Theo tiết lộ của các doanh nghiệp trong ngành, tuy danh nghĩa là nhà sản xuất phôi, nhưng POM lại có chung quyền lợi với các công ty thép không có lò luyện phôi và các công ty thương mại, bởi POM cũng chủ yếu nhập khẩu phôi về cán, chỉ sản xuất cầm chừng.
Dẫn số liệu từ hải quan, một nguồn tin cho biết, năm 2015, POM nhập khẩu khoảng 400.000 tấn phôi thép giá rẻ từ Trung Quốc và mua hơn 100.000 tấn phôi của các công ty thương mại khác về để cán thép. Như vậy, với tổng sản lượng thép dài tiêu thụ là 800.000 tấn, POM chỉ tự sản xuất 300.000 tấn, tương đương 20% công suất của nhà máy phôi, còn lại là sử dụng phôi nhập khẩu để cán thép.
Ông Đỗ Duy Thái, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị POM cho biết, lý do phản đối áp thuế tự vệ phôi là vì với mức thuế 10% của phôi thép nhập khẩu (áp dụng trước ngày 23/3 - thời điểm quyết định áp thuế tự vệ thương mại có hiệu lực) thì đã đủ để phôi thép sản xuất trong nước cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về việc nhập khẩu phôi từ Trung Quốc, ông Thái không đề cập số lượng phôi nhập khẩu mà cho biết, các doanh nghiệp phía Nam, trong đó có POM, chỉ nhập khẩu phôi để cán thép xuất khẩu vì được hoàn thuế khi xuất, thuế bằng 0%. Nhưng một số doanh nghiệp trong ngành cho rằng, lý do khiến POM phản đối biện pháp tự vệ thương mại đối với phôi thép là do công ty này muốn tiếp tục tận dụng nguồn phôi giá rẻ từ Trung Quốc để hưởng lợi.
Số liệu hải quan cho thấy, trong tháng 1/2016, Công ty cổ phần Thép Pomina 2 là một trong những doanh nghiệp nhập khẩu nhiều phôi nhất, với tổng sản lượng gần 29.924 tấn.
Nguyên nhân sâu xa khiến POM lựa chọn nhập khẩu phôi thay vì sản xuất là vì POM đầu tư công nghệ lò điện, so với công nghệ lò cao thì không cạnh tranh được về giá. Thực tế, chi phí luyện phôi theo công nghệ lò cao sử dụng nguyên liệu chính là quặng sắt, than cốc, thấp hơn chi phí luyện phôi lò điện, sử dụng nguyên liệu chính là thép phế liệu khoảng 5-7%.
Việc trông chờ vào nguồn phôi giá rẻ từ Trung Quốc chỉ là cái lợi trước mắt, rất nguy hiểm nếu xét về lâu dài. Khi giá phôi thép Trung Quốc tăng thì các nhà sản xuất phôi trong nước trở tay không kịp.
Kết quả kinh doanh của POM mấy năm qua đã phản ánh năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp này. Năm 2013, 2014, POM đều lỗ do giá nguyên liệu liên tục giảm. Đến quý II/2015, POM bắt đầu có lãi chút ít, cùng trùng với thời điểm lượng phôi thép nhập khẩu tăng đột biến. Ngoài ra, việc nhập phôi thép về cán, thủ tục gọn nhẹ, ít rủi ro hơn nhập phế liệu.
Theo một số doanh nghiệp trong ngành, POM là doanh nghiệp duy nhất có luyện phôi gửi đơn lên Chính phủ, phản đối áp thuế tự vệ thương mại với phôi thép, nhưng lại “ủng hộ thuế tự vệ đối với thép thành phẩm”. Rõ ràng, nếu phản đối áp thuế phôi vì lợi ích người tiêu dùng, thì việc áp thuế tự vệ đối với thép thành phẩm cũng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Việc trông chờ vào nguồn phôi giá rẻ từ Trung Quốc chỉ là cái lợi trước mắt, rất nguy hiểm nếu xét về lâu dài. Khi giá phôi thép Trung Quốc tăng thì các nhà sản xuất phôi trong nước trở tay không kịp, khi các lò luyện phôi dừng sản xuất, các thiết bị luyện kim sẽ hư hỏng và việc khôi phục sản xuất sau thời gian gián đoạn sẽ rất khó khăn, chưa kể nguồn lực tài chính của các nhà sản xuất đã bị triệt tiêu.
Chính phủ đã có Quyết định 55/2007/QĐ-TTg, coi ngành phôi thép là công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, do trước thời điểm này, thị trường thép Việt Nam đã chịu nhiều bài học đắt giá vì phụ thuộc vào nguồn phôi thép nhập khẩu. Trong gần 10 năm qua, Việt Nam đã xây dựng được ngành luyện kim thượng nguồn, tự chủ được phôi thép.
Diễn biến giá thép tăng trong thời gian qua dưới tác động của việc tăng giá nguyên liệu sản xuất là một minh chứng rõ ràng. Dù giá quặng, giá than cốc, phế liệu, giá phôi đều tăng, nhưng nếu chỉ nhập phôi về cán thì giá thép xây dựng trong nước không thể cạnh tranh với giá thép dài nhập khẩu.
Như vậy, nếu ngành sản xuất thép khép kín từ thượng nguồn không được bảo vệ, chỉ phát triển ngành thép gia công, thì về lâu dài, người tiêu dùng và nền kinh tế trong nước mới bị thiệt hại.