Nhà máy mới của Ariston Thermo tại Khu công nghiệp Tiên Sơn (Bắc Ninh) có tổng vốn đầu tư 18 triệu USD

Nhà máy mới của Ariston Thermo tại Khu công nghiệp Tiên Sơn (Bắc Ninh) có tổng vốn đầu tư 18 triệu USD

Thêm nhà máy 18 triệu USD tại Bắc Ninh

Nhà máy sản xuất bình nước nóng của Ariston Thermo (Italy) vừa chính thức được khánh thành tại Khu công nghiệp Tiên Sơn (tỉnh Bắc Ninh) vào cuối tuần trước. 

Với tổng vốn đầu tư không lớn, chỉ 18 triệu USD, song dự án này, có thể nói đã thêm một lần nữa khẳng định điểm đến đầu tư Việt Nam như là “một cây cầu”, để từ đó hàng hóa Italy vươn đến các thị trường lớn khác ở châu Á, như lời của Đại sứ Italy tại Việt Nam Lorenzo Angeloni.

“Tôi thực sự muốn nhấn mạnh về vai trò của Việt Nam, về khả năng thực hiện vai trò của một nước đầu mối sản xuất, một nền tảng lý tưởng ở Đông Nam Á, để từ đó đưa các sản phẩm của mình vào các thị trường lân cận cũng như các thị trường còn lại ở châu Á”, Đại sứ Lorenzo Angeloni đã phát biểu như vậy khi tham dự Lễ khánh thành Nhà máy Ariston.

Điều này có lẽ cũng tương đồng như phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trong chuyến thăm châu Âu mới đây, khi tới tham dự Lễ khai trương Văn phòng Đại diện kinh tế - thương mại Việt Nam tại vùng Lombardy (Italy). Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn và tin cậy cho các doanh nghiệp Italy, bởi Việt Nam nằm ở vị trí trung tâm ASEAN, có chế độ chính trị và xã hội ổn định, các chi phí kinh doanh có tính cạnh tranh cao. “Và đặc biệt, Việt Nam sẽ là cửa ngõ để Italy phát triển quan hệ kinh tế, thương mại với khu vực Đông Nam Á”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

Đó có lẽ cũng là một trong những lý do quan trọng khiến lãnh đạo Tập đoàn Ariston Thermo, nhà sản xuất bình nước nóng hàng đầu thế giới (với doanh thu năm 2013 đạt 1,33 tỷ euro) quyết định mở rộng đầu tư tại Việt Nam, sau nhà máy đầu tiên cũng được xây dựng tại Bắc Ninh vào năm 2004.

“Tính đến nay, chúng tôi đã đầu tư ở Việt Nam khoảng 30 triệu USD, bao gồm cả chi phí cho quảng cáo, làm thương hiệu”, ông Paolo Merloni, Chủ tịch Tập đoàn Ariston Thermo nói và cho biết thêm, nhà máy mới sẽ có công suất 1 triệu máy nước nóng dùng điện/năm.

“Đây là con số không nhỏ. Và 70% sản phẩm dự định sẽ được tiêu thụ tại thị trường Việt Nam; 30% sản phẩm còn lại sẽ được xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, trong chiến lược của chúng tôi, Ariston Thermo sẽ tập trung hơn nữa vào việc xuất khẩu hàng hóa ra thị trường nước ngoài. Lúc đó, tỷ lệ xuất khẩu sẽ tăng lên, chứ không còn chỉ là 30% như kế hoạch ban đầu”, ông Paolo Merloni nói và khẳng định, trong mục tiêu của mình, Ariston mong muốn hợp tác với các nhà cung ứng Việt Nam để có thể nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

Ariston hiện nắm giữ thị phần số 1 tại Việt Nam về bình nước nóng. Tập đoàn này cũng là một trong số những doanh nghiệp lớn của Italy có đầu tư tại Việt Nam. Ngoài Ariston, thì Piaggio cũng là nhà đầu tư Italy khá nổi tiếng ở Việt Nam, với kế hoạch rót khoảng 70 triệu Euro vào Việt Nam trong giai đoạn 2012 - 2014.

Tuy nhiên, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đầu tư của Italy vào Việt Nam hiện còn khá khiêm tốn, với lũy kế đến hết tháng 3/2014, có 53 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 284 triệu USD. Con số này được cho là chưa tương xứng với tiềm năng và hiện nhiều nhà đầu tư Italy đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Việt Nam.

“Chúng tôi đầu tư tại Việt Nam, bởi vì có một tầm nhìn dài hạn, một niềm tin lâu dài đối với thị trường Việt Nam. Quan điểm của chúng tôi là không muốn cưỡi sóng, mà là muốn xây dựng gốc rễ vững chắc của Ariston tại thị trường Việt Nam”, ông Paolo Merloni khẳng định.

Tin bài liên quan