Thép Vicasa (VCA) gặp khó

Thép Vicasa (VCA) gặp khó

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Từng là thương hiệu có uy tín trên thị trường thép phía Nam, kinh doanh hiệu quả, song hoạt động của CTCP Thép Vicasa - VN Steel (VCA) đang gặp nhiều khó khăn. 

Lợi nhuận giảm, hoạt động thu hẹp

Quý II vừa qua, Công ty báo cáo doanh thu 504,5 tỷ đồng, giảm 5,5% so với cùng kỳ 2019. Lợi nhuận gộp giảm sâu hơn, với mức giảm 38,5% so với cùng kỳ.

Quý đầu năm, doanh thu thuần của Công ty giảm 32,2%, còn lợi nhuận sau thuế giảm 18,6%. Luỹ kế nửa đầu năm, Công ty đạt 975,2 tỷ đồng doanh thu và 12,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt bằng 79,4% và 72,6% nửa đầu năm 2019.

Xu hướng giảm lợi nhuận của Vicasa bắt đầu từ năm 2019. Ðó chính là nguyên nhân khiến mức trả cổ tức của Công ty đi xuống. Nếu như năm 2017 - 2018, Vicasa chi trả cổ tức tiền mặt đến 30% mệnh giá (3.000 đồng/cổ phiếu) thì đến năm 2019, tỷ lệ chi trả giảm xuống chỉ còn 15% mệnh giá (1.500 đồng/cổ phiếu).

Thép Vicasa (VCA) gặp khó  ảnh 1

Doanh thu, lợi nhuận của vca đang có xu hướng suy giảm.

Chỉ tiêu cổ tức năm nay được Ðại hội đồng cổ đông thường niên thông qua chỉ còn một nửa của năm 2019, với mức 7% mệnh giá (700 đồng/cổ phiếu). Kế hoạch này được đặt ra trên cơ sở lợi nhuận kế hoạch 16 tỷ đồng, giảm 37% so với thực hiện năm ngoái.

Với việc đã thực hiện 79,4% kế hoạch lợi nhuận năm sau 6 tháng, Vicasa hoàn toàn có khả năng hoàn thành vượt mức kế hoạch, từ đó làm cơ sở tăng mức chi trả cổ tức cho năm nay. Tuy nhiên, mức cổ tức được dự báo khó vượt qua tỷ lệ chi trả của 2019.

Cùng với xu hướng kết quả kinh doanh suy giảm, quy mô tài sản, nguồn vốn của VCA đang có xu hướng thu hẹp. Nguyên nhân chủ yếu là do sự thu hẹp quy mô hàng tồn kho, phải thu.

Dù điều này giúp dòng tiền kinh doanh của VCA có sự thặng dư khá lớn, đạt 122,9 tỷ đồng trong 2019 và 162,1 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2020.

Trong bối cảnh nhu cầu dòng tiền đầu tư không lớn, Công ty đã giảm đáng kể vay nợ với dư nợ vay riêng trong nửa đầu năm 2020 giảm 57,1% so với đầu năm và hiện chỉ còn 102 tỷ đồng, tỷ lệ nợ vay trong cấu trúc vốn theo đó cũng giảm từ 46,9% về còn 25,9% tính đến cuối quý II/2020.

Tuy vậy, phía sau sự cải thiện này cũng đem đến không ít lo lắng cho nhà đầu tư vì nó cho thấy hoạt động kinh doanh của Công ty đang gặp nhiều khó khăn và có xu hướng co cụm.

Gian nan lời giải bài toán cạnh tranh

Nếu như trong quý đầu năm 2020, giải trình của Vicasa cho biết lợi nhuận giảm là do tình hình thị trường tiêu thụ thép cán cạnh tranh gay gắt và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên sản lượng tiêu thụ giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, thì trong quý II, nguyên nhân là do tình hình thị trường tiêu thụ thép cán cạnh tranh gay gắt, sản lượng và giá bán tiếp tục giảm so với cùng kỳ.

Áp lực cạnh tranh cũng chính là nguyên nhân khiến doanh thu, lợi nhuận của Vicasa suy giảm trong 2 năm trở lại đây, bên cạnh những khó khăn ảnh hưởng chung đến các doanh nghiệp trong ngành như giá nguyên vật liệu đầu vào và đầu ra biến động không tương ứng ảnh hưởng đến biên lợi nhuận, tiêu thụ thép giảm do thị trường xây dựng - bất động sản chững lại, hay chi phí sản xuất như điện, xăng dầu… tăng.

