Thêm “vệ tinh” đón đại bàng đến làm tổ

0:00 / 0:00
0:00
Nhằm đón sóng dịch chuyển đầu tư, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã liên tiếp rót vốn vào các dự án hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Thêm “vệ tinh” đón đại bàng đến làm tổ

Samsung có thêm “vệ tinh”

Thông tin từ UBND TP.HCM cho biết, ngày càng có thêm nhiều doanh nghiệp “vệ tinh” cho Công ty TNHH Điện tử Samsung HCM CE Complex (SEHC), trong đó có không ít doanh nghiệp có dự án sản xuất ngay tại Khu công nghệ cao TP.HCM.

Theo tổng hợp, tính đến cuối tháng 2/2021, có 13 doanh nghiệp tham gia cung cấp nguyên liệu, linh kiện, phụ kiện cho SEHC, trong đó có 4 doanh nghiệp trong nước và 9 doanh nghiệp FDI.

Trong đó, đáng chú ý là Công ty cổ phần Kỹ thuật Vija với mục tiêu sản xuất thiết bị tự động hóa, robot công nghiệp, chi tiết cơ khí chính xác, khuôn mẫu; Công ty Daeyoung Elictronics Vina chuyên sản xuất và kinh doanh linh kiện điện tử và màn hình LED dành cho ngành hàng gia dụng (tủ lạnh, máy giặt, máy lạnh…); Công ty TNHH New - Hanam chuyên sản xuất motor và ép nhựa các sản phẩm chuyên dụng như máy hút bụi máy giặt, máy lạnh, dụng cụ gia đình…

Trước đó, hồi đầu năm nay, chính quyền tỉnh Đồng Nai đã cấp phép cho 2 dự án FDI của doanh nghiệp Hàn Quốc và là “vệ tinh” của Samsung, với quy mô vốn đầu tư khá lớn.

Đó là, dự án của Công ty TNHH Hansol Electronics Việt Nam, vốn đầu tư đăng ký 100 triệu USD, có mục tiêu hoạt động sản xuất, gia công và lắp ráp mô - đun hiển thị tinh thể lỏng (LCM) với quy mô 5,4 triệu sản phẩm/năm; sản xuất, gia công và lắp ráp bản mạch điện tử PBA với quy mô 5,4 triệu sản phẩm/năm…

Dự án của Công ty Platel Vina, vốn đầu tư đăng ký 30 triệu USD, có mục tiêu sản xuất vỏ thiết bị điện tử, linh kiện điện, điện tử từ nguyên liệu nhựa, công suất 400 tấn sản phẩm/năm…

“Công ty Platel Vina có trụ sở chính tại TP.HCM, là thành viên của Tập đoàn Intops của Hàn Quốc, có 2 nhà máy ở Việt Nam và là nhà cung ứng của Samsung”, ông Yu Hie Min, CEO của Platel Vina chia sẻ.

Vốn dồn vào công nghiệp hỗ trợ

Từ đầu năm đến nay, nhiều địa phương phía Nam, như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… đã chứng kiến dòng vốn FDI cấp tập vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Ông Mai Bá Trước, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết, trong 2 tháng đầu năm, tỉnh này đã thu hút được hơn 301 triệu USD vốn FDI. Trong đó, có không ít dự án có vốn đầu tư lớn hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Chẳng hạn, dự án của Công ty TNHH Công nghiệp New MOTION (Singapore), vốn đầu tư đăng ký 185 triệu USD, mục tiêu hoạt động là sản xuất sản phẩm màn hình vô tuyến và màn hình hiển thị.

Hay dự án của Công ty TNHH GIGA Electronic Việt Nam (Singapore), có mục tiêu sản xuất, thiết kế và lắp ráp linh kiện điện tử, bộ chuyển đổi nguồn điện; các sản phẩm điện tử LED và các sản phẩm điện tử khác, sản phẩm điện máy và linh kiện của sản phẩm điện máy…

Theo cơ quan quản lý và doanh nghiệp, thời gian tới, dòng vốn vào công nghiệp hỗ trợ sẽ còn tăng, nhằm đón sóng đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp FDI lớn.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Becamex IDC cho biết, doanh nghiệp này đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư Dự án Khu công nghiệp Khoa học công nghệ với diện tích 900 ha tại khu vực phía Bắc của tỉnh Bình Dương.

Theo đó, khu công nghiệp này có mục tiêu thu hút các doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, chuyển giao công nghệ…

“Khu này có nhiệm vụ thúc đẩy phát triển vùng phía Bắc của tỉnh Bình Dương, vừa sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, vừa tập trung vào nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực”, ông Hùng cho biết.

Trước đó, một tập đoàn lớn của Đức chuyên sản xuất phụ kiện, thiết bị điện cầm tay thông minh, có kế hoạch đầu tư dự án nhà xưởng cao tầng có quy mô và vốn đầu tư lớn tại một khu công nghiệp ở TP.HCM.

Tin bài liên quan