Cụ thể, ông Đỗ Văn Khánh, Phó chủ tịch HĐQT, đồng thời là em ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT đăng ký bán toàn bộ 825.240 cổ phiếu POM để giảm sở hữu từ 0,3%, về 0% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 12/1 đến ngày 6/2/2024.
Cùng thời gian trên, ông Đỗ Ngọc Sang, con ông Đỗ Văn Khánh đăng ký bán toàn bộ 869.929 cổ phiếu POM để giảm sở hữu từ 0,31%, về 0% vốn điều lệ.
Trước đó, ngày 17/8/2023, một người em gái của ông Thái là bà Đỗ Thị Kim Ngọc cũng vừa bán ra 2,3 triệu cổ phiếu POM để giảm sở hữu từ 3,64%, về còn 2,82% vốn điều lệ; từ ngày 15/11 đến 11/12/203, bà Do Nhung (quốc tịch Mỹ), em gái ông Đỗ Duy Thái bán ra toàn bộ 6.571.727 cổ phiếu POM, giảm sở hữu từ 2,35%, về còn 0% vốn điều lệ; từ ngày 22/11 đến ngày 15/12/2023, bà Đỗ Thị Nguyệt, chị ông Đỗ Duy Thái bán ra 3.383.703 cổ phiếu trong tổng đăng ký bán 3,5 triệu cổ phiếu, tương ứng bán được 96,7% so với tổng đăng ký để giảm sở hữu từ 4.588.103 cổ phiếu (1,64% vốn điều lệ), về 1.205.400 cổ phiếu (0,43% vốn điều lệ); ngày 12/12/2023, bà Đỗ Thị Kim Lang, em ông Đỗ Duy Thái bán ra toàn bộ 353.788 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 0,13% về 0% vốn điều lệ…
Bối cảnh lãnh đạo và người nhà lãnh đăng ký bán khi giá cổ phiếu POM có chuỗi tăng khá tốt, bất chấp kết quả kinh doanh của doanh nghiệp lao dốc. Cụ thể, từ ngày 31/10/2023 đến ngày 8/1/2024, cổ phiếu POM đã tăng 25,6%, từ 4.300 đồng, lên 5.400 đồng/cổ phiếu.
Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý III/2023, Thép Pomina ghi nhận doanh thu đạt 503,49 tỷ đồng, giảm 83,1% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ghi nhận lỗ 110,5 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 715,6 tỷ đồng.
Điểm đáng lưu ý, Thép Pomina tiếp tục kinh doanh dưới giá vốn dẫn tới lợi nhuận gộp ghi nhận âm 5,24 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 577,87 tỷ đồng. Ngoài ra, trong kỳ, doanh thu tài chính giảm 32,3% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 5,41 tỷ đồng, về 11,33 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 50,5%, tương ứng giảm 60,22 tỷ đồng, về 58,92 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp ghi nhận âm 45,94 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 27,17 tỷ đồng, tức giảm 73,11 tỷ đồng; lợi nhuận khác ghi nhận lỗ 63,28 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 7,4 tỷ đồng, tăng lỗ thêm 55,88 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Như vậy, trong kỳ mặc dù tiết giảm chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp nhưng vẫn ghi nhận lỗ thêm 110,5 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu do kinh doanh dưới giá vốn, đồng thời lỗ hoạt động khác.
Lý giải việc tiếp tục thua lỗ, Thép Pomina cho biết do nhà máy thép Pomina 3 vẫn còn ngưng hoạt động nhưng phải gánh chịu nhiều chi phí trong đó có chi phí lãi vay. Pomina 3 sẽ hoạt động trở lại dự kiến vào đầu quý IV ngay sau khi phát hành vốn riêng lẻ cho nhà đầu tư. Ngoài ra, tình hình bất động sản đóng băng, nhu cầu tiêu thụ thép và doanh thu trong kỳ sụt giảm mạnh, điều này dẫn đến Công ty bị sụt giảm doanh thu, trong khi chi phí cố định và lãi vay cao gây lỗ lớn.
Luỹ kế trong 9 tháng đầu năm 2023, Thép Pomina ghi nhận doanh thu đạt 2.947,96 tỷ đồng, giảm 73,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ghi nhận lỗ 646,98 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 707,55 tỷ đồng.
Như vậy, với việc tiếp tục lỗ thêm 646,98 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2023 thì tính tới 30/9/2023, Thép Pomina đang ghi nhận lỗ luỹ kế lên tới 868,5 tỷ đồng, bằng 31% vốn điều lệ (vốn điều lệ là 2.796,8 tỷ đồng).
Được biết, trong năm 2023, Công ty Thép Pomina đặt kế hoạch doanh thu 9.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 150 tỷ đồng. Như vậy, chỉ sau 9 tháng đầu năm 2023, mức lỗ mà Thép Pomina ghi nhận đang vượt nhiều so với kế hoạch chỉ lỗ 150 tỷ đồng.