Ðiều này có thể thấy rõ hơn qua báo cáo của lãnh đạo Công ty về tình hình thị trường thép trong nước năm 2019.

Theo đó, trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ thép thấp và chưa có dấu hiệu phục hồi, thị trường bất động sản khá ảm đạm do các dự án đầu tư trọng điểm quốc gia ngừng trệ, các dự án mới chưa triển khai thì sự tham gia của 4 nhà máy mới trong năm bao gồm Hòa Phát - Dung Quất, An Hưng Tường - Nghi Sơn, TungHo, Ðông Nam Á đã khiến cuộc cạnh tranh về giá để giành thị phần ngày càng khốc liệt.

Số liệu từ Vicasa cho biết, trong năm 2019, Công ty An Hưng Tường đưa vào hoạt động nhà máy thép có công suất 500.000 tấn/năm, Thép Ðông Nam Á đầu tư thêm 2 dây chuyền cán và lò trung tần nâng công suất thêm 500.000 tấn/năm.

Với sản phẩm chủ lực là thép dân dụng CB300 và thép phi 6, phi 8, vốn là các sản phẩm truyền thống của Vicasa, việc hai công ty này gia tăng công suất đã gây áp lực lớn lên việc tiêu thụ sản phẩm của Vicasa ở thị trường miền Tây và TP.HCM.

Trong khi đó, Thép Hòa Phát sau khi đưa Khu liên hợp gang thép Hòa Phát - Dung Quất vào vận hành cũng đã áp dụng chính sách giá bán thấp để thâm nhập thị trường phía Nam, đặc biệt là thị trường miền Tây.

Báo cáo của CTCP Chứng khoán SSI mới đây cho biết, trong quý II/2020, mặc dù sản lượng tiêu thụ toàn ngành thép giảm 2% so với cùng kỳ 2019, nhưng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của Tập đoàn Hòa Phát đã đi ngược xu hướng, tăng 20% nhờ sản lượng tiêu thụ ở thị trường phía Nam tăng mạnh.

Thị phần thép xây dựng của Hòa Phát đạt trên 30% trong quý II/2020, so với mức 25% cùng kỳ năm 2019.

Áp lực cạnh tranh khiến Vicasa phải lựa chọn giữa hai phương án: nếu giảm giá bán để tiêu thụ sản phẩm thì ảnh hưởng đến lợi nhuận, còn không giảm hoặc giảm ít hơn các đối thủ thì mất thị phần.

Vicasa được xây dựng từ năm 1967, là thương hiệu quen thuộc và có uy tín trên thị trường tiêu thụ thép ở các tỉnh phía Nam. Nhưng cũng chính vì ra đời sớm nhất nên nhiều máy móc, dây chuyền sản xuất của Công ty đã khá cũ kỹ.

Tính đến 30/6/2020, nguyên giá các tài sản cố định đã hết khấu hao, nhưng vẫn còn được sử dụng là 214,1 tỷ đồng, chiếm 54,6% nguyên giá các tài sản cố định.

Ðiều này một mặt đòi hỏi thường xuyên cần phải thay thế hoặc sửa chữa, mặt khác là chi phí sản xuất cao sẽ hơn so với các nhà máy mới được đầu tư với công nghệ hiện đại.

Với công suất xưởng luyện và dây chuyền cán trên dưới 200.000 tấn/năm, năng lực sản xuất của Vicasa hiện nhỏ hơn nhiều doanh nghiệp mới được đầu tư xây dựng sau này.

Chia sẻ tại Ðại hội cổ đông 2019, lãnh đạo Vicasa cho biết, Công ty An Hưng Tường sử dụng công nghệ sản xuất phôi thép bằng lò trung tần có giá thành thấp hơn khoảng 1 triệu đồng/tấn sản phẩm. Thực tế, so với nhiều doanh nghiệp cùng ngành, biên lợi nhuận gộp của Vicasa hiện thấp hơn đáng kể.

Một điểm cũng cần lưu ý là nhà máy của VCA hiện đặt tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1, Ðồng Nai. Khu công nghiệp này đã được Chính phủ đồng ý chủ trương di dời và chuyển đổi thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ.

Việc nằm trong kế hoạch di dời đã và đang khiến Công ty gặp nhiều khó khăn như trong ngắn hạn không đầu tư quá lớn và đồng bộ được.

Về dài hạn, khi thực hiện di dời, chắc chắn hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty cũng bị ảnh hưởng đáng kể và cần nhu cầu vốn đầu tư lớn.

Tin bài liên quan