Nhiều công nghệ mới trong thanh toán được các ngân hàng mang tới cho khách hàng. Ảnh: Dũng Minh.

Nhiều công nghệ mới trong thanh toán được các ngân hàng mang tới cho khách hàng. Ảnh: Dũng Minh.

Thêm nhiều lựa chọn từ giao dịch “không chạm”

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Không chỉ với thanh toán, chuyển tiền, hình thức gửi tiết kiệm “không tiếp xúc” cũng đang được các ngân hàng đẩy mạnh.

Gia tăng gửi tiết kiệm online

Chị Minh An, một khách hàng của Ngân hàng Bản Việt (VietCapital Bank) cho hay, đầu năm nay, chị tích cóp được 500 triệu đồng.

Do chưa đủ để mua căn hộ chung cư trả góp, chị phân vân giữa việc gửi ngân hàng hay mua vàng, USD. Sau khi tham khảo ý kiến của nhiều người, chị đã quyết định gửi tiết kiệm toàn bộ số tiền hiện có vào ngân hàng để chờ tích luỹ thêm vốn.

Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên chị An đã chọn hình thức gửi tiết kiệm online để tránh đi lại nhiều, tiếp xúc với nhiều người để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh, cũng như được hưởng lãi suất tốt hơn.

Không chỉ chị An, rất nhiều người đang chọn hình thức gửi tiết kiệm online. Đặc biệt khi hệ thống công nghệ của các ngân hàng đã phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng thực hiện nhiều giao dịch trên hệ thống ngân hàng trực tuyến.

Chẳng hạn, tại VietCapital Bank, theo Giám đốc Ngân hàng điện tử Đỗ Thành Nam, Ngân hàng triển khai tiện ích mở tài khoản thanh toán thông qua ứng dụng Mobile Banking và khách hàng hoàn toàn không phải đến trực tiếp trụ sở Ngân hàng để định danh.

Khách hàng chỉ cần tải ứng dụng Viet Capital Mobile banking trên App Store hoặc Google Play và thực hiện các thao tác: chụp ảnh giấy tờ tùy thân (chứng minh thư nhân dân), chụp ảnh trực tiếp khuôn mặt để định danh, sau đó đợi xác nhận bằng tin nhắn về số tài khoản và mật khẩu để đăng nhập.

Khách hàng kích hoạt thành công là có ngay một tài khoản và có thể gửi tiết kiệm online, chuyển, nhận tiền nhanh chóng, thanh toán đa dạng các loại hóa đơn, liên kết với các ví điện tử…

Ông Nam cho biết, hơn một năm qua, VietCapital Bank đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng về quy trình vận hành, giải pháp công nghệ mới và các biện pháp quản lý rủi ro thích hợp nên khách hàng rất dễ dàng và thuận tiện khi mở tài khoản.

VietCapital Bank là ngân hàng đầu tiên triển khai phương thức xác thực điện tử eKYC thông qua ứng dụng trên thiết bị di động bằng giải pháp TrueID của VNG.

Trong khi đó, tại NamA Bank, bên cạnh các sản phẩm ngân hàng điện tử như Open Banking, Mobile Banking còn đưa robot OPBA vào phục vụ giao dịch trên toàn hệ thống ngay từ những tháng đầu năm 2020.

Đại diện Nam A Bank cho biết, Ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai Onebank - hệ thống máy giao dịch qua video tự động cho phép khách hàng có thể mở tài khoản, nộp tiền tiết kiệm mà không phải đi đến quầy giao dịch.

Để khuyến khích khách hàng sử dụng giao dịch trực tuyến, các ngân hàng triển khai hàng loạt chương trình khuyến mãi. Chẳng hạn, lãi suất gửi tiết kiệm online thường cao hơn so với lãi suất gửi tiết kiệm tại quầy là 0,1-0,2%/năm.

Bên cạnh đó, hệ thống nhà băng cũng tăng cường các biện pháp bảo mật như sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), QR Pay, mã xác thực OTP… để khách hàng có thể yên tâm giao dịch trực tuyến.

Đẩy mạnh thanh toán không chạm

Thực tế, không phải đến khi có dịch Covid-19, câu chuyện đẩy mạnh chuyển đổi số, triển khai các dịch vụ ngân hàng điện tử, công nghệ thanh toán mới mới được các nhà băng quan tâm, mà nhiều năm nay được xem là vũ khí cạnh tranh trong ngành ngân hàng.

Dịch bệnh chỉ là chất xúc tác để các giao dịch ngân hàng điện tử, các phương thức thanh toán mới bùng nổ hơn mà thôi.

Từ nhiều năm nay, câu chuyện đẩy mạnh chuyển đổi số đã được các nhà băng quan tâm và coi là vũ khí cạnh tranh trong ngành ngân hàng. Dịch bệnh chỉ là chất xúc tác để các giao dịch ngân hàng điện tử, các phương thức thanh toán mới bùng nổ hơn mà thôi.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho hay, từ năm 2012, Ngân hàng đã đầu tư nâng cấp dịch vụ ngân hàng điện tử và công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt như hợp nhất nền tảng Internet Banking và Mobile Banking, tạo sự thuận tiện cho khách hàng sử dụng trên máy tính và thiết bị di động được đồng nhất.

Sacombank còn áp dụng công nghệ đi đầu tạo xu hướng thanh toán mới: Phát hành thẻ không tiếp xúc, thanh toán QR, chuyển tiền - nhận tiền bằng điện thoại di động, thanh toán không chạm...

Sacombank cũng triển khai nhiều dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt như nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử, chuyển tiền trong và ngoài nước, thanh toán các dịch vụ công (điện, nước, học phí, khám chữa bệnh...) trên các kênh điện tử.

Tháng 8 vừa qua, Sacombank ra mắt tính năng xác thực trực tuyến (eKYC) nhằm đơn giản các thủ tục, giảm thiểu thời gian đi lại, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng sử dụng dịch vụ.

Dự kiến trong tháng 11 này, Ngân hàng triển khai công nghệ HCE, biến điện thoại thông minh của khách hàng thành 1 chiếc thẻ EMV Contactless phi vật lý (thẻ ảo) để thanh toán không chạm.

Đến tháng 12, Sacombank sẽ triển khai công nghệ Tap to Phone, biến điện thoại thông minh thành một máy POS NFC, giúp doanh nghiệp chấp nhận thanh toán thẻ EMV Contactless nhanh chóng...

Nhìn nhận về câu chuyện “số hóa” trong ngành ngân hàng, ông Vũ Quang Lãm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigonbank cho rằng, chỉ trong vòng 3 năm tới, ngân hàng không đẩy mạnh “số hóa” sẽ khó có thể cạnh tranh được trên thị trường tài chính, vì lúc này các nhà băng đã đi vào hệ sinh thái số.

Theo ông Vũ, Saigonbank đã ý thức rõ được việc này nên đã có những bước đi bài bản. Thứ nhất, dịch vụ thẻ đã được thay đổi công nghệ, ra mắt app giao dịch thực hiện nhanh, mọi lúc, mọi nơi như các dịch vụ của nhà băng lớn khác.

Đồng thời, Saigonbank đẩy mạnh việc thanh toán phi tiền mặt trong lĩnh vực dịch vụ công khi kết hợp với các trường học ở các quận, huyện để thu học phí qua app và thẻ của Ngân hàng.

Từ thực tế thị trường hiện nay cho thấy, thanh toán không tiền mặt là xu thế không thể “đảo chiều”. Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, công nghệ 4.0 đã được ứng dụng mạnh mẽ trong lĩnh vực thanh toán, vấn đề an ninh, an toàn trong thanh toán luôn được quan tâm.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tập trung thực hiện một số giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không tiền mặt.

Theo đó, cơ quan này sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách; tập trung vào việc hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định số 101 về thanh toán phi tiền mặt, Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng, ban hành Thông tư hướng dẫn việc mở tài khoản thanh toán với định danh, xác thực khách hành bằng phương thức eKYC...

Tin bài liên quan