Tìm kiếm công ty mục tiêu như thế nào là phù hợp? Các yếu tố chính mà các nhà đầu tư tìm kiếm ở công ty mục tiêu và những điều mà họ thường cân nhắc là gì?... Đó luôn là những câu hỏi được đặt ra khi một thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) được tiến hành. Vậy tại thị trường Việt Nam, liệu các nhà đầu tư có dễ dàng tìm kiếm được các “con mồi” ưng ý?
Về lý thuyết, càng có nhiều công ty tư nhân thì càng thêm lựa chọn cho nhà đầu tư nước ngoài khi thâm nhập thị trường, đồng thời cũng tạo điều kiện cho các công ty trong nước mở rộng hoạt động. Thế nhưng, ngoại trừ các công ty đại chúng (là những công ty có hơn 100 chủ sở hữu) bắt buộc phải công khai các báo cáo tài chính kiểm toán năm, thì việc công khai các thông tin tài chính hoặc các thông tin khác về doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế.
Hiện thị trường chứng khoán có 529 công ty niêm yết trên cả hai sàn HOSE và HNX (tính đến ngày 2/7), còn lại rất nhiều công ty, tập đoàn, ngân hàng TMCP… không niêm yết. Vậy các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội bằng cách nào?
Theo quan sát, trong 5 năm vừa qua, phần lớn các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore đến Việt Nam “săn mồi” đều dựa vào mối quan hệ có sẵn hoặc dựa vào hiểu biết của họ về thị trường mục tiêu. Bên cạnh đó, họ còn thông qua trung gian, bao gồm các công ty tư vấn môi giới chứng khoán, các quỹ đầu tư như Mekong Capital, VinaCapital… Họ cũng cân nhắc lựa chọn khoảng 5-10 công ty trước khi quyết định đầu tư vào một công ty mục tiêu duy nhất.
Thông thường, hình ảnh công ty chưa tốt hoặc quy mô giao dịch không đủ lớn là một trong những trở ngại chính đối với nhà đầu tư khi quyết định thực hiện một thương vụ lớn. Do đó, bên bán cần nhận thức được tầm quan trọng của việc quảng bá doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nhà đầu tư để tối đa hóa cơ hội tiếp cận các nhà đầu tư tiềm năng và thể hiện giá trị khác biệt so với các công ty khác.
Theo những người có kinh nghiệm về M&A, các yếu tố chính trong quyết định lựa chọn công ty mục tiêu của nhà đầu tư gồm chất lượng đội ngũ quản lý, sự tương đồng về tầm nhìn chiến lược và vị trí thị trường có thể dẫn đến khả năng tăng trưởng mạnh trong tương lai.
TS. Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc Công ty Kiểm toán và Tư vấn KPMG tại Việt Nam chia sẻ, các nhà đầu tư nước ngoài thường gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm các công ty mục tiêu ở Việt Nam. Nguyên nhân chính là họ khó xác định người có thẩm quyền quyết định chính, nếu xác định được thì khả năng tiếp cận cũng hạn chế. Đó là chưa kể đến sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa.
Trong giai đoạn đầu, nhà đầu tư cũng không muốn tiết lộ danh tính vì lo sẽ mất cơ hội tiếp cận lần sau khi chủ doanh nghiệp không muốn bán, hoặc các đối thủ có thể biết và nẫng mất “con mồi”. Vì vậy, với tư cách là nhà tư vấn các thương vụ, ông Ái cho biết, ngày càng có nhiều nhà đầu tư tìm đến KPMG để nhờ tư vấn, khảo sát thị trường và tiếp cận công ty mục tiêu. Điều này giúp gia tăng khả năng thành công của các giao dịch, nhờ sự am hiểu của công ty tư vấn về thị trường, môi trường pháp lý và văn hóa, cách thức làm việc.
Tương tự, Tập đoàn Tư vấn chiến lược Robeny (Canada) mỗi ngày đều nhận được một số yêu cầu về M&A của các nhà đầu tư tài chính vào thị trường Việt Nam. Đội ngũ tư vấn của Tập đoàn thường đặt cho các nhà đầu tư một số câu hỏi quan trọng như: ngành công nghiệp, lĩnh vực nào là mục tiêu của nhà đầu tư, tại sao? Quy mô kinh doanh (doanh thu, lợi nhuận...) của đối tượng là gì và họ muốn tham gia giai đoạn kinh doanh nào? Nhà đầu tư sẽ có kế hoạch đầu tư trong bao lâu? Quy trình đánh giá doanh nghiệp, phê duyệt hay giải ngân sẽ như thế nào?
Ông Robert Trần, Tổng giám đốc khu vực Mỹ, Canada, châu Á của Tập đoàn cho rằng, trước M&A là thời gian cực kỳ quan trọng để tìm hiểu thông tin lẫn nhau. Song điều đáng buồn đối với nhiều chủ doanh nghiệp Việt Nam là họ không biết bắt đầu từ đâu nếu có nhà đầu tư tiếp cận. Một số chủ doanh nghiệp không quan tâm gì ngoài việc có tiền để làm kinh doanh, nên có thể dẫn đến nguy cơ mất cơ hội kinh doanh. Một số doanh nghiệp biết mình muốn gì, nhưng khâu chuẩn bị lại quá chậm, làm mất lòng tin, sự quan tâm của nhà đầu tư.
Cũng có nhiều trường hợp, các doanh nghiệp Việt Nam muốn tìm nhà đầu tư, nhưng lại bị nhiều nhà đầu tư tìm hiểu, lợi dụng để lấy thông tin, nên mất niềm tin với nhà đầu tư, dần trở nên phòng thủ mọi thứ.
Tuy nhiên, theo ông Robert Trần, việc M&A không có gì to tát vì nó giống như mua bán sản phẩm, cần có chiến lược rõ ràng, bài bản, tránh tình trạng bỏ lỡ nhiều cơ hội kinh doanh tốt.