Tại Việt Nam, chưa có nhiều công ty bảo hiểm tập trung phát triển thương hiệu trên nền tảng số

Tại Việt Nam, chưa có nhiều công ty bảo hiểm tập trung phát triển thương hiệu trên nền tảng số

Thêm nhà bảo hiểm bỏ cách kinh doanh truyền thống?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Ngành bảo hiểm đang tăng cường số hóa trong bối cảnh công nghệ bùng nổ và có thêm doanh nghiệp chuyển đổi hoàn toàn chiến lược kinh doanh trên nền tảng số.

Thêm một sự dấn thân

Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư chứng khoán, một hãng bảo hiểm phi nhân thọ đang có thị phần doanh thu phí bảo hiểm trong tốp 10 sẽ thay đổi hoàn toàn chiến lược kinh doanh theo hướng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm cho khách hàng doanh nghiệp và trên nền tảng số. Chiến lược mới này sẽ được thực hiện ngay trong năm 2025, sau khi được đại hội cổ đông phê duyệt.

Dù không phải là công ty bảo hiểm đầu tiên và duy nhất chuyển đổi mục tiêu phát triển doanh nghiệp trên nền tảng công nghệ và số hóa, nhưng trên thị trường bảo hiểm Việt Nam cũng chưa có nhiều cái tên tập trung phát triển thương hiệu theo chiến lược này.

Mới đây, OPES - một hãng bảo hiểm chủ trương đầu tư vào công nghệ, thông báo đã được Bộ Tài chính phê duyệt tăng vốn điều lệ từ 1.265 tỷ đồng lên 1.900 tỷ đồng. Ngay từ khi thành lập, công ty bảo hiểm này tập trung đầu tư vào công nghệ, cung cấp sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ trên nền tảng số, mở rộng tệp khách hàng từ cá nhân đến doanh nghiệp.

Năm 2024, OPES ghi nhận hơn 410 triệu hợp đồng bảo hiểm trực tuyến, tăng gần 4 lần so với năm 2023, với hơn 20 triệu khách hàng tích lũy; doanh thu đạt hơn 3.200 tỷ đồng, tăng 96% và lợi nhuận trước thuế đạt 473 tỷ đồng, tăng 203%.

Ông Nguyễn Hữu Tự Trí - Phó tổng giám đốc thường trực OPES cho biết, doanh nghiệp này sẽ tập trung đầu tư vào công nghệ, ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo), Big Data (dữ liệu lớn) để tối ưu quy trình, nâng cao trải nghiệm khách hàng. Đồng thời, hướng đến xây dựng hệ sinh thái bảo hiểm số toàn diện, hợp tác với các đối tác chiến lược trong và ngoài nước để phát triển sản phẩm linh hoạt, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường...

Ngoài OPES, trên thị trường còn có Bảo hiểm Tasco cung cấp dịch vụ bảo hiểm xe cơ giới trên nền tảng số. Đây cũng là điểm khác biệt lớn nhất giữa dịch vụ bảo hiểm của Tasco và các dịch vụ bảo hiểm phổ biến khác trên thị trường.

Việc tập trung vào phân khúc bảo hiểm cho khách hàng doanh nghiệp và phát triển trên nền tảng số hứa hẹn mang lại cơ hội tăng trưởng doanh thu nhanh và bền vững cho doanh nghiệp bảo hiểm, nhất là với những doanh nghiệp quy mô còn nhỏ hoặc mới gia nhập thị trường, nhưng cũng sẽ đối mặt với không ít thách thức

Ứng dụng công nghệ để tạo lợi thế cạnh tranh không chỉ giúp doanh nghiệp tự động hóa quy trình cấp hợp đồng, xử lý bồi thường nhanh chóng