Sự tăng trưởng đáng ghi nhận
Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) phối hợp với Công ty Markit Economics vừa công bố Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất tại Việt Nam trong tháng 1/2014. Theo đó, hoạt động sản xuất đang trên đà hồi phục.
Sản lượng sản xuất tăng mạnh từ 52,6 điểm trong tháng 12/2013 lên 53,5 điểm trong tháng 1/2014, thể hiện nhu cầu đối với hàng hoá Việt Nam đang dần tăng. Nhu cầu từ nước ngoài cũng đang cải thiện với tăng trưởng ở các nước thuộc khối EU và Mỹ được kỳ vọng sẽ mạnh hơn trong năm 2014.
“Việt Nam đang có nhiều cơ hội tiếp cận những thị trường này, làm động lực cho hoạt động xuất khẩu trong năm 2014. Chỉ số phụ đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã thể hiện khuynh hướng này khi tăng từ mức 49,1 điểm trong tháng 12/2013 lên 52,2 điểm trong tháng 1/2014”, Báo cáo của HSBC nhận định.
Bên cạnh đó, số lượng việc làm mới tiếp tục xu hướng tăng trưởng liên tục trong sáu tháng qua với kết quả chỉ số tháng Giêng chỉ rõ có sự tăng mạnh về nhân công. Số lượng hàng mua là chỉ số phụ có mức tăng lạc quan nhất, từ mức 53,8 điểm trong tháng 12/2013 lên 55,2 điểm trong tháng 1/2014, phản ánh nhu cầu hàng hoá cho sản xuất tăng mạnh. Những tháng tới, HSBC kỳ vọng sản lượng sẽ tiếp tục tăng tốc. Hàng tồn kho sau khi giảm xuống mức kỷ lục trong tháng 12 do các DN áp dụng các biện pháp mạnh nhằm giải toả hàng tồn, cũng đang tiếp tục giảm.
Trinh Nguyen, Chuyên viên kinh tế - Ngân hàng HSBC nói: “Sự bật dậy đáng chú ý của lĩnh vực sản xuất phản ánh nhu cầu đã mạnh lên cả ở trong nước và nước ngoài. Việc làm tiếp tục tăng cho thấy, các nhà sản xuất lạc quan về triển vọng tăng trưởng của ngành mình. Chúng tôi kỳ vọng xuất khẩu sẽ có một năm tiếp tục tăng mạnh, hỗ trợ nâng tỷ lệ tăng trưởng GDP lên 5,6%”.
Đẩy nhanh quá trình cải tổ
Trong tháng 2/2014, Khối Nghiên cứu Kinh tế của HSBC cũng vừa công bố bản báo cáo về triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam với nhận định rằng, hoạt động sản xuất đang tăng dần vị thế đối với nền kinh tế nhờ vào mức tăng trưởng mạnh của ngành sản xuất, cũng như sự sụt giảm đáng kể của các ngành khác như khai khoáng, xây dựng và bất động sản... Tăng trưởng tín dụng trong năm 2013 khá khó khăn phản ánh sự lựa chọn những hoạt động kinh doanh ít mạo hiểm ở Việt Nam, cũng như những khoản nợ xấu lớn vẫn còn ám ảnh cả hệ thống tài chính.
Báo cáo nhận định, tăng trưởng lĩnh vực sản xuất chắc chắn là một tín hiệu lạc quan, đặc biệt là khi dòng vốn ngoại đang đổ vào mạnh mẽ sẽ giúp nền kinh tế vượt qua thời kỳ khó khăn kéo dài với hoạt động đầu tư và tiêu thụ chậm chạp. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, một chiến lược nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN nội địa là rất quan trọng, nhằm giữ vững thị phần với sự thâm nhập của các DN ngoại. Vấn đề là chiến lược này phải giúp gia tăng mối quan hệ giữa các DN trong nước với chuỗi cung ứng, cải thiện các giá trị cộng thêm cho hoạt động sản xuất, bên cạnh lợi thế nguồn nhân công giá rẻ và nguyên vật liệu thô.
“Chúng tôi vẫn tin rằng, cần phải có một lộ trình chính sách để đảm bảo các DN trong nước không bị tụt lại phía sau. Nếu thất bại trong việc thực thi chiến lược này thì sẽ phát sinh nguy cơ nền kinh tế phát triển lệch lạc, từ đó có thể gây hậu quả trong tương lai khi chi phí nhân công lao động bắt đầu tăng mạnh”, Trinh Nguyên nhận định
Về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế phân tích, thị phần của các DN nội địa trong bức tranh tổng quan ngành xuất khẩu đã giảm đáng kể từ năm 2009. Điều này một phần phản ánh nhu cầu đối với hàng xuất khẩu trên toàn cầu đang chậm lại, nhưng nó cũng cho thấy các điều kiện trong nước khó khăn đang cản trở năng suất và khả năng cạnh tranh của Việt Nam. Trong khi các DN đầu tư nước ngoài đã phục hồi khá tốt từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, thì các DN chuyên xuất khẩu của Việt Nam chưa thể hiện được điều này.
Việt Nam đang là quốc gia duy nhất ở châu Á có ngành xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng ở mức hai con số kể từ thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng động lực chính cho sự tăng trưởng này đến từ lĩnh vực điện thoại và phụ kiện.
“Đây là một nhắc nhở quan trọng rằng, Việt Nam đã không chuyển dịch đáng kể khỏi một nền kinh tế gia công và tương lai phát triển còn gặp nhiều thách thức về tính bền vững”, Trinh Nguyen nói.
Trong khi đó, nói về lộ trình tái cơ cấu và những thách thức đặt ra trong nền kinh tế hiện nay, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh: “Các nhà làm chính sách đã được thông tin đầy đủ về những khó khăn của nền kinh tế, vấn đề đặt ra hiện nay là thời gian và tốc độ của những cải cách trong thời gian tới ra sao”.