Bộ Tài chính đã đưa ra dự thảo về chính sách áp thuế 5% với phôi thép xuất khẩu cũng như hạ thuế nhập khẩu một số sản phẩm thép. Đây có thể là yếu tố tác động đến doanh nghiệp nhưng mức độ khác nhau.
Ngành thép xây dựng đã phản ánh ảnh hưởng của dịch bệnh bùng phát trở lại ngay trong tháng 6 là sản lượng tiêu thụ giảm. Tập đoàn Hòa Phát cho biết, sản lượng tháng 6 giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 ở các tỉnh phía Nam và mùa mưa đã bắt đầu.
Bước sang tháng 7, “bán hàng chậm” là ghi nhận của Hòa Phát.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam, tháng 6, sản lượng bán hàng của doanh nghiệp thép giảm 31,36% so với tháng 5 và giảm 18,13% so với cùng kỳ. Tỷ lệ giảm của Hòa Phát là 28,9% và 8,7%. Bước sang tháng 7, “bán hàng chậm” là ghi nhận của Hòa Phát.
Ảnh hưởng của thị trường nội địa đến các doanh nghiệp tôn thép nhẹ nhàng hơn doanh nghiệp thép xây dựng. Cụ thể, sản lượng bán hàng thép cán nguội cán nóng trong tháng 6 chỉ giảm rất nhẹ, bằng 99,4% so với tháng 5. Số liệu ước tính của Hoa Sen (mã HSG) là bằng 87,8%, của Nam Kim (mã NKG) bằng 128%.
Lý do là tỷ trọng xuất khẩu chiếm khoảng 2/3 doanh thu, sản lượng bán hàng của nhóm sản phẩm tôn thép. Thị trường xuất khẩu vẫn đang có nhu cầu lớn với sản phẩm tôn thép do chính sách kích thích kinh tế sau đại dịch, các nước đầu tư nhiều vào cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, bước sang tháng 7, theo ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc, tại thị trường trong nước, tiêu thụ mặt hàng tôn thép các tỉnh phía Nam giảm rõ rệt.
Thị trường xuất khẩu vẫn có nhu cầu tiêu thụ cao nhưng tỷ suất lợi nhuận không còn hấp dẫn như các tháng trước. Các tháng trước, giá thép cán nóng tăng cao, các doanh nghiệp nhập cao bán cao.
Còn sang tháng 7, giá cán nóng giảm mạnh về dưới 1.000 USD/ tấn nên nhiều doanh nghiệp nhập cao, nhưng không chốt bán được giá xuất khẩu cao. Tỷ suất lợi nhuận xuất khẩu tôn thép sang tháng 7 có thể không còn hấp dẫn.
Với chính sách thuế mới, có thể những doanh nghiệp đầu ngành vốn có thể đẩy mạnh xuất khẩu để bù đắp giảm sản lượng trong nước có thể chịu tác động. Năm ngoái, khi thị trường trong nước kém, Hòa Phát đã xuất khẩu sang Trung Quốc. Hoa Sen, Nam Kim đều có tỷ trọng xuất khẩu cao ở mức 2/3 trở lên.
Dù vậy, cũng khó có thể dự báo các doanh nghiệp thép sẽ giảm mạnh lợi nhuận bởi khi giá cả dễ chịu hơn, lực cầu sẽ tăng trở lại, chưa kể những tháng cuối năm Chính phủ sẽ thúc đẩy giải ngân đầu tư công mạnh mẽ.
Tương tự, doanh nghiệp phân bón đang khá lo lắng trước các ý kiến đề nghị nên đánh thuế xuất khẩu mặt hàng phân bón urê để góp phần bình ổn giá…
Tâm lý này là có cơ sở bởi theo các số liệu nghiên cứu, đánh giá, thì tình trạng khan hiếm hiện nay chỉ mang tính thời điểm nhất thời do ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19, khiến hoạt động sản xuất ở nhiều nước gặp khó khăn.
Còn thực tế thì từ năm 2021-2025, tình trạng dư thừa công suất ở các các nhà máy urê là khá cao và cần thiết phải tăng cường xuất khẩu, mở rộng thị trường để giảm áp lực sản xuất tiêu thụ.
Theo dự báo của Fertecon, tỷ lệ dư thừa công suất các nhà máy urê tại khu vực Đông Nam Á từ 21- 24%.
Công suất thiết kế các nhà máy urê tại khu vực năm 2022 sẽ tăng lên 17 triệu tấn (tăng 4% so với năm 2021) và duy trì ổn định trong các năm tiếp theo từ 2023 - 2025. Trong khi đó, tình hình sản xuất - tiêu thụ thực tế tại Đông Nam Á đạt 12,9 triệu tấn năm 2022 (tăng 2% so với năm 2021); các năm tiếp theo tăng nhẹ từ 1-2% và đạt bình quân khoảng 13,3 triệu tấn.
Tới đây, Tổ hợp công nghiệp phân bón Bruney với quy mô công suất 1,3 triệu tấn urê/năm đi vào hoạt động. Thị trường mục tiêu của họ là Đông Nam Á như Việt Nam, Campuchia và Thái lan với lợi thế vận chuyển sau 1,5 ngày là hàng cập cảng TP. HCM.
Điều này hứa hẹn sẽ tạo ra một cuộc chạy đua cạnh tranh lớn giữa các doanh nghiệp phân bón ở các nước như Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Nếu chỉ trông chờ vào thị trường trong nước, vốn dư cung và hàng nhập khẩu tới đây tăng mạnh, rất có thể doanh nghiệp phân bón trong nước sẽ bị “xoay chuyển cuộc chơi”.