Thép Trung Quốc tiếp tục tràn ngập thị trường toàn cầu và và đẩy giá xuống

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Xuất khẩu thép của Trung Quốc đang tăng vọt khi các nhà sản xuất thép Trung Quốc đẩy các sản phẩm dư thừa ra thị trường quốc tế trong bối cảnh nhu cầu trong nước trì trệ, khiến một số nước cân nhắc áp thuế chống bán phá giá.
Thép Trung Quốc tiếp tục tràn ngập thị trường toàn cầu và và đẩy giá xuống

Trung Quốc đã xuất khẩu 53 triệu tấn thép trong 6 tháng đầu năm nay, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước, với tổng lượng xuất khẩu trong năm 2024 có thể đạt mức cao kỷ lục là 110 triệu tấn từng được thiết lập vào năm 2015.

Sự gia tăng hàng tồn kho ở các nhà sản xuất thép nhiều hơn ở các nhà phân phối. Tồn kho thép gần như ở mức bình ổn cho đến khoảng năm 2020, nhưng hiện các nhà sản xuất hiện có thêm khoảng 4 triệu tấn tồn kho. Các công ty đang chuyển sang xuất khẩu khi hàng tồn kho tăng cao trong bối cảnh nhu cầu trong nước suy yếu.

Theo các công ty thép lớn, giá thép cuộn cán nóng tại thị trường Đông Nam Á đã giảm mạnh từ khoảng 700 - 900 USD/tấn (bao gồm cước phí vận chuyển) trong năm 2021 đến giữa năm 2022 xuống khoảng 510 - 520 USD/tấn do xuất khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh.

Giá hợp đồng tương lai thép cuộn cán nóng trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago cũng đã giảm mạnh từ hơn 1.000 USD vào cuối năm ngoái xuống còn khoảng 660 USD/tấn.

Xuất khẩu của các nhà sản xuất thép lớn của Nhật Bản cũng đang bị ảnh hưởng bởi xu hướng giảm này. Nippon Steel cho biết tại cuộc họp báo cáo lợi nhuận vào tháng 5 rằng giá thép giảm ở thị trường nước ngoài, chủ yếu do dòng sản phẩm Trung Quốc tràn vào sẽ kéo lợi nhuận kinh doanh trong năm tài chính 2024 của công ty giảm 90 tỷ yên (573 triệu USD) so với năm tài chính 2023.

Chủ tịch Nippon Steel, Tadashi Imai cho biết: “Chúng tôi phải tiếp tục chiến lược của mình với giả định rằng sản xuất của Trung Quốc sẽ tiếp tục ở mức cao và sẽ buộc chúng tôi phải bước vào một môi trường kinh doanh khó khăn”.

Với tư cách là nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới – chiếm hơn một nửa trong số 1,89 tỷ tấn thép của thế giới vào năm 2023 – nếu nhu cầu trong nước giảm, công suất dư thừa của nước này có thể làm gián đoạn thị trường toàn cầu.

Vào lần gần đây nhất khi xuất khẩu thép của Trung Quốc tăng mạnh, các nhà chức trách đã thảo luận về việc loại bỏ công suất dư thừa tại hội nghị thượng đỉnh G7 và G20 vào năm 2016, dẫn đến việc thành lập Diễn đàn toàn cầu về năng lực dư thừa thép (GFSEC).

Trung Quốc sau đó đã rút khỏi GFSEC vào năm 2019 với lý do đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Năng lực sản xuất thép của Trung Quốc sau khi giảm từ năm 2016 đến 2018, đã bắt đầu tăng trở lại từ năm 2019.

Lợi nhuận của các nhà sản xuất thép Trung Quốc cũng đang xấu đi. Theo Sumitomo Corporation Global Research (SCGR), chính quyền Trung Quốc đã tiến hành khảo sát các nhà sản xuất và công ty thương mại thép trong nước vào tháng 4 và công bố chiến dịch toàn quốc nhằm hạn chế sản xuất thép thô.

Trong khi đó, mối quan tâm đặc biệt của các công ty thép ở các nền kinh tế phát triển là sự gia tăng của thép tấm chất lượng cao trong xuất khẩu của Trung Quốc. Xuất khẩu thép thanh cho mục đích xây dựng vượt 30 triệu tấn vào năm 2015, nhưng đã giảm xuống dưới 6 triệu tấn vào năm 2023.

Thay vào đó, xuất khẩu thép tấm cán nóng của Trung Quốc - vốn được sử dụng rộng rãi trong sản xuất - đã đạt gần 12 triệu tấn chỉ trong 5 tháng đầu năm nay, sau chỉ hơn 20 triệu tấn vào năm 2023.

Số vụ điều tra chống bán phá giá trên toàn thế giới đã tăng từ 5 vụ vào năm ngoái - 3 trong số đó liên quan đến sản phẩm của Trung Quốc - lên 14 vụ được tiến hành trong năm nay tính đến đầu tháng 7, trong đó có 10 vụ liên quan đến Trung Quốc.

Số lượng cuộc điều tra vẫn còn thấp so với 39 vụ vào năm 2015 và 2016. Một số nhà quan sát cho rằng các nước đang phát triển phụ thuộc vào Trung Quốc không muốn đẩy mối quan hệ lên căng thẳng bằng cách tiến hành các cuộc điều tra như vậy.

Toru Nishihama, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life cho biết: “Trung Quốc đang chuyển cơ sở sản xuất xe điện và các sản phẩm khác ra nước ngoài, đồng thời xuất khẩu thép và phụ tùng sang những nơi đó có xu hướng tăng”.

Các nhà chức trách Trung Quốc đang thúc đẩy chiến lược gọi là "lực lượng sản xuất chất lượng mới" để mở rộng đầu tư vào sản xuất tiên tiến như xe điện và trí tuệ nhân tạo, đồng thời các công ty thép lớn đang nhanh chóng tăng cường năng lực sản xuất tấm thép điện dùng trong động cơ điện.

Nếu tình trạng sản xuất dư thừa trong nước trở nên rõ ràng, Trung Quốc có thể hạ giá đồng nhân dân tệ để thúc đẩy xuất khẩu nhằm kích thích nền kinh tế.

“Việc xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ ngày càng gia tăng là điều không thể tránh khỏi, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp diễn ra”, nhà kinh tế Toru Nishihama cho biết.

Tin bài liên quan