Thêm “ô-xy” từ 2 thông tư của Ngân hàng Nhà nước

Thêm “ô-xy” từ 2 thông tư của Ngân hàng Nhà nước

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự ra đời 2 thông tư mới đây của Ngân hàng Nhà nước có thể coi là giải pháp tháo gỡ một phần khó khăn cho các NHTM và doanh nghiệp bất động sản.

Nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, tổng cầu suy giảm, khiến nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoạt động, doanh thu và lợi nhuận sụt giảm nghiêm trọng ảnh hưởng đến khả năng trả nợ gốc lãi vay ngân hàng. Nếu không có biện pháp hỗ trợ, doanh nghiệp sẽ phát sinh nợ xấu do bị chuyển nhóm nợ, không đủ điều kiện tiếp tục vay vốn mới, dẫn tới khả năng hồi phục thấp. Nhóm doanh nghiệp bất động sản có thể là nhóm rủi ro nhất vì có dư nợ lớn tại các ngân hàng thương mại (NHTM). Các NHTM đối mặt với nợ xấu gia tăng, ảnh hưởng tới khả năng cho vay do các chỉ tiêu an toàn tài chính giảm, bị giới hạn room cho vay và giới hạn hoạt động đầu tư theo quy định.

Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết.
Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết.

Với Thông tư 02, doanh nghiệp được giãn nợ có thêm thời gian tối đa 12 tháng để cơ cấu tài chính, chờ đợi sức cầu trên thị trường cải thiện và có cơ hội hồi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh trong tương lai; trong đó, nhóm doanh nghiệp bất động sản có dư nợ lớn tại các NHTM là đối tượng chính. NHTM cơ cấu thời hạn trả nợ tránh được việc phát sinh nhiều nợ xấu lên mức cao, tránh được rủi ro bị hạn chế tín dụng và hạn chế đầu tư theo quy định. Mặc dù vậy, theo Thông tư 02 thì NHTM vẫn phải trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định hiện hành đối với phần dư nợ được cơ cấu thời gian trả nợ.

Thời gian qua, vì những sai phạm của nhiều doanh nghiệp lớn trong phát hành trái phiếu đã khiến nhu cầu rút vốn đến hạn và trước hạn với các sản phẩm trái phiếu tăng cao. Trong khi đó, NHTM lại bị giới hạn khả năng mua lại trái phiếu theo quy định, dẫn tới tình trạng mất thanh khoản trên thị trường trái phiếu, nhu cầu mua trái phiếu của cá nhân và tổ chức hiện nay rất thấp.

Thông tư 03 sẽ mở ra khả năng mua lại trái phiếu cho các NHTM, giúp tăng thanh khoản cho thị trường trái phiếu vốn đang cạn cầu hiện nay. Theo đó, các NHTM có thể mua lại trái phiếu đã phát hành trước đó để thanh khoản (trả nợ) cho cá nhân/ tổ chức có nhu cầu rút vốn trái phiếu đến hạn và trước hạn. NHTM cũng có thể tiếp tục mua trái phiếu của doanh nghiệp phát hành, qua đó cấp tín dụng cho doanh nghiệp (nhóm doanh nghiệp bất động sản chiếm tỷ trọng cao). Ở khía cạnh này thì các đối tác lâu năm của ngân hàng sẽ được ưu tiên và không ngoại trừ cả các trường hợp đảo nợ cho khách cũ để tránh phát sinh nợ xấu ngân hàng khi doanh nghiệp không thể thanh toán được nợ trái phiếu đến hạn.

Tựu trung lại, hai thông tư mới ban hành chủ yếu nhằm hỗ trợ hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp xử lý các vấn đề cấp bách trước mắt, có liên quan tới sức khoẻ tài chính của ngân hàng và doanh nghiệp, người dân, giúp các bên có thêm thời gian để cơ cấu tài chính, điều chỉnh hoạt động kinh doanh và kỳ vọng hồi phục doanh thu và lợi nhuận và khả năng trả nợ trong tương lai.

Quý II và III/2023, lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp phát hành những năm trước sẽ đến hạn thanh toán gốc và lãi, trong đó chủ yếu là trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản. Những năm qua, nhóm mua nhiều trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản nhất là NHTM và công ty chứng khoán có vốn ngân hàng. Chính vì vậy, sự ra đời của 2 thông tư trên có thể được coi là một giải pháp tháo gỡ một phần khó khăn của các NHTM và doanh nghiệp bất động sản trong thời gian tới.

Tinh thần của 2 thông tư này khá giống với tinh thần của Nghị định 08/2023/NĐ-CP, nhằm tạo điều kiện để tổ chức phát hành trái phiếu và trái chủ có thể thoả thuận gia hạn thời hạn trái phiếu đến hạn hoặc đã quá hạn mà tổ chức phát hành chưa thể thanh toán gốc và lãi vay của trái phiếu, bổ sung thêm cơ chế hoán đổi tài sản để thanh toán gốc và lãi trái phiếu để các bên đàm phán đi đến thống nhất nhằm giải quyết vẫn để thanh khoản trái phiếu thời gian qua.

Trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều áp lực từ bên ngoài và những vấn đề nội tại từ bên trong, việc tìm giải pháp giải quyết nhiều khúc mắc trong nền kinh tế là chưa khả thi thì những biện pháp mang tính “tình thế” cũng là một lựa chọn để xử lý những vấn đề cấp bách trong ngắn hạn, tránh rủi ro lan rộng khiến tình hình chung thêm căng thẳng và khó xử lý hơn khi các thành phần kinh tế tổn thương lớn khó hồi phục trở lại.

Tin bài liên quan