS ghi nhận doanh thu thuần 3.739,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 72,85 tỷ đồng.

Sang năm 2017, doanh thu thuần của VIS ghi nhận con số lên tới 6.105,1 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế lại giảm tới hơn 19 tỷ đồng, chỉ đạt 55,27 tỷ đồng, chỉ hoàn thành chưa tới 40% kế hoạch năm.

Nguyên nhân là giá đầu vào tăng mạnh trong quý IV/2017, cùng các chi phí quản lý, chi phí bán hàng tăng vọt, trong khi giá thép đầu ra giảm mạnh khiến doanh nghiệp này lỗ tới hơn 27,8 tỷ đồng trong quý IV, kéo tụt kết quả kinh doanh năm 2017.

Sang năm 2018, hoạt động kinh doanh của VIS tiếp tục gặp khó khăn ngay trong quý đầu tiên khi doanh thu thuần đạt 1.300,4 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ vỏn vẹn 2,3 tỷ đồng, giảm 94% so với cùng kỳ năm 2017. Các quý tiếp theo, doanh thu vẫn duy trì ở mức tốt, nhưng lợi nhuận theo chiều hướng tụt giảm mạnh và liên tục rơi vào tình trạng thua lỗ.

Giải trình về lợi nhuận biến động mạnh, lãnh đạo Thép Việt Ý cho hay, trong quý III/2018, Công ty lỗ do ảnh hưởng thời tiết mưa nhiều, phần lớn các công trình xây dựng dừng thi công hoặc hoạt động cầm chừng. Lượng hàng tồn kho ở các nhà phân phối, các cửa hàng đại lý lớn, cộng với tâm lý lo ngại thị trường tiếp tục giảm giá đã ảnh hưởng lớn đến nhu cầu tiêu thụ thép. Mặt khác, thị trường xuất khẩu giảm sút do phải đối mặt với hàng loạt vụ điều tra chống bán phá giá, tự vệ, trợ cấp mà nước ngoài khởi xướng.

Cũng theo lãnh đạo Thép Việt - Ý, trước sức ép tồn kho tăng cao, các nhà máy sản xuất đều duy trì chính sách hỗ trợ hoặc giảm giá hàng bán nhằm tăng sản lượng tiêu thụ. Kết hợp với việc giá nguyên vật liệu trong nước có xu hướng giảm xuống thấp hơn giá nguyên vật liệu thế giới, đã tạo ra nghịch lý chênh lệch giữa giá bán phôi và giá phế liệu đầu vào không đủ bù đắp chi phí sản xuất, xuất hiện tình trạng lỗ giá thành. Thực trạng này đã gây nhiều khó khăn cho các nhà máy sản xuất phôi, nhất là đối với nhà máy công nghệ lò cao như nhà máy phôi thép tại Chi nhánh Hải Phòng.

Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của VIS gặp nhiều khó khăn, tháng 5/2018, Thái Hưng thông báo bán 33,2 triệu cổ phiếu VIS cho Kyokei Steel, qua đó giảm tỷ lệ xuống còn 20%, đồng thời không còn làm công ty mẹ của VIS.

Chờ đợi gì ở kết quả kinh doanh 2019?

Ngày 22/2/2019, HĐQT VIS đã ban hành Nghị quyết số 05 NQ/HĐQT về việc phê duyệt kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2019. Theo đó, trong năm 2019, VIS đặt kế hoạch doanh thu gần 4.862 tỷ đồng, bằng 93% so với thực hiện năm 2018. Đồng thời, Công ty lên kế hoạch lỗ 93 tỷ đồng trong năm nay.

Tuy nhiên, liệu VIS có đạt được kế hoạch giảm lỗ hay không vẫn là câu hỏi ngỏ, bởi theo đánh giá của Hiệp hội Thép Việt Nam, dù nhu cầu thép trên thị trường thế giới tăng, nhưng nguồn cung thép tăng mạnh hơn so với cầu, khiến ngành thép gặp nhiều khó khăn.

Tại thị trường trong nước, dù có sự tăng trưởng khá về sản lượng, nhưng hiệu quả sản xuất của nhiều nhà máy vẫn ở mức thấp. Nhiều doanh nghiệp thép, đặc biệt là các nhà máy cán thép thuần túy gặp khó khăn do chi phí phôi thép đầu vào tăng cao, trong khi giá thép thành phẩm không tăng tương ứng. Đồng thời, tình trạng cung vượt cầu vẫn tiếp diễn, dẫn tới sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà sản xuất nhằm duy trì thị phần.

Trở lại với VIS, hiện tại, doanh nghiệp này đang sử dụng công nghệ lò điện EAF để sản xuất thép, với chi phí chính là thép phế và điện. Tuy nhiên, so với các doanh nghiệp sử dụng lò cao, công nghệ này không có lợi thế về chi phí sản xuất, dẫn đến tỷ suất lợi nhuận gộp của VIS chỉ đạt ở mức trung bình so với ngành. Với tình hình biến động rất mạnh của giá thép trong những năm qua, cùng chính sách tăng thuế nhập khẩu thép của Mỹ và các nước châu Âu, khó khăn xem ra vẫn chưa qua với VIS.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan