Bất động sản được tiếp thêm động lực
Cụ thể, Thông tư 32 mở rộng thêm nhóm đối tượng đã có đất ở phù hợp với quy hoạch, khó khăn về nhà ở, nhưng chưa được Nhà nước hỗ trợ vay để xây dựng hoặc sửa chữa lại nhà ở của mình. Ngoài ra, các hộ gia đình, cá nhân có phương án cải tạo hoặc xây dựng mới nhà ở xã hội phù hợp với các quy định của pháp luật để bán cho các đối tượng là công nhân, người lao động tại các cụm công nghiệp vừa và nhỏ, khu chế xuất, khu kinh tế… thuộc diện được giải quyết nhà ở xã hội cũng thuộc nhóm đối tượng được mở rộng cho vay vốn theo thông tư lần này.
Bên cạnh đó, cán bộ công chức, viên chức, cán bộ lực lượng vũ trang, người lao động có thu nhập thấp có khó khăn về nhà ở, khi mua nhà ở thương mại tại các dự án phát triển nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị trên địa bàn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt có tổng giá trị hợp đồng mua bán nhà (kể cả nhà và đất) không vượt quá 1,05 tỷ đồng cũng được vay vốn ưu đãi.
Đây là quy định mới so với quy định trước đây là chỉ được vay để mua nhà dưới 70 m2 và giá dưới 15 triệu đồng/m2 trước đây.
Về điều kiện được cho vay, Thông tư 32 quy định rõ hơn về mục đích khoản vay vốn của khách hàng, là phải dùng để trả khoản tiền chưa thanh toán thuê, thuê mua nhà ở xã hội phù hợp với các quy định. Đồng thời, các thành viên trong hộ gia đình vay vốn cũng phải cam kết chưa được vay vốn hỗ trợ theo quy định. Đặc biệt, Thông tư lần này tăng thời gian áp dụng lãi suất ưu đãi cho vay đối với khách hàng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại tối đa là 15 năm so với thời gian 10 năm được quy định trước đây.
Nhận định về Thông tư 32, ông Nguyễn Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) nêu quan điểm, Nghị quyết 61 của Chính phủ và Thông tư 32 của NHNN với các điều kiện về đối tượng cho vay được mở rộng, thời gian cho vay dài hơn sẽ giúp nhiều người dân có nhu cầu về nhà ở được tiếp cận gói ưu đãi này.
“MHB đã sẵn sàng cho việc triển khai Thông tư 32 từ nhiều tháng trước, kể từ khi Chính phủ thông qua Nghị quyết 61. Trong quá trình tham gia góp ý Dự thảo Thông tư 32, MHB cũng đã chuẩn bị, hệ thống hóa lại các văn bản về cho vay nhà ở xã hội để khi Thông tư chính thức có hiệu lực là có thể triển khai thực hiện trong hệ thống các chi nhánh, phòng giao dịch của Ngân hàng”, ông Nguyễn Ngọc Tâm nói.
Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP đang nỗ lực để được NHNN chỉ định cho vay trong chương trình này cũng kỳ vọng, khi Thông tư 32 chính thức có hiệu lực, sẽ tạo đà hỗ trợ thị trường bất động sản hồi phục nhanh hơn.
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Trần Đức Diễn, Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Maxland cho biết, Thông tư 32 mở rộng đối tượng cho vay mua nhà từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng sẽ giúp thanh khoản trên thị trường thời gian tới tăng mạnh. Trước đây, gói 30.000 tỷ đồng chỉ cho phép vay mua nhà ở xã hội, nhưng do nguồn cung nhà xã hội còn hạn chế nên ít người được vay. Nay quy định mới đã cho phép vay mua cả nhà ở thương mại, miễn là giá thấp hơn 1,05 tỷ đồng sẽ phù hợp với nhiều dự án mà Maxland đang mở bán.
“Nhiều khách hàng đang có nhu cầu vay vốn từ gói hỗ trợ này nhưng không được, nay lại được vay thì chúng tôi sẽ bán thêm được nhiều hàng nữa”, ông Diễn nói.
Vẫn còn nhiều băn khoăn
Dù rất hào hứng với Thông tư 32, nhưng vẫn còn không ít quan ngại. Ông Tâm chia sẻ, hoạt động cho vay đối với bất cứ sản phẩm tín dụng nào cũng tiềm ần rủi ro, tuy nhiên, mỗi rủi ro sẽ có biện pháp để phòng ngừa và hạn chế. Việc mở rộng các điều kiện vay vốn trong Thông tư 32 so với các quy định cũ không hẳn sẽ đem đến rủi ro cho ngân hàng, mà điều các ngân hàng e ngại là khung pháp lý về việc thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai.
Cụ thể, theo Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-NHNN-BXD-BTP-BTNMT ngày 25/4/2014 về Hướng dẫn thủ tục thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai: “Tổ chức, cá nhân mua nhà ở hình thành trong tương lai của DN kinh doanh bất động sản trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở (bao gồm cả tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở) và thế chấp để vay vốn mua chính nhà ở đó hoặc mua nhà ở khác của DN kinh doanh bất động sản trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở”.
“Như vậy, Thông tư 01 không áp dụng đối với nhà ở hình thành trong tương lai của hộ gia đình, cá nhân được xây dựng trên khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp để vay vốn tại các tổ chức tín dụng. Do đó, cá nhân sẽ được vay vốn ưu đãi theo chương trình 30.000 tỷ đồng để xây dựng, sữa chữa nhà nhưng khi thực hiện thủ tục thế chấp, đăng ký giao dịch đảm bảo tài sản hình thành từ vốn vay lại không thực hiện được. Điều này gây khó cho ngân hàng trong việc giải thích cho khách hàng và dễ khiến khách hàng hiểu nhầm là ngân hàng gây ‘khó’!”, ông Tâm nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo ông Diễn, muốn vay kiểu gì cũng phải có xác nhận của địa phương, mà điều này thì tại nhiều chính quyền địa phương vẫn rất khó khăn trong xác nhận.
Đồng tình với ý kiến trên, anh Lê Thanh Hải (Cổ Nhuế, Hà Nội), đang có hàng trăm m2 đất muốn xây nhà cho sinh viên thuê, đã rất phấn khởi đón nhận thông tin trên, nhưng lại lo ngại về thủ tục vay vốn không dễ.
“Sổ đỏ của thửa đất là tài sản chung của bố mẹ cho mấy anh em, nên không dễ để mang đi thế chấp ngân hàng vay tiền, vì mình chỉ định xây nhà cho thuê trên phần đất của mình thôi”, anh Hải phân trần và cho rằng, nếu không có hướng dẫn cụ thể hơn thì anh cũng khó vay được tiền.
Anh Đặng Mạnh Tuyên, là công nhân quốc phòng một nhà máy quân đội tại Đông Anh cũng muốn được vay tiền để xây dựng lại căn nhà cấp 4 của mình. Anh tỏ ra rất phấn khởi khi được biết sẽ được vay tiền làm nhà mới với thời gian lên tới 15 năm và lãi suất ưu đãi. Nhưng lo lắng nhất vẫn là những quy định từ phía ngân hàng.
“Vay được hay không nhiều khi còn phụ thuộc vào những quy định do ngân hàng đưa ra”, anh Tuyên nói, nhưng vẫn bày tỏ quyết tâm sẽ làm hồ sơ thủ tục để vay ngay từ cuối tháng 11 này.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: Phía Bắc: Anh Trọng Hiếu (0904.405.665). Phía Nam: Anh Tăng Triển (0989.108.610). Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com Phát hành Hà Nội: 47 Quán Thánh, Ba Đình - ĐT: 04 38450537/Fax: 04 38235281 |