Các trái chủ mua gói trái phiếu 500 tỷ đồng của BNP Global ký tên vào đơn kêu cứu tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước chiều 6/4/2023.

Các trái chủ mua gói trái phiếu 500 tỷ đồng của BNP Global ký tên vào đơn kêu cứu tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước chiều 6/4/2023.

Theo chân trái chủ Bất động sản BNP Global đi đòi... tài sản đảm bảo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cứ ngỡ mua trái phiếu có tài sản đảm bảo thì sẽ yên tâm hơn, nhưng thực tế lại không đúng với các trái chủ của Công ty cổ phần Bất động sản BNP Global, vì khi đơn vị phát hành trái phiếu mất khả năng thanh toán, việc xử lý tài sản đảm bảo trở nên vô cùng rối rắm, phức tạp.

Mòn mỏi chờ giải chấp tài sản đảm bảo

Chiều 6/4/2023, khoảng 50 người đến từ Hà Nội và một số tỉnh, thành phố lân cận đến Phòng Tiếp dân của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để gửi đơn kêu cứu khẩn cấp. Những người này đại diện cho 61 trái chủ đã mua lô trái phiếu doanh nghiệp BNPCH2123001 trị giá 500 tỷ đồng do Công ty cổ phần Bất động sản BNP Global (tại địa chỉ 139 Hồng Hà, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM) phát hành vào tháng 6/2021 và đang gặp khó khăn do Công ty mất khả năng thanh toán.

Ông Nguyễn Văn H (65 tuổi, ở phố Cửa Bắc, Hà Nội) mệt mỏi cho biết, năm 2021, trong khi đang gửi tiết kiệm 1 tỷ đồng tại ngân hàng, ông được nhân viên tư vấn của Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) gọi điện mời đầu tư trái phiếu của Công ty BNP. Thấy lãi suất trái phiếu cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng khoảng 4 - 5%/năm, ông đồng ý ký với TVSI hai hợp đồng mua trái phiếu trị giá 1,05 tỷ đồng. Gần đây, BNP không giải chấp được tài sản đảm bảo để bán lấy tiền mua lại trái phiếu trước hạn khiến ông rất lo lắng.

Bà Nguyễn Minh T. (55 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội) cho biết, nhiều tháng nay, bà cùng các trái chủ của BNP đi khắp nơi để tìm cách đòi lại số tiền 2 tỷ đồng dưỡng già của mẹ trót mang đi mua trái phiếu của doanh nghiệp này.

Cũng mắc kẹt 2,5 tỷ đồng với khoản đầu tư vào trái phiếu BNP, chị Hà Kim Th. chia sẻ: “Đây là số tiền tôi dành dụm cho hai con đang du học, đến tháng 7/2023 là hạn cuối phải đóng học phí cho năm học kế tiếp. Nếu đến lúc đó mà không rút được tiền để đóng học phí, hai con tôi sẽ phải về nước”.

Được biết, lô trái phiếu BNPCH2123001 là trái phiếu riêng lẻ, kỳ hạn 2 năm, lãi suất năm đầu tiên là 10,3%/năm và thả nổi trong năm còn lại (lãi suất tham chiếu cộng biên độ 4,7%/năm, nhưng không thấp hơn 10,3%/năm). Tài sản đảm bảo là hơn 58,7 triệu cổ phiếu Saigonbank (mã SGB) và số dư 6,8 tỷ đồng trong tài khoản dự phòng trả nợ của BNP. Tổ chức làm dịch vụ quản lý tài sản đảm bảo là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (mã SCB). Đại lý tư vấn, lưu ký, đại diện người sở hữu trái phiếu là Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI). Lẽ ra, lô trái phiếu này sẽ đáo hạn vào tháng 6/2023, nhưng theo phản ánh của tập thể trái chủ, cuối năm 2022, BNP muốn giải chấp tài sản đảm bảo để bán lấy tiền mua lại trái phiếu trước hạn.

Câu chuyện trở nên phức tạp vì từ 15/10/2022, SCB rơi vào diện bị kiểm soát đặc biệt do liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát. Ngân hàng Nhà nước đã thành lập Ban kiểm soát đặc biệt SCB do nhân sự của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM trực tiếp điều hành. Ngày 27/12/2022, tập thể trái chủ đã họp và thông qua nghị quyết của người sở hữu trái phiếu, yêu cầu BNP và SCB chấm dứt hiệu lực của hợp đồng quản lý tài sản đảm bảo giữa hai bên để BNP rút 58,7 triệu cổ phiếu SGB và số tiền 6,8 tỷ đồng về để thanh toán trái phiếu.

Ngày 28/12/2022, Công ty BNP gửi công văn đến SCB yêu cầu xóa giao dịch đảm bảo nói trên; đồng thời, gửi công văn lên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội để “công bố thông tin về sửa đổi, bổ sung các điều khoản và điều kiện của trái phiếu mã BNPCH2123001 đã phát hành”, trong đó có nội dung yêu cầu giải chấp số cổ phần SGB để mua lại trái phiếu BNPCH2123001.

Với trách nhiệm là đại diện người sở hữu trái phiếu, TVSI đã nhiều lần gửi đơn yêu cầu SCB giải chấp, cập nhật tiến độ giải chấp tài sản đảm bảo nêu trên. Đáp lại, ngày 24/2/2023, SCB có công văn phản hồi BNP và TVSI, yêu cầu lấy ý kiến của tất cả những người sở hữu trái phiếu để đảm bảo tất cả những người này đồng ý xóa giao dịch đảm bảo, đồng thời xác nhận việc miễn trừ trách nhiệm cho SCB nếu xóa giao dịch đảm bảo theo nghị quyết của các trái chủ. Ngày 7/3/2023, tập thể các trái chủ họp và ra nghị quyết lần thứ hai, bổ sung các yêu cầu nêu trên của SCB, tuy nhiên (theo phản ánh của các trái chủ và TVSI), SCB không trả lời thêm công văn nào.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện của Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt nói rằng, TVSI đã nhắn tin, gọi điện cho lãnh đạo SCB để nhờ đẩy nhanh tiến độ thì được trả lời là “đang nghiên cứu”. Một lãnh đạo khác nói với bà là Ban kiểm soát đặc biệt SCB đề nghị Ngân hàng yêu cầu BNP tất toán trái phiếu thì mới trả tài sản đảm bảo, do đó, SCB không có căn cứ để giải chấp.

“Thật vô lý, vì rõ ràng BNP không có khả năng trả nợ trái phiếu thì trái chủ mới cần giải chấp tài sản đảm bảo”, vị này nêu quan điểm.

Nguy cơ “đáo tụng đình”

Quá lo lắng, những trái chủ này đã nhiều lần kéo đến Ngân hàng Nhà nước gửi đơn kêu cứu, song sau mỗi lần cử cán bộ ra tiếp dân, Ngân hàng Nhà nước đều có chung động thái là chuyển phản ánh của trái chủ tới SCB.

Ngày 4/4/2023, Ngân hàng Nhà nước gửi công văn (do ông Lê Quang Huy, Phó Chánh thanh tra giám sát ngân hàng) trả lời trái chủ rằng, việc quản lý tài sản đảm bảo cho trái phiếu là giao kết dân sự giữa các bên liên quan theo hợp đồng đã ký. Nội dung mà trái chủ phản ánh lên Ngân hàng Nhà nước thuộc trách nhiệm giải quyết của SCB, TVSI và các bên liên quan. Vì vậy, trái chủ cần làm việc với các đơn vị này, nếu không giải quyết được thì có thể khởi kiện ra tòa án.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, việc Ngân hàng SCB đứng ra nhận dịch vụ quản lý tài sản đảm bảo cho BNP, khi đó tài sản đảm bảo vẫn là tài sản thuộc sở hữu của BNP, chứ không phải tài sản của SCB. Cho dù SCB có bị kiểm soát đặc biệt, hay liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát thì cũng không liên quan gì đến tài sản của bên khác được gửi bảo đảm tại SCB. Do đó, nếu nói rằng vì SCB bị kiểm soát đặc biệt nên không xử lý được tài sản đảm bảo là không có cơ sở.

Chuyên gia cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước không có nghĩa vụ xử lý tài sản đảm bảo giữa SCB và BNP cùng các bên liên quan, do đó, cách giải quyết duy nhất của trái chủ là khởi kiện ra tòa án.

Đồng quan điểm, TS. Phan Phương Nam, Phó trưởng khoa Luật thương mại, Đại học Luật TP.HCM nhận định: “Không thể nói vì SCB đang bị kiểm soát đặc biệt nên không thể xóa giao dịch đảm bảo cho tài sản của bên khác mà họ nhận làm dịch vụ. Bởi vì dù có bị kiểm soát đặc biệt hay không thì ngân hàng này vẫn phải duy trì hoạt động bình thường. Ngân hàng Nhà nước dù với tư cách là đơn vị kiểm soát đặc biệt SCB cũng sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của ngân hàng này”.

Ông Nam phân tích thêm, SCB là đơn vị nhận quản lý tài sản đảm bảo nhưng không có trách nhiệm xử lý tài sản đảm bảo. Việc xử lý tài sản đảm bảo là trách nhiệm của BNP và SCB sẽ phối hợp xử lý theo yêu cầu của BNP. Ngược lại, Ngân hàng Nhà nước không có quyền can thiệp sâu vào hoạt động nghiệp vụ của SCB, cũng như không có trách nhiệm giải quyết tranh chấp giao dịch giữa SCB và các bên liên quan.

“Trái chủ chỉ có thể làm việc với BNP và TVSI. Nếu các bên này không hợp tác hoặc quá trình xử lý có vướng mắc thì kiện ra tòa. Khi đó, tòa án sẽ triệu tập cả hai bên: tổ chức phát hành, tổ chức tư vấn, trái chủ đồng thời triệu tập cả Ngân hàng Nhà nước với tư cách là người có quyền hạn và nghĩa vụ liên quan để giải quyết theo luật định”, vị chuyên gia khuyến nghị.

Lo ngại dấu hiệu kéo dài thời gian thanh toán trái phiếu

Theo phản ánh của một số trái chủ đang nắm giữ trái phiếu bất động sản, một số tổ chức phát hành đã có kế hoạch mua lại trái phiếu trước hạn nhưng sau Nghị định 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023 thì họ có xu hướng hủy kế hoạch mua lại để kéo dài thời hạn trả nợ trái phiếu thêm 2 năm.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định, Nghị định 08 tạo hành lang pháp lý cho tổ chức phát hành và trái chủ có thể đàm phán về việc gia hạn trả nợ trái phiếu nhưng vẫn trao cho trái chủ quyền tự quyết đối với tài sản của mình. “Vì là cơ chế thỏa thuận nên nếu trái chủ không đồng ý thì việc gia hạn này cũng không thành công”, ông Chi nói.

Tin bài liên quan