Cần tính toán kỹ lưỡng trước khi tham gia bảo hiểm

Cần tính toán kỹ lưỡng trước khi tham gia bảo hiểm

Thêm sai lầm khi mua bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khi tham gia bảo hiểm, việc mua đủ và mua đúng sản phẩm là yếu tố quyết định để được bảo vệ tốt nhất, song không phải ai cũng hiểu và làm đúng.

Hiểu sai đối tượng cần được bảo hiểm

Theo các chuyên gia cũng như nhiều đại lý bán bảo hiểm, một trong những sai lầm của không ít khách hàng là các bậc phụ huynh đó là chỉ mua bảo hiểm nhân thọ cho con, mà không biết chính mình mới là đối tượng cần được bảo vệ.

Sai lầm này không mới, nhưng ngày càng phổ biến hơn trong bối cảnh nhu cầu bảo hiểm gia tăng, xuất phát từ việc thiếu am tường về bảo hiểm của bên mua, trong khi một bộ phận không nhỏ bên bán, bên trực tiếp tư vấn là đại lý cá nhân hay nhân viên bán bảo hiểm còn chưa nắm rõ về sản phẩm, thậm chí biết nhưng cố tình lờ đi, tư vấn theo hướng có lợi cho mình và bất lợi khách hàng... Do đó, việc tìm hiểu kỹ về sản phẩm bảo hiểm để mua đúng, mua đủ là rất quan trọng.

Ông Lê Hoàng Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần TC Advisors (TCA) – công ty hoạt động theo mô hình đại lý bảo hiểm tổ chức cho biết, trong quá trình “thăm khám” hợp đồng bảo hiểm cho khách hàng, ông nhận thấy có đến một nửa số hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là bố mẹ mua cho con cái, tức là để tên con vào vị trí “người được bảo hiểm chính”.

Ông kể, có trường hợp gia đình mua 4 hợp đồng, trong đó 3 hợp đồng là “mua cho con”. Thậm chí, nhiều cha mẹ yêu thương và ưu tiên con, mua hợp đồng đầu tiên cũng được tư vấn hợp đồng “mua cho con”. Đáng chú ý, khi được hỏi “khi mua hợp đồng này anh chị muốn điều gì cho con” thì không ai trả lời là “tôi mua để lỡ con tôi không may tử vong thì tôi được tiền bồi thường cả”, mà đều nói “tôi mua để tiết kiệm cho con một khoản sau này”.

Theo đại lý bảo hiểm nhân thọ Ngọc Điệp, khi tham gia bảo hiểm, nên mua cho người trụ cột trong gia đình là bố mẹ trước, thay vì mua cho con, bởi người trụ cột có khả năng gặp rủi ro cao hơn.

“Làm cha mẹ không ai là không yêu thương con. Nhiều đại lý bảo hiểm đánh vào tâm lý này mà thường xuyên tư vấn bố mẹ mua bảo hiểm cho con mà quên mất một điều rằng, nếu mình không còn nữa hoặc mất khả năng lao động thì ai sẽ thay họ chăm sóc các con? Thực tế, những người trụ cột trong gia đình thường là lao động chính nên khả năng gặp rủi ro tai nạn lao động, tai nạn giao thông... dẫn đến nguy cơ thương tật, thậm chí tử vong lớn hơn, do đó cần được ưu tiên bảo vệ hơn”, đại lý này phân tích.

Đại lý bảo hiểm Kim Đỗ cũng cho hay, nhiều bậc phụ huynh với suy nghĩ mua bảo hiểm cho con, dành dụm cho con một khoản tài chính để sau này cho con vào đại học, xin việc, hay dùng làm của hồi môn… mà quên mất rằng, chính họ còn chưa có bảo hiểm. Đến khi không may gặp rủi ro về sức khỏe sẽ không có đủ kinh tế để chữa bệnh cũng như trang trải cuộc sống, trong khi tiền đóng phí bảo hiểm cho con thì vẫn phải đóng, cuộc sống gia đình gặp khó khăn, đảo lộn dẫn đến xung đột, cãi vã. Khi đó, khách hàng có tâm lý đổ lỗi cho đại lý đã tư vấn không có tâm vì tư vấn mua cho con trước khi mua cho bố mẹ, trong khi đại lý chỉ biết im lặng, thậm chí “chối bay chối biến” với lập luận “đây là khoản đầu tư cho tương lai”.

Khách hàng Phạm Quỳnh Anh chia sẻ, chị dành dụm phần lớn tiền tiết kiệm để mua một sản phẩm bảo hiểm nhân thọ liên quan đến du học, phí đóng 40 triệu/năm, với kỳ vọng sau khi tham gia bảo hiểm trong 15 năm sẽ có được một khoản tiền cho con đi du học, trong khi chưa mua bảo hiểm cho bản thân. Thế nhưng, hiện tại, sau gần 10 năm đóng phí, chị mới nhận ra rằng đây là mong muốn không thực tế, bởi để đủ kinh phí cho con ra nước ngoài học thì cần một số tiền nhiều hơn thế, chưa kể có lúc gặp khó khăn về tài chính chỉ muốn hủy hợp đồng để giảm bớt gánh nặng.

“Giờ đây tôi đã bỏ ý định cho con đi du học, chỉ mong sao đảm bảo được thu nhập để duy trì hợp đồng đến khi đáo hạn”, chị nói.

Theo một chuyên gia bảo hiểm, việc đại lý tập trung tư vấn mua bảo hiểm cho con mà bỏ quên bố mẹ, đánh vào tâm lý khách hàng thương con cái sẽ dễ bán là chưa chính xác, trong khi lẽ ra phải để tên con vào vị trí “người thụ hưởng” (nếu con trên 18 tuổi) hoặc tên vợ/chồng (nếu con dưới 18 tuổi), còn người được bảo hiểm là bản thân cha mẹ, tên con chỉ nên nằm ở vị trí người được bảo hiểm trong các sản phẩm phụ.

Dành phần lớn thu nhập cho bảo hiểm

Các chuyên gia tài chính cho rằng, mức phí lý tưởng nhất để đóng bảo hiểm nhân thọ là 10-15% thu nhập.

Các chuyên gia tài chính cho rằng, mức phí lý tưởng nhất để đóng bảo hiểm nhân thọ là 10-15% thu nhập. Ở mức này, người tham gia bảo hiểm vẫn có thể đóng phí đầy đủ mà không gây ảnh hưởng quá lớn kinh tế chung của cả gia đình, đồng thời tránh được trường hợp ngừng hợp đồng khi chưa hết kỳ hạn bảo hiểm, đảm bảo quyền lợi và kế hoạch tài chính an toàn, vững vàng cho tương lai. Do đó, cần cân nhắc khả năng tài chính của bản thân và gia đình để lựa chọn gói bảo hiểm phù hợp.

Khách hàng Nguyễn Thanh Hương, kể 3 năm trước, chị dành tới 70% thu nhập, tương đương gần 200 triệu mỗi năm để mua bảo hiểm nhân thọ. Khi đó, chồng chị có thu nhập cao nên khoản tiền của chị không cần dùng đến nên chị quyết định đầu tư phần lớn vào bảo hiểm.

Thế nhưng, mới đây, công ty chồng chị phá sản, thu nhập của anh giảm trầm trọng khiến cuộc sống của gia đình điêu đứng nên chị đang tính xin công ty bảo hiểm giảm phí nộp xuống, nếu không xin được sẽ buộc phải hủy. Do mới đóng được 3 năm nên hủy sẽ rất thiệt thòi, bởi số tiền nhận về thấp hơn nhiều số tiền đã đóng.

Từ thực tế trên, các chuyên gia khuyến cáo, khách hàng nên chọn sản phẩm bảo hiểm phù hợp với nhu cầu hoặc khả năng thanh toán ổn định trong thời gian dài, tức là cần tính đến “sức khỏe tài chính” trong dài hạn. Bên cạnh đó, chỉ nên dành dưới 20% thu nhập, chứ không nên “tất tay” đầu tư vào bảo hiểm. Chưa kể, có 2 yếu tố quan trọng khách hàng cần lưu tâm trước khi tham gia bảo hiểm, đó là hợp đồng bảo hiểm đã được thiết kế “đúng” chưa (nhất là người thụ hưởng) và các quyền lợi liên quan đã “đủ” chưa, sau đó mới đến mức phí đóng, uy tín thương hiệu, dịch vụ của công ty bảo hiểm…

“Ngoài các trường hợp trên, còn nhiều sai lầm khác mà nhiều người mắc phải là cứ nghĩ tham gia bảo hiểm thì mặc định kiểu gì cũng được bảo vệ, được nhận bồi thường khi gặp rủi ro. Để tránh những hiểu lầm tai hại này thì cần hiểu đúng, hiểu đủ về bảo hiểm và để làm được điều này, cần thêm nhiều nỗ lực từ cả bên mua lẫn bên bán bảo hiểm. Riêng với đại lý/tư vấn viên bảo hiểm, muốn đi lâu, đi xa được với nghề cần ‘chuyển hóa’ ngay trước khi quá muộn”, vị chuyên gia bảo hiểm trên khuyến cáo.

Tin bài liên quan