Tuần qua, Bộ Công thương vừa có văn bản gửi đến Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổng cục Hải quan về việc có dấu hiệu thép Trung Quốc lấy xuất xứ từ Việt Nam xuất sang EU để tránh thuế chống bán phá giá.
Bộ Công thương cho biết, qua làm việc, đã nhận thấy Công ty TNHH thương mại dịch vụ Khiết Tâm (TP.HCM) và Công ty TNHH Quốc Việt (Long An) có dấu hiệu vi phạm về xuất xứ hàng hóa Việt Nam khi xuất sang EU các mặt hàng sắt thép thực chất có xuất xứ Trung Quốc, Đài Loan.
Để bảo vệ uy tín hàng xuất khẩu của Việt Nam, Bộ Công thương yêu cầu VCCI và Tổng cục Hải quan làm rõ trách nhiệm việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam cho các sản phẩm thuộc loại hình tạm nhập tái xuất, đồng thời có biện pháp xử lý các công ty và cá nhân liên quan.
Sau khi Bộ Công thương có văn bản gửi các cơ quan liên quan, đại diện Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại VCCI khẳng định, VCCI chi nhánh TP.Hồ Chí Minh chưa cấp bất cứ giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) nào cho Công ty TNHH Quốc Việt (Long An).
Theo đó, hai bộ C/O do hải quan Liên minh châu Âu cung cấp qua kiểm tra được xác định là giả.
Công ty TNHH thương mại dịch vụ Khiết Tâm (TP.HCM) và Công ty TNHH Quốc Việt (Long An) có dấu hiệu vi phạm về xuất xứ hàng hóa Việt Nam khi xuất sang EU các mặt hàng sắt thép thực chất có xuất xứ Trung Quốc, Đài Loan
Với Công ty TNHH thương mại dịch vụ Khiết Tâm (TP.HCM), VCCI công nhận từ tháng 6/2012 đến tháng 6/2013 VCCI chi nhánh TP.HCM đã cấp 11 bộ C/O.
Việc cấp trên căn cứ vào tờ khai hải quan xuất khẩu và một số chứng từ khác theo đúng quy định hiện hành.
Tuy nhiên căn cứ vào kết quả hậu kiểm và trên cơ sở các thông tin từ hải quan, VCCI cho rằng, Công ty Khiết Tâm đã cung cấp các tờ khai hải quan xuất khẩu giả khi đề nghị cấp C/O nhằm gian lận về xuất xứ.
Trước đó, vào tháng 10/2015, Văn phòng chống gian lận Liên minh châu Âu (OLAF) đã có công văn yêu cầu Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp xác minh nghi án thép Trung Quốc gian lận thuế qua ngả Việt Nam.
OLAF nghi ngờ một số lô hàng ống nối hoặc ống dẫn bằng thép xuất khẩu từ Việt Nam vào EU (dự kiến xuất đi từ 9/11/2015 đến 13/11/2015) tại TP Hồ Chí Minh.
Các lô hàng này được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu B tại Việt Nam để xuất khẩu sang EU, nộp thuế không ưu đãi nhưng hải quan một số nước thành viên EU nghi vấn các lô hàng này có xuất xứ từ Trung Quốc, Đài Loan, được chuyển tải qua Việt Nam để trốn thuế chống bán phá giá mà EU đang áp cho Trung Quốc.
Cuối tháng 3/2015, EU đã áp thuế chống bán phá giá thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ Trung Quốc và Đài Loan với thuế suất từ 24,3% tới 25,2% với Trung Quốc và từ 10,9% tới 12% với Đài Loan.
Từ thông tin của OLAF, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Tổng cục Hải quan, VCCI, Ban quản lý khu chế xuất Linh Trung I cử người tham gia các buổi làm việc với đoàn kiểm tra của OLAF. Số mặt hàng bị OLAF nghi ngờ gian lận xuất xứ được kiểm tra từ tháng 10/2012 đến tháng 6/2015.