Dồn dập tăng vốn
Có một điều khá dễ nhận thấy, đó là trong danh sách các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quy mô lớn đăng ký đầu tư vào Việt Nam trong quý I/2018, phần lớn là các dự án tăng vốn, mở rộng đầu tư. Lớn nhất trong đó có lẽ là Dự án LG Innotek Hải Phòng, tăng vốn đầu tư thêm 501 triệu USD.
LG Innotek được cấp chứng nhận đầu tư từ tháng 9/2016, với mục tiêu xây dựng một nhà máy chuyên sản xuất module camera tại Khu công nghiệp Tràng Duệ (Hải Phòng), với tổng vốn đầu tư 550 triệu USD. Với việc tăng vốn, tới thời điểm này, LG Innotek đã có tổng vốn đăng ký 1,05 tỷ USD, đưa cả 3 dự án mà LG đầu tư tại Việt Nam đều có quy mô vốn trên 1 tỷ USD. Hai dự án còn lại, LG Display và LG Electronics đều có vốn đăng ký 1,5 tỷ USD.
Ngoài dự án của LG Innotek, còn có các dự án Regina Miracle International Việt Nam ở Hải Phòng, tăng vốn thêm 260 triệu USD; Kefico Việt Nam ở Hải Dương, tăng vốn đầu tư thêm 120 triệu USD; Vina Cell Technology ở Bắc Giang, tăng vốn đầu tư thêm 100 triệu USD…
Có thêm các khoản vốn trên, tổng vốn FDI tăng thêm vào Việt Nam trong 3 tháng qua đã đạt 1,79 tỷ USD. Tuy chỉ bằng 45,4% cùng kỳ năm 2017, do thiếu vắng các dự án tỷ USD (3 tháng năm ngoái, chỉ riêng Dự án Samsung Display đã tăng vốn đầu tư thêm 2,5 tỷ USD), song theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), con số này vẫn cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam.
Đây là một thực tế, bởi nếu không có niềm tin, nhà đầu tư sẽ không dốc thêm vốn để đầu tư. Như LG, tập đoàn Hàn Quốc đang từng bước biến Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất của mình, giống như “người đồng hương” Samsung.
Trong Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2017, câu chuyện doanh nghiệp FDI tích cực mở rộng đầu tư tại Việt Nam đã được khẳng định. Báo cáo khẳng định, các doanh nghiệp FDI đã tăng cường sản xuất - kinh doanh trong năm qua. Và đó là lý do khiến doanh thu của doanh nghiệp FDI trung vị đạt 2,43 triệu USD, cao gấp 3 lần so với các năm trước.
Một điểm đáng chú ý, đó là báo cáo trên cũng đề cập tỷ lệ doanh nghiệp báo lãi giảm còn 54,3%, mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Trong khi đó, 37,9% doanh nghiệp báo lỗ - cũng là một kỷ lục mới. Đây là những con số khiến gần đây, không ít thông tin bày tỏ sự lo ngại trước hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp FDI.
Tuy nhiên, Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2017 đã nhấn mạnh rằng, “chưa rõ liệu những con số này chỉ là một sự suy giảm tạm thời hay là một xu hướng dài hạn hơn”.
“Một lý giải cho điều này có thể là các doanh nghiệp FDI đang trong giai đoạn mở rộng, đòi hỏi đầu tư nhiều vốn và lao động và do vậy, có thể tạm thời bỏ qua mục tiêu lợi nhuận trước mắt và kỳ vọng vào tăng trưởng trong tương lai. Các chỉ số về niềm tin kinh doanh là một số bằng chứng cho giả thiết về giai đoạn mở rộng này”, Nhóm nghiên cứu PCI nhận định.
Một con số khá rõ ràng đã được Báo cáo đề cập. Đó là mặc dù tỷ lệ báo lãi có giảm, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào triển vọng kinh doanh tại Việt Nam. Có hai chỉ số thể hiện sự lạc quan này. Đó là, tỷ lệ doanh nghiệp tăng vốn đầu tư năm 2017 là 13,2%, tăng nhẹ so với 11% năm 2016. Thêm nữa, tỷ lệ doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam cũng đã tăng từ 50% lên 60%. Đây là mức độ lạc quan nhất kể từ năm 2011.
Năm 2017, đã có 1.188 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm xấp xỉ 8,41 tỷ USD, tăng 49,2% so với cùng kỳ năm 2016.
Hấp dẫn kênh dẫn vốn mới
Có niềm tin, nhà đầu tư nước ngoài vẫn tích cực đổ vốn vào Việt Nam. Số dự án FDI đăng ký mới trong quý I/2018, theo Cục Đầu tư nước ngoài, là 618 dự án. Trong khi đó, vốn đăng ký là 2,12 tỷ USD, bằng 72,7% so với cùng kỳ năm 2017 - cũng là do thiếu vắng các dự án quy mô lớn.
Tuy nhiên, trong khi vốn FDI đang có chiều hướng chậm lại, thì vốn đầu tư nước ngoài thông qua góp vốn, mua cổ phần lại tăng rất mạnh. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, 3 tháng qua, đã có 1.285 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp là 1,89 tỷ USD, tăng 121,6% so với cùng kỳ 2017.
Trong đó, có 732 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 1,34 tỷ USD và 553 lượt góp vốn mua cổ phần mà nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước nhưng không làm tăng vốn điều lệ với tổng giá trị vốn góp 547,8 triệu USD.
Tốc độ tăng nhanh của việc đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đã ngày càng chứng minh sức hấp dẫn của kênh dẫn vốn này. Năm ngoái, có tới 5.002 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị góp vốn là 6,19 tỷ USD, tăng 45,1% so với cùng kỳ năm 2016. Năm nay, xu hướng còn tăng mạnh hơn, do các thương vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) được đẩy mạnh hơn.
Theo dự đoán của Baker McKenzie, hoạt động M&A ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, sẽ tăng hơn 30% so với mức 534 tỷ USD năm ngoái, lên 710 tỷ USD trước khi đạt mức 750 tỷ USD vào năm tới. Còn ông Rob Subbaraman, chuyên gia kinh tế trưởng về châu Á của Tập đoàn Nomura (Singapore) nhận định, các công ty Nhật Bản và Trung Quốc bắt đầu quan tâm tới các nước Đông Nam Á, đặc biệt là rất lạc quan với các thị trường Indonesia, Việt Nam và Philippines.
“Làn sóng M&A ở Đông Nam Á sẽ gia tăng đáng kể trong năm nay. Một yếu tố quan trọng là, so với khu vực Đông Bắc Á, các quốc gia ở Đông Nam Á đã ban hành nhiều chính sách cải cách kinh tế, ví như mở cửa nền kinh tế cho các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài, đó là động thái tích cực cho các hoạt động M&A”, ông Rob Subbaraman nói.
Dự báo, năm 2018 doanh số trên thị trường M&A Việt Nam có thể đạt gấp đôi, lên tới 10 tỷ USD, trong bối cảnh cung - cầu thị trường M&A đều ở mức cao chưa từng có trong lịch sử.