Đó là CEO của hãng ô tô Ford, cựu CEO của dòng điện thoại Nokia và cựu CEO của phần mềm chat voice nổi tiếng Skype.
Sau lời tuyên bố vào tháng 8 của Giám đốc điều hành Microsoft, ông Steve Ballmer, về việc sẽ dừng công việc điều hành Tập đoàn trong vòng 12 tháng tới, ban lãnh đạo Microsoft đã tiến hành rà soát 40 tên tuổi nổi bật trong ngành công nghiệp thế giới nhằm tìm kiếm người kế vị.
Song công cuộc truy tìm vẫn kéo dài dai dẳng khi mỗi nhân vật đều nắm trong tay khả năng và lợi thế riêng của bản thân. Đặc biệt, nổi lên trong 5 cái tên sau khi đã rút gọn có sự hiện diện của ngài Tony Bates, cựu CEO của phần mềm chat voice nổi tiếng Skype, người có mối “ràng buộc” khá thân thiết với Microsoft gần đây.
Sự ràng buộc ở đây chính là thương vụ thu mua đình đám giữa 2 “gã khổng lồ” Microsoft và Skype vào hồi tháng 5/2011 - thời điểm Tony Bates đang giữ chức Giám đốc điều hành Skype. Cụ thể, Tập đoàn Microsoft đã bỏ ra số tiền lớn 8,5 tỷ USD để dành quyền kiểm soát đối với phần mềm này, bất chấp sự canh trạnh khốc liệt với hai ông lớn Google và Facebook.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, Skype không xứng đáng với số tiền mà Microsoft đã chi ra, vì trong năm 2010, Công ty kinh doanh thua lỗ gần 7 tỷ USD, khiến nhiều người lo ngại về triển vọng phát triển của phần mềm này trong tương lai. Tuy nhiên, ngài Ballmer vẫn rất lạc quan cho rằng, tốc độ tăng trưởng của Skype sẽ diễn ra nhanh chóng ngay khi 2 tập đoàn hoàn thành mọi điều khoản hợp đồng và quy về một nhà.
Trên cương vị là một CEO, trước khi đi đến quyết định bắt tay làm ăn với Microsoft, Tony Bates đã khôn khéo vạch ra chi tiết kế hoạch cho tương lai của Công ty. Suốt quãng thời gian điều hành ứng dụng Skype, ông tập trung triển khai gói dịch vụ khách hàng tối ưu khi kết nối thành công với hơn 170 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng và khoảng 8,8 triệu người sử dụng dịch vụ có trả phí với tổng cộng gần 700 triệu khách hàng trên toàn thế giới.
Đó là những con số đáng mơ ước của rất nhiều tập đoàn, đặc biệt là trong ngành viễn thông, dịch vụ. Tony Bates còn tham vọng hơn khi muốn dành thị phần ở mọi ngóc ngách nhỏ nhất với mục tiêu lôi kéo được 1 tỷ người sử dùng phần mềm thường xuyên trong tương lai gần với sự hỗ trợ của Microsoft.
Đây là một chỉ tiêu táo bạo khi Skype dường như vẫn còn lạ lẫm đối với phần lớn người dân ở nhiều vùng, nhiều địa phương, do mức độ quảng bá và phủ sóng chưa được đầu tư mạnh mẽ.
Vì thế, bắt tay hợp tác với Microsoft sẽ cho phép Tony Bates tận dụng mọi sản phẩm uy tín và chất lượng của Tập đoàn như Internet Explorer, Bing, Windows 8, Windows Phone, Outlook và gần đây nhất là Windows Live Messenger để tạo bước đà cho Skype trong công cuộc mở rộng thị phần.
Câu hỏi được đặt ra ở đây là liệu việc sáp nhập với Microsoft có làm ảnh hưởng đến lượng khách hàng riêng của Skype khi Microsoft cũng đang phát triển phần mềm mới Lync, một giải pháp truyền thông hợp nhất nhằm thay thế các phương tiện giao tiếp truyền thống trong doanh nghiệp. Lync là viết tắt của “kết nối” - link và “đồng bộ” - sync.
Phát biểu tại Hội nghị Lync 2013 vừa qua, Bates đã dập tắt mọi hoài nghi, rằng Skype và Lync sẽ cùng hỗ trợ và cùng kết nối với khách hàng, không hề có sự cạnh tranh ở đây. Và mới đây nhất, vào ngày 30/4, Tony Bates đã kết hợp với Microsoft tung ra tính năng gọi điện thoại thông qua Skype tích hợp lên Outlook sau một thời gian dài chờ đợi. Anh Quốc được chọn là địa điểm thử nghiệm đầu tiên đối với tính năng mới này, tiếp theo là các quốc gia khác như Đức, Bỉ, Việt Nam…
Bates còn đang ấp ủ kế hoạch tích hợp Skype lên Xbox nhằm phát triển dịch vụ thoại video trong trò chơi và trong thiết bị của Xbox. Mặc dù hiện nay, Xbox vẫn đang hỗ trợ người dùng thực hiện cuộc gọi video đến các game thủ khác thông qua Kinect hoặc Live Vision camera, song không thể tiện dụng bằng Skype.
Một điều ít ai biết rằng, Tony Bates hoàn toàn là một lập trình viên không hề qua trường lớp đào tạo nào. Từ một nhân viên bình thường ở Cisco, sau 14 năm ông tích góp khối lượng kiến thức nền lớn về lập trình mạng và phần cứng, trở thành chuyên gia kỹ thuật phần mềm tài năng và từng nằm trong đội ngũ ban lãnh đạo của nhiều tổ chức phần mềm ứng dụng lớn trên thế giới như Youtube, TokBox, Bubble Motion, LoveFilm…
Bates từng đặt mục tiêu trở thành một CEO trước 45 tuổi bằng việc viết ra tên của 3 công ty ông mong muốn lãnh đạo, trong số đó có Skype.