Để nâng cao trách nhiệm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, việc kiểm soát chặt hoạt động đại lý bảo hiểm là cần thiết

Để nâng cao trách nhiệm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, việc kiểm soát chặt hoạt động đại lý bảo hiểm là cần thiết

Thêm nhiều nghĩa vụ mới cho đại lý bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hoạt động đại lý bảo hiểm đã chính thức được luật hóa tại Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 cũng như các văn bản pháp luật liên quan với nhiều quy định mới theo hướng chặt chẽ hơn.

Chất lượng đại lý chưa thực sự được chú trọng

Theo số liệu thống kê mới nhất tại Niên giám thị trường bảo hiểm Việt Nam (trên website của Bộ Tài chính), tính đến hết năm 2021, tổng số lượng đại lý bảo hiểm (bao gồm đại lý cá nhân và cá nhân trực thuộc đại lý tổ chức được cấp chứng chỉ đào tạo) đạt 1.119.871 người, tăng 5,4% so với năm 2020. Trong đó, đại lý bảo hiểm nhân thọ là 912.089 người, tăng 1,86% và đại lý bảo hiểm phi nhân thọ là 207.782 người, tăng 24,38%.

Không chỉ tăng trưởng về số lượng đại lý, kênh phân phối cũng trở nên đa dạng hơn khi có thêm nhiều đơn vị, tổ chức tham gia phân phối sản phẩm bảo hiểm như ngân hàng, công ty dịch vụ viễn thông, các nhà bán lẻ (siêu thị, showroom ôtô...).

Để có thể tư vấn, chào bán sản phẩm bảo hiểm, đại lý bảo hiểm phải hiểu được các sản phẩm bảo hiểm, quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm…, truyền tải đúng các điều kiện, điều khoản bảo hiểm đến khách hàng. Vì thế, để trở thành đại lý bảo hiểm, từ Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 đã có quy định như: Cá nhân phải trực tiếp tham gia các lớp đào tạo kiến thức làm đại lý bảo hiểm và được cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm; đối với đại lý tổ chức, nhân viên trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý phải có có chứng chỉ đại lý phù hợp…

Quy định là vậy, nhưng trên thực tế, dưới áp lực mở rộng mạng lưới đại lý, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường tuyển dụng, hợp tác đại lý bảo hiểm mà chưa thực sự chú trọng đến chất lượng đại lý. Đây là một trong những nguyên nhân gây rủi ro tranh chấp sau này.

Trong thời gian qua, cùng với sự phát triển “nóng” của kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance), liên tục diễn ra tình trạng một số đại lý bảo hiểm tư vấn, giải thích không đầy đủ, gây hiểu nhầm về sản phẩm bảo hiểm với sản phẩm ngân hàng, đặc biệt đối với các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, thậm chí còn gây khó dễ cho khách hàng có nhu cầu vay vốn ngân hàng, yêu cầu mua bảo hiểm.

Các yêu cầu mới về tiêu chuẩn và điều kiện của đại lý

Nhằm nâng cao trách nhiệm trong quá trình tư vấn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, các nghĩa vụ của đại lý bảo hiểm trước đây chỉ được quy định tại Nghị định số 73/2016/NĐ-CP thì nay đã được luật hóa tại Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, đồng thời bổ sung thêm một số quy định theo hướng chặt chẽ hơn đối với điều kiện hoạt động đại lý.

Cụ thể, đối với đại lý là tổ chức phải có đăng ký ngành nghề kinh doanh hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Luật Doanh nghiệp (Khoản 2, Điều 125 - Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022). Đáng chú ý, quy định mới không cho phép đại lý cá nhân đồng thời làm đại lý bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm khác hoạt động trong cùng loại hình bảo hiểm với doanh nghiệp mà cá nhân đó đang làm đại lý (trước đây, đại lý nói chung, bao gồm cả đại lý cá nhân và tổ chức, được làm đại lý cho doanh nghiệp bảo hiểm khác nếu được doanh nghiệp đang làm đại lý đồng ý).

Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 cũng quy định nhiều nghĩa vụ của đại lý bảo hiểm, trong đó có điểm hoàn toàn mới là yêu cầu phải giải thích rõ ràng, đầy đủ về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm (Điều 129). Lý do bởi nghĩa vụ giải thích điều kiện, điều khoản bảo hiểm cũng là nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, nên khi đại lý thực hiện các hoạt động theo sự ủy quyền của doanh nghiệp bảo hiểm để tư vấn chào bán sản phẩm thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ này.

Đối với đại lý bảo hiểm là tổ chức tín dụng, tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 đang được lấy ý kiến, cơ quan soạn thảo dự kiến bổ sung một số điều kiện khắt khe hơn. Theo đó, đại lý là tổ chức tín dụng phải đáp ứng các điều kiện cao hơn so với các đại lý tổ chức khác: Phải thành lập bộ phận chuyên trách để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm; tại mỗi chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng hàng nước ngoài phải thiết lập một quầy riêng để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm; tại mỗi chi nhánh của tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm phải đảm bảo tối thiểu 3 nhân viên được đào tạo và có chứng chỉ đại lý bảo hiểm phù hợp với loại hình bảo hiểm mà tổ chức tín dụng làm đại lý…

Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 cũng dự kiến bổ sung nhóm quy định về nguyên tắc cung cấp thông tin cho khách hàng của tổ chức hoạt động đại lý. Theo đó, đại lý bảo hiểm phải giải thích cho khách hàng các sản phẩm bảo hiểm được phân phối thông qua đại lý tổ chức là sản phẩm bảo hiểm (để tránh nhầm lẫn là sản phẩm của tổ chức tín dụng); việc tham gia sản phẩm bảo hiểm không phải là điều kiện bắt buộc hoặc các điều kiện được hưởng ưu đãi khi tham gia các sản phẩm của tổ chức tín dụng…

Chỉ được thực hiện hoạt động đại lý đối với sản phẩm được đào tạo

Từ ngày 1/1/2023, việc đào tạo chứng chỉ đại lý và cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm phải đáp ứng các quy định chặt chẽ hơn so với trước. Theo đó, thay vì chỉ có 3 loại chứng chỉ đại lý bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, chứng chỉ đại lý bảo hiểm liên kết đơn vị như trước đây, thì nay được chia theo từng nhóm sản phẩm bảo hiểm đặc thù. Chứng chỉ đại lý theo quy định mới gồm 6 loại: Chứng chỉ đại lý bảo hiểm nhân thọ cơ bản; chứng chỉ đại lý bảo hiểm liên kết đơn vị; chứng chỉ đại lý bảo hiểm phi nhân thọ cơ bản; chứng chỉ đại lý bảo hiểm hàng hải; chứng chỉ đại lý bảo hiểm hàng không; chứng chỉ đại lý bảo hiểm sức khỏe.

Cùng với phân chia các loại chứng chỉ đại lý bảo hiểm, Thông tư số 69/2022/TT-BTC cũng quy định chi tiết các sản phẩm bảo hiểm mà đại lý được bán tương ứng với mỗi loại chứng chỉ. Điểm mới để thực hiện hoạt động đại lý đối với sản phẩm bảo hiểm hàng hải, hàng không, đó là đại lý bảo hiểm bắt buộc phải có chứng chỉ đại lý bảo hiểm hàng hải, bảo hiểm hàng không. Doanh nghiệp và đại lý bảo hiểm có lộ trình để chuyển đổi, chứng chỉ đại lý bảo hiểm được cấp trước ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2025. Hết thời hạn này, đại lý phải thực hiện chuyển đổi sang chứng chỉ đại lý mới thì mới được thực hiện hoạt động đại lý.

Để nâng cao chất lượng hoạt động đại lý, chỉ các quy định trong văn bản pháp luật là chưa đủ, mà còn cần có sự vào cuộc, sự sát sao của chính các doanh nghiệp bảo hiểm. Doanh nghiệp phải nhận thức được tầm quan trọng của chất lượng đại lý bảo hiểm, thường xuyên đào tạo, rà soát, kiểm tra hoạt động đại lý của đại lý bảo hiểm. Mỗi đại lý bảo hiểm cũng phải nhận thức được trách nhiệm của mình trong quá trình thực hiện hoạt động đại lý, luôn đặt lợi ích khách hàng lên hàng đầu, chứ không chỉ tập trung tăng doanh thu, hoa hồng để ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng, cũng như hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp bảo hiểm.

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm

Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) mới có công văn số 453/QLBH-NT gửi các doanh nghiệp nhân thọ đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm. Đây là động thái mới nhất của cơ quan quản lý nhằm tiếp tục tăng cường kiểm soát hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ.

Trong đó, yêu cầu các doanh nghiệp nhân thọ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm, đánh giá chất lượng tư vấn, giới thiệu, chào bán sản phẩm của đại lý bảo hiểm; cung cấp các thông tin về sản phẩm của doanh nghiệp bảo hiểm đầy đủ, chính xác cho bên mua bảo hiểm; phải nghiêm túc xử lý trách nhiệm của đại lý bảo hiểm vi phạm; rà soát, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, quy định nội bộ, chính sách về quản trị rủi ro, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.

Đồng thời, chủ động làm việc, giải quyết các khiếu nại của khách hàng khi phát sinh các khiếu nại của khách hàng. Trường hợp khách hàng có phản ánh qua các cơ quan thông tấn báo chí về việc ký kết và thực hiện hợp đồng với doanh nghiệp bảo hiểm thì doanh nghiệp phải chủ động phản hồi thông tin khách quan, minh bạch đến các cơ quan thông tấn báo chí.

Tin bài liên quan