Mới đây, VDSC đã chính thức trở thành thành viên thứ 10 trên thị trường chứng khoán phái sinh.

Mới đây, VDSC đã chính thức trở thành thành viên thứ 10 trên thị trường chứng khoán phái sinh.

Thêm nhân tố mới trên sàn phái sinh

(ĐTCK) Cuối tháng 8 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh cho Công ty Chứng khoán ACB (ACBS). Sau khi có quyết định chấp thuận của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) với ACBS, số lượng thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh trên HNX sẽ tăng lên 11 công ty.

Trước ACBS, HNX đã chấp thuận tư cách thành viên giao dịch thị trường chứng khoán phái sinh đối với Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC).

Trong những tháng cuối năm, dự kiến, thị trường chứng khoán phái sinh sẽ đón thêm một số thành viên giao dịch mới. HNX cho biết, Sở vừa tiếp nhận hồ sơ đăng ký làm thành viên giao dịch thị trường chứng khoán phái sinh của Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MAS), có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng và Công ty Chứng khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank Securities – CTS), có vốn điều lệ 976 tỷ đồng. Sở đang xem xét các hồ sơ này theo quy định.

Trong tháng 8, mặc dù giao dịch trên thị trường giảm so với tháng trước, tuy nhiên số lượng tài khoản giao dịch phái sinh vẫn tiếp tục tăng lên. Tại thời điểm cuối  tháng 8, số lượng tài khoản giao dịch phái sinh đạt 43.453 tài khoản, tăng 9,64% so với tháng trước.

Hoạt động giao dịch vẫn tập trung chủ yếu ở các nhà đầu tư cá nhân trong nước (98,7%). Sự tham gia của nhà đầu tư tổ chức trong nước chỉ chiếm khoảng 0,76% khối lượng giao dịch toàn thị trường.

Trong đó, hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán giảm so với tháng 7, chiếm 0,71% khối lượng giao dịch. Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 8 tăng 12,4% so với tháng 7, tuy nhiên cũng chỉ chiếm 0,13% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường.

Hiện số lượng thành viên giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh gồm các công ty chứng khoán sau: BSC, SSI, MBS, VCBS, HSC, VND, VPBS, VDSC, KIS, VCSC.

Ngoài MAS và CTS đã nộp hồ sơ đăng ký, thực tế vẫn còn nhiều công ty chứng khoán đủ hoặc sắp đủ điều kiện về vốn điều lệ để tham gia sân chơi phái sinh như AGR, SBS, SHS, FPTS, Chứng khoán IB, BVSC.

Một số công ty chứng khoán cho biết lộ trình cụ thể để tiến tới trở thành thành viên của thị trường. CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) vừa hoàn tất quá trình sáp nhập với CTCP Chứng khoán SHB (SHBS).

Theo kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua, năm 2018, SHS sẽ phát hành thêm cổ phần để tăng vốn điều lệ lên 2.070 tỷ đồng. Cùng với việc tăng tỷ lệ an toàn tài chính, SHS sẽ đảm bảo được điều kiện trở thành thành viên bù trừ chung và dự kiến sẽ chính thức bước vào “sân chơi” phái sinh từ cuối năm 2018.

Với nhu cầu của các nhà đầu tư về phái sinh ngày càng lớn, không riêng gì các công ty chứng khoán lớn, mà hầu hết các công ty trong ngành đều đang phấn đấu để đạt được tiêu chuẩn để gia nhập thị trường sôi động này.

Tuy nhiên, một số công ty sẽ phải chờ đợi thời gian khá dài mới có thể tham gia vào thị trường này bởi khoản lỗ lũy kế ăn mòn đáng kể vốn chủ sở hữu. Công ty Chứng khoán Agribank (AGR), Công ty Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS), CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI), CTCP Chứng khoán Everest… là những doanh nghiệp còn khoảng cách xa mới đến sàn phái sinh.

Theo Điều 4, Nghị định 42/2015/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh, việc kinh doanh chứng khoán phái sinh của tổ chức kinh doanh chứng khoán phải được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh.

Để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh, công ty chứng khoán phải được cấp phép đầy đủ nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán theo quy định tại Luật Chứng khoán.

Đối với hoạt động tự doanh chứng khoán phái sinh, công ty chứng khoán phải có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu từ 600 tỷ đồng trở lên. Còn đối với hoạt động môi giới chứng khoán phái sinh, công ty chứng khoán phải có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu từ 800 tỷ đồng trở lên và được phép thực hiện hoạt động tự doanh chứng khoán phái sinh.

Đối với hoạt động tư vấn chứng khoán phái sinh, công ty chứng khoán phải có vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ không thấp hơn vốn pháp định theo quy định pháp luật về chứng khoán.

Trường hợp đăng ký kinh doanh cả hoạt động tư vấn, môi giới và tự doanh chứng khoán phái sinh, vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán phải đạt tối thiểu từ 800 tỷ đồng trở lên. Đối với việc cung cấp dịch vụ bù trừ chung, tiêu chí cao hơn khi vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán phải trên 1.200 tỷ đồng.

Ngoài ra, công ty chứng khoán cũng cần có hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng quy định về hạ tầng công nghệ thông tin kết nối đến Sở Giao dịch chứng khoán và đảm bảo yêu cầu kết nối với hệ thống giao dịch chứng khoán phái sinh của Sở Giao dịch chứng khoán.

Tin bài liên quan