Ngành thép vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn khi nhu cầu và giá bán ở mức thấp

Ngành thép vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn khi nhu cầu và giá bán ở mức thấp

Thép Tiến Lên (TLH) "lùi bước" vì giá thép và gồng lỗ chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá thép ở mức thấp đã ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần Tập đoàn Thép Tiến Lên, bên cạnh đó là hoạt động đầu tư chứng khoán tiếp tục thua lỗ.

Tổng chi phí cao hơn lợi nhuận gộp

Hoạt động cốt lõi trong nhiều năm qua của Thép Tiến Lên (mã chứng khoán TLH) là thương mại thép. Trong bối cảnh ngành thép gặp khó khăn, hoạt động này của Công ty có hiệu quả thấp trong 9 tháng đầu năm 2023.

Dữ liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy, trong quý III/2023, ngành thép tiêu thụ được 6,457 triệu tấn thép thành phẩm, tăng 6,3% so với cùng kỳ (xuất khẩu đạt 2,062 triệu tấn, tăng 70,1%); luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, bán hàng thép thành phẩm đạt 18,978 triệu tấn, giảm 10,8% so với cùng kỳ (xuất khẩu đạt 5,961 triệu tấn, tăng 22,6%).

Số liệu bán hàng được cải thiện trong những tháng gần đây, nhưng giá bán vẫn ở mức thấp. Tính từ giữa tháng 3/2023 tới nay, giá thép trong nước được các doanh nghiệp điều chỉnh giảm 19 lần, tổng cộng khoảng 14%, hiện dao động quanh mức 13,7 triệu đồng/tấn, thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

Trên bình diện toàn cầu, dữ liệu từ Trading Economics cho biết, từ ngày 14/3 đến 31/10/2023, giá thép thế giới giảm 14,1%, từ 4.362 CNY/tấn xuống 3.748 CNY/tấn, về vùng đáy trước đại dịch Covid-19 năm 2020 (đỉnh điểm của giá thép là 5.925 CNY/tấn ngày 8/10/2021).

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực hàng hoá, Trung Quốc không còn đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng trong kế hoạch kích cầu, đồng thời kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, chi phí vốn tăng cao dẫn tới các doanh nghiệp đa quốc gia hạn chế kế hoạch mở rộng… Điều này khiến nhu cầu xây dựng giảm, kéo giá thép đi xuống.

Trong nước, Chính phủ thực hiện nhiều giải pháp kích cầu như đẩy mạnh đầu tư công, giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng và Ngân hàng Nhà nước có 4 đợt hạ lãi suất điều hành, nhưng các doanh nghiệp bất động sản, chủ đầu tư các dự án vẫn gặp khó khăn về dòng tiền. Trong khi đó, việc triển khai dự án mới gặp vướng mắc về giấy phép, ảnh hưởng tới nhu cầu thép, khiến giá thép duy trì ở mức thấp.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, Thép Tiến Lên ghi nhận doanh thu 3.988,9 tỷ đồng, tăng 8,9%, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 16,5 tỷ đồng, giảm 86,4% so với cùng kỳ và hoàn thành 16,5% kế hoạch năm (100 tỷ đồng). Đáng lưu ý, lợi nhuận gộp đạt 122,3 tỷ đồng, nhưng tổng chi phí (chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp) là 140,8 tỷ đồng. Công ty thoát lỗ nhờ doanh thu tài chính và lợi nhuận khác.

Tính đến 30/9/2023, Thép Tiến Lên ghi nhận giá trị hàng tồn kho 2.754,9 tỷ đồng, chiếm 69,3% tổng tài sản.

Tính đến 30/9/2023, Thép Tiến Lên ghi nhận giá trị hàng tồn kho 2.754,9 tỷ đồng, chiếm 69,3% tổng tài sản, bao gồm 2.128,9 tỷ đồng hàng hoá, 566,9 tỷ đồng nguyên liệu, vật liệu, 64 tỷ đồng thành phẩm. Với việc giá thép duy trì ở mức thấp, cũng như sức tiêu thụ chưa hồi phục như kỳ vọng, hàng tồn kho lớn có thể ảnh hưởng tới dòng tiền của Công ty.

Thêm nữa, trong bối cảnh hoạt động kinh doanh cốt lõi là thương mại thép vẫn còn nhiều thách thức, cũng như đang “gồng lỗ” khoản đầu tư chứng khoán, Thép Tiến Lên lên kế hoạch chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và sử dụng một phần vốn huy động để đầu tư bất động sản.

Cụ thể, Công ty dự kiến chào bán 112,32 triệu cổ phiếu theo tỷ lệ 1:1, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để huy động 1.123,2 tỷ đồng, triển khai trong năm 2023, sau khi trả cổ tức 10% năm 2021 bằng cổ phiếu. Phương án sử dụng vốn là 597 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất - kinh doanh; 500 tỷ đồng đầu tư dự án Khu dân cư thương mại An Phước tại Đồng Nai, quy mô 60.000 m2; 26 tỷ đồng xây dựng chi nhánh Đà Nẵng.

Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu TLH ngày 31/10 là 6.210 đồng/cổ phiếu, nên phương án phát hành cổ phiếu huy động vốn của Thép Tiến Lên hiện có tính khả thi không cao.

“Gồng lỗ” đầu tư chứng khoán

Hoạt động trong lĩnh vực thương mại thép, nhưng Thép Tiến Lên đầu tư một số tiền không nhỏ vào thị trường chứng khoán.

Tính đến 31/12/2022, Thép Tiến Lên đầu tư 105,6 tỷ đồng, chiếm khoảng 2,5% tổng tài sản vào thị trường chứng khoán, trích lập dự phòng 62,9 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ 59,6% tổng danh mục. Trong đó, Công ty đầu tư 23,5 tỷ đồng vào cổ phiếu SHB, trích lập dự phòng 13,5 tỷ đồng; đầu tư 21,2 tỷ đồng vào cổ phiếu VIX, trích lập dự phòng 14,7 tỷ đồng; đầu tư 18,2 tỷ đồng vào cổ phiếu IJC, trích lập dự phòng 11,2 tỷ đồng; đầu tư 42,7 tỷ đồng đầu tư vào các cổ phiếu khác, trích lập dự phòng 23,5 tỷ đồng.

Sau năm 2022 gặp nhiều khó khăn, thị trường chứng khoán có diễn biến khả quan hơn trong năm 2023, nhưng tính đến 30/9/2023, danh mục đầu tư chứng khoán của Thép Tiến Lên vẫn chưa hoà vốn, giá trị đầu tư là 88,2 tỷ đồng, chiếm 2,2% tổng tài sản và trích lập dự phòng 13,5 tỷ đồng. Trong đó, Công ty đầu tư 12,02 tỷ đồng vào cổ phiếu NVL, trích lập dự phòng 1,73 tỷ đồng; đầu tư 5,56 tỷ đồng vào cổ phiếu IJC, trích lập dự phòng 0,43 tỷ đồng; đầu tư 4,59 tỷ đồng vào cổ phiếu VIX, trích lập dự phòng 0,7 tỷ đồng; đầu tư 66,06 tỷ đồng vào các cổ phiếu khác, trích lập dự phòng 10,6 tỷ đồng.

VN-Index trong những tháng đầu năm 2023 có diễn biến đi ngang, sau đó tăng điểm kéo dài, đạt 1.245,5 điểm vào ngày 6/9, tăng 23,6% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, đến ngày 31/10, chỉ số giảm còn 1.028,19 điểm, đánh mất gần hết số điểm đã hồi phục.

So với mức đỉnh năm 2023 của VN-Index lập ngày 6/9, giá cổ phiếu NVL, IJC, VIX trong danh mục của Thép Tiến Lên ngày 31/10 giảm lần lượt 40,8%, 30,7%, 40%. Theo đó, nếu như Thép Tiến Lên vẫn giữ danh mục đầu tư chứng khoán như thời điểm 30/9/2023, doanh nghiệp có thể gánh chịu thêm khoản lỗ do phải tăng trích lập dự phòng.

Tin bài liên quan