Theo sóng F0, Petrosetco (PET) lỗ đậm vì chứng khoán

Theo sóng F0, Petrosetco (PET) lỗ đậm vì chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nếu như không thực hiện nghề "tay trái" đầu tư chứng khoán thì kết quả kinh doanh năm 2022, cũng như sức khỏe tài chính của Petrosetco sẽ tốt hơn rất nhiều.

Lỗ đậm vì đầu tư chứng khoán

Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí - Petrosetco (mã chứng khoán PET) kết thúc năm 2022 với lợi nhuận trước thuế 213 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 167,84 tỷ đồng, chỉ bằng một nửa so với năm 2021, trong khi doanh thu vẫn tăng nhẹ, đạt 17.665,3 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh này đã cách xa so với kế hoạch lợi nhuận 420 tỷ đồng được Công ty đặt ra đầu năm. PET đã duy trì được truyền thống luôn hoàn thành kế hoạch lợi nhuận và phấn đấu vượt khoảng 10% trong nhiều năm qua. Ngay cả năm 2021, nếu không tính lợi nhuận từ đầu tư chứng khoán thì PET vẫn vượt kế hoạch lợi nhuận đặt ra.

PET cho biết, nguyên nhân không đạt kế hoạch vì nhu cầu thị trường đã giảm đáng kể sau năm dịch bùng phát, lợi nhuận trước thuế chịu ảnh hưởng một phần từ doanh thu chưa đạt mức kỳ vọng. Tuy nhiên, rõ ràng đây không phải lý do trọng yếu.

Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến lợi nhuận năm 2022 của PET sụt giảm mạnh là khoản trích lập khoản lớn dự phòng đầu tư chứng khoán và cuối cùng là cắt lỗ.

Từ quý I/2021, PET đã đầu tư vào thị trường chứng khoán, mua cổ phiếu trên sàn. Năm 2021, Petrosetco ghi nhận lãi đến từ động kinh doanh chứng khoán đạt 34,7 tỷ đồng, chiếm 8% trong cơ cấu lợi nhuận năm.

Sang năm 2022, PET đã gia tăng giá trị đầu tư chứng khoán lên 582,2 tỷ đồng vào cuối quý II so với mức 231,6 tỷ đồng hồi đầu năm. Báo cáo quý II/2022 cũng cho thấy PET phải trích lập dự phòng chứng khoán kinh doanh đến 171,8 tỷ đồng.

Theo thuyết minh báo cáo bán niên 2022, PET nắm giữ cổ phiếu VIX trị giá 95,03 tỷ đồng, cổ phiếu VGS trị giá 57,92 tỷ đồng, cổ phiếu GEX trị giá 50,93 tỷ đồng, cổ phiếu SAM trị giá 41,9 tỷ đồng và các cổ phiếu khác.

Đến cuối quý III/2022, PET tiếp tục trích lập dự phòng 166,3 tỷ đồng và giá trị khoản đầu tư giảm xuống còn giá trị 347,2 tỷ đồng. Đến cuối năm 2022, PET gần như đã bán hết danh mục đầu tư và chỉ còn giữ lại 24,5 tỷ đồng đầu tư chứng khoán, trích lập dự phòng 858 triệu đồng.

Ban lãnh đạo PET khẳng định, về chiến lược đầu tư chứng khoán, Công ty đã cơ cấu lại danh mục đầu tư giảm tỷ lệ xuống mức thấp, có nghĩa giá trị doanh nghiệp đầu tư vào thị trường chứng khoán hiện tại không còn đáng kể. PET từ quý III đến quý IV/2022 đã thực hiện cắt lỗ, do đó, trích lập dự phòng cũng ở mức thấp.

Suốt nhiều năm qua, phân phối và dịch vụ ngành dầu khí luôn là mảng kinh doanh chính và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu của PET, năm 2022 đạt khoảng 15.800 tỷ đồng và chiếm khoảng 89% cơ cấu doanh thu. Với đặc thù của ngành phân phối, nhu cầu vốn lưu động của Petrosetco là rất lớn.

Tuy nhiên, cuộc dạo chơi chứng khoán trong năm qua đã cho thấy quyết định sai lầm của ban lãnh đạo khi cho rằng có thể tận dụng cơ hội kiếm lời trên thị trường. Khoản lỗ đầu tư chứng khoán cũng ảnh hưởng đến sức khỏe tài chính của PET trong bối cảnh thắt tiền tệ như hiện nay.

Áp lực tài chính

Nhìn lại số liệu, năm 2022, Công ty ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm tới 569,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 233,4 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền tài chính dương 516,7 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ phục vụ nhu cầu vốn lưu động, bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh. Đến cuối năm, PET còn khoản vay tài chính ngắn hạn 4.112,6 tỷ đồng tại 9 ngân hàng trong nước, tăng tới 15,5% so với đầu năm. Trong đó, PET còn nợ vay 992 tỷ đồng từ Vietcombank, 859,9 tỷ đồng từ BIDV, 641,8 tỷ đồng từ VPBank và các khoản vay khác.

Chứng khoán Tiên Phong (TPS) đánh giá, áp lực nợ vay của PET đang ngày càng cao với tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở (D/E) tăng cao, từ đó sẽ gia tăng rủi ro thanh toán ngắn hạn nếu doanh nghiệp không đảm bảo tốc độ bán hàng và lãi suất tăng bào mòn lợi nhuận.

Trước đó, kế hoạch tăng vốn thông qua việc chào bán 44,9 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 2:1 nhằm thu về 673,78 tỷ đồng năm 2022 của PET đã phải dừng lại do điều kiện thị trường không thuận lợi. Dù vậy, ban lãnh đạo khẳng định việc không tăng được vốn trong năm 2022 cũng không ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của Công ty, hoặc ảnh hưởng rất nhỏ do công ty có thể sử dụng vốn vay ngân hàng với hạn mức khoảng 11.000 tỷ đồng.

Mới đây, Ban lãnh đạo PET cho biết, với tình hình hiện lãi suất hiện nay, trong ngắn hạn sẽ tập trung vào việc bảo vệ và duy trì dòng tiền liên tục, không chạy theo doanh thu để tránh nợ xấu phát sinh.

Câu chuyện của PET cho thấy bài học không mới nhưng chưa bao giờ cũ khi doanh nghiệp đầu tư kinh doanh chứng khoán tay trái, nhất là với các doanh nghiệp không chuyên sâu trong lĩnh vực tài chính như PET, rủi ro là rất lớn.

Tin bài liên quan