Thông tư 02 áp dụng, việc phân loại tài sản có của hệ thống ngân hàng sẽ bị thắt chặt hơn
Như ĐTCK đã đưa tin trong bài “Thông tư 02 lại ‘nóng’ hội nghị ngành ngân hàng, vì sao?”, rất nhiều ý kiến từ ngân hàng muốn tạm hoãn, thậm chí hoãn vô thời hạn Thông tư 02. Tuy nhiên, ngay sau đó, cũng có nhiều ý kiến đã lên tiếng cho rằng, không có lý do gì để trì hoãn việc, bởi trước đó thông tư này đã hoãn một năm để các nhà băng có thời gian chuẩn bị.
Thực tế, Thông tư 02/2013/TT-NHNN chính thức được ban hành trong nửa đầu năm 2013 và dự kiến áp dụng vào ngày 1/6/2013.
Tuy nhiên, thời điểm này, tình hình nợ xấu diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng, trong khi tín dụng khó tăng trưởng, dư nợ của nhiều nhà băng vẫn âm. Trong bối cảnh đó, NHNN quyết định gia hạn thời gian áp dụng Thông tư 02 thêm một năm (đến 1/6/2014) để các ngân hàng có điều kiện chuẩn bị trước khi áp dụng các chuẩn mực mới.
Bởi với các quy định khắt khe hơn trong vấn đề phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, tín dụng và lợi nhuận của hệ thống ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng.
Nhưng theo đánh giá của nhiều lãnh đạo ngân hàng nước ngoài, việc áp dụng Thông tư 02 vào thực tiễn là cần thiết và không còn lý do gì để trì hoãn thêm việc này.
Phó tổng giám đốc HSBC Việt Nam, ông Phạm Hồng Hải cho rằng, các quy định của Thông tư 02 đã tiếp cận được chuẩn mực quốc tế, nên khi áp dụng sẽ hạn chế được rủi ro cho ngân hàng, nhất là trong hoạt động cho vay.
“Sau thời gian trì hoãn 1 năm, tháng 6/2014 là thời điểm phù hợp để áp dụng các quy định mới tại thông tư này, nhằm đưa hoạt động của ngân hàng an toàn hơn, nhất là trước bối cảnh nợ xấu của ngành vẫn trong tình trạng phức tạp”, ông Hải nói.
Tổng giám đốc Ngân hàng ANZ, ông Tareq Waleed Muhmood cũng cho biết, việc thực hiện Thông tư 02 sẽ làm rõ hơn định nghĩa về nợ xấu và làm minh bạch nợ xấu trong ngành ngân hàng. Vì thế, theo ông Tareq, ANZ hoàn toàn ủng hộ các bước đi của NHNN trong việc thực hiện Thông tư 02.
Đồng tình với ý kiến cho rằng không cần thiết phải hoãn thêm thời gian triển khai Thông tư 02, ông Tay Hang Chong, Tổng giám đốc MeKong Bank lý giải thêm, thực tế, các ngân hàng đã có thời gian chuẩn bị trong 1 năm để quản lý tốt kết quả kinh doanh cũng như làm “sạch” bảng cân đối bằng việc đẩy mạnh bán nợ xấu cho VAMC.
Theo VAMC, đến hết năm 2013, công ty này sẽ mua được tối thiểu 30.000 - 35.000 tỷ đồng nợ xấu. Hiện tại, hơn 20 tổ chức tín dụng đã gửi hồ sơ đề nghị được bán nợ xấu cho VAMC với tổng giá trị nợ xấu trên 40.000 tỷ đồng.
Vì thế, ông Chong cho rằng, ngay từ thời điểm này, các ngân hàng cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nhất là trong vấn đề xử lý nợ xấu. Tại MeKong Bank, ông Chong cho biết, để chuẩn bị cho việc thực hiện Thông tư 02, ngay từ năm 2013, đầu tư trái phiếu và ủy thác cho vay đã được Ngân hàng loại ra khỏi hoạt động tín dụng.
“MeKong Bank là một ngân hàng quy mô nhỏ, nhưng chúng tôi xác định phải hoạt động bền vững, nên đã có sự chuẩn bị sớm”, ông Chong nói.
Bình luận về vấn đề này, một chuyên gia nước ngoài cho rằng, VAMC đã chính thức đi vào hoạt động và bước đầu mang lại hiệu quả trong việc xử lý nợ xấu cho hệ thống ngân hàng. VAMC chính là cánh cửa cuối cùng để bọc lót cho ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu, hay nói cách khác, kênh xử lý nợ xấu đã được giải tỏa thì việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế mới là cần thiết.
Tuy nhiên, đây là quan điểm của những ngân hàng ngoại, còn với các ngân hàng nội, không ít ý kiến vẫn cho rằng, cần thiết hoãn việc thực hiện Thông tư 02, với lý do tình hình nợ xấu còn phức tạp.
Mặc dù thừa nhận các quy định của Thông tư 02 đã tiếp cận được chuẩn mực quốc tế, nên khi áp dụng sẽ là điều kiện an toàn cho các ngân hàng trong hoạt động tín dụng, nhưng ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho rằng, bên cạnh việc hạn chế nợ xấu, các quy định của Thông tư 02 cũng sẽ là rào cản đối với tăng trưởng tín dụng. Vì thế, nếu có thêm thời gian để chuẩn bị sẽ tốt hơn cho các ngân hàng khi thực hiện.
“Thông tư 02 được áp dụng sẽ tạo áp lực đối với ngân hàng, bởi với các quy định khắt khe hơn, nợ xấu có khả năng sẽ gia tăng, trong khi nền kinh tế đang cần vốn để kích cầu tăng trưởng”, ông Võ Tấn Hoàng Văn, quyền Tổng giám đốc SCB chia sẻ.
Hơn nữa, theo lãnh đạo các nhà băng này, khi Thông tư 02 chính thức có hiệu lực, lợi nhuận trong hoạt động của ngân hàng vốn dĩ đã khó khăn sẽ càng teo tóp hơn. Vì đòi hỏi ngân hàng phải trích dự phòng rủi ro cao.
“Với tình hình hiện nay, khi sức mua và tồn kho còn là rào cản trong phát triển tín dụng, thì ngân hàng khó có thể kỳ vọng được lợi nhuận cao. Điều quan trọng hơn vẫn là kiểm soát được rủi ro nợ xấu và chất lượng các khoản vay. Vì thế, việc đưa vào áp dụng các chuẩn mực mới theo tiêu chuẩn quốc tế trong hoạt động cho vay là cần thiết để hạn chế nợ xấu”, một chuyên gia lĩnh vực tài chính - tiền tệ nhận định. >> Thông tư 02 lại “nóng” hội nghị ngành ngân hàng, vì sao?
>> Vội vã áp Thông tư 02 sẽ bất lợi?
>> Triểnkhai Nghị quyết số 02: Lúng túng “như gà mắctóc”