Cụ thể, ACB vừa công bố danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ của ngân hàng gồm 2 cá nhân và 3 tổ chức, theo danh sách được cập nhật vào ngày 30/7/2024 dựa trên thông tin các cổ đông cung cấp.
Cá nhân nắm giữ nhiều nhất là ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB, sở hữu hơn 153 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 3,427%. Người có liên quan đến ông Huy sở hữu 367 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ là 8,218%.
Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2024 của ACB, ba tổ chức có tỷ lệ sở hữu trên 1% vốn điều lệ của Ngân hàng có liên quan đến Chủ tịch ACB gồm: CTCP Đầu tư Thương mại Giang Sơn nắm giữ 80,3 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 2,07%; CTCP Đầu tư Thương mại Vân Môn nắm gần 44,4 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 1,14%; CTCP Đầu tư Thương mại Bách Thanh nắm gần 55,9 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 1,44%.
Cá nhân thứ hai là bà Đặng Thu Thuỷ, Thành viên HĐQT ACB là mẹ của ông Trần Hùng Huy đang nắm 53,3 triệu cổ phiếu ACB, tỷ lệ sở hữu là 1,194%. Tỷ lệ sở hữu của người có liên quan đến bà Thuỷ là 10,457%, trong đó riêng bà Đặng Thu Hà, Phó giám đốc Chi nhánh TP. HCM, người có liên quan của bà Thuỷ sở hữu 46,1 triệu cổ phiếu, tương đương 1,19% vốn của ngân hàng ACB.
Ngoài ra, ba tổ chức ngoại là Smallcap World Fund, Inc., Boardwalk South Limited và VOF PE Holding 5 Limited nắm giữ lần lượt hơn 112 triệu cổ phiếu, 82,3 triệu cổ phiếu và 76,6 triệu cổ phiếu ACB, tổng tỷ lệ sở hữu là hơn 6% vốn điều lệ.
Mới đây, Eximbank cũng công bố danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên tại ngày 1/7/2024 theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi. Trong đó, CTCP Tập đoàn Gelex là cổ đông lớn nhất của Eximbank, nắm giữ 85,5 triệu cổ phiếu EIB, tỷ lệ 4,9%. Ngoài ra, có hai cổ đông tổ chức khác là CTCP Chứng khoán VIX và CTCP Thắng Phương, lần lượt nắm 62,3 triệu cổ phiếu và 53,4 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 3,58% và 3,07% vốn tại Eximbank.
Bên cạnh các tổ chức, tại Eximbank còn có hai cổ đông cá nhân nắm trên 1% vốn là bà Lương Thị Cẩm Tú, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng nắm giữ 19,5 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 1,12% và bà Lê Thị Mai Loan, cựu Thành viên HĐQT sở hữu 17,9 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 1,03%.
Bà Lê Thị Mai Loan và CTCP Thắng Phương là các cổ đông có liên quan tới nhóm Bamboo Capital. Bà Loan từng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch thường trực tại Tracodi Trading & Consulting; đồng thời là cựu Thành viên Ban kiểm soát của Bamboo Capital và Phó chủ tịch thường trực CTCP BCG Land.
Bà Loan mới chỉ thôi các chức vụ tại BCG Land và Tracodi từ tháng 9/2022. Bà từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT Eximbank vào đầu năm 2024 và ông Nguyễn Hồ Nam, cựu Chủ tịch Bamboo Capital hiện làm Phó chủ tịch HĐQT của Eximbank. Ngoài ra, bà Loan cũng từng là một trong hai cổ đông góp vốn đầu tiên vào Công ty Thắng Phương.
Trong khi đó, Chứng khoán VIX là công ty có mối liên hệ với Gelex, thể hiện qua lịch sử sở hữu cổ phần và hoạt động lãnh đạo của người có liên quan đến CEO Gelex Nguyễn Văn Tuấn.
Tại BVBank, Ngân hàng cũng vừa công bố danh sách 9 cổ đông cá nhân sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên tính đến 30/7. Trong đó, người sở hữu cổ phần nhiều nhất là bà Nguyễn Thanh Phượng, Phó chủ tịch BVBank với 22,87 triệu cổ phiếu, tỷ lệ gần 4,56%.
Tiếp theo đó, ông Ngô Quang Trung, Thành viên HĐQT, kiêm Tổng giám đốc BVBank nắm giữ 15,68 triệu cổ phiếu, tỷ lệ hơn 3,12%; ông Lê Anh Tài, Chủ tịch HĐQT sở hữu 2,86%; ông Nguyễn Nhất Nam, Thành viên HĐQT sở hữu gần 1% và người có liên quan nắm hơn 1%.
Ngoài ra, danh sách trên còn có các Phó tổng giám đốc và Kế toán trưởng, gồm ông Lê Văn Bé Mười, Văn Thành Khánh Linh, Phan Việt Hải, Nguyễn Thanh Tú, Lý Công Nha mỗi người sở hữu khoảng 1-1,5% cổ phần ngân hàng này.
Như vậy, các lãnh đạo của BVBank gồm HĐQT, ban điều hành đang nắm tổng cộng khoảng 17,8% vốn ngân hàng. Tính cả người liên quan, các lãnh đạo của nhà băng này sở hữu gần 20% vốn tại nhà băng. Theo báo cáo thường niên đến hết 2023, BVBank có 9.546 cổ đông cá nhân nắm giữ hơn 99,75% cổ phần và 24 tổ chức nắm 0,25% cổ phần ngân hàng.
Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ 1/7 giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu cho cổ đông là tổ chức (gồm cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp) từ 15% xuống 10%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%. Còn giới hạn tỷ lệ sở hữu với cổ đông cá nhân được giữ như hiện hành, tức 5%.
Danh sách người có liên quan cũng được mở rộng so với trước. Kể từ 1/7, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt trần theo quy định mới vẫn được duy trì nhưng không được phép tăng thêm, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.
Đồng thời, từ 1/7, ngân hàng phải công bố thông tin những cổ đông nắm từ 1% vốn cùng người có liên quan. Nội dung này trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 18/1. Theo đó, kể từ 1/7/2024 khi luật này có hiệu lực, các ngân hàng phải tuân thủ nhiều quy định khắt khe hơn về tỷ lệ sở hữu của cổ đông cũng như việc minh bạch thông tin.
Định kỳ hằng năm, tổ chức tín dụng công bố những thông tin này với Đại hội đồng cổ đông, Đại hội thành viên, Hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, "những người có liên quan" theo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi cũng được mở rộng, gồm cả cha mẹ cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con nuôi, con rể; anh, chị, em cùng cha khác mẹ; anh, chị, em cùng mẹ khác cha; anh vợ, chị vợ, em vợ, anh chồng, chị chồng, em chồng, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha.
Ngoài ra, ông bà nội, ngoại; cháu nội, ngoại; bác ruột, cô ruột, dì ruột, chú ruột, cậu ruột và cháu ruột, cũng thuộc diện "người có liên quan" theo Luật mới.
Pháp nhân, cá nhân khác có mối quan hệ tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động của tổ chức tín dụng được xác định theo quy định nội bộ của ngân hàng hoặc theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước qua thanh tra, giám sát, cũng được xem là "người có liên quan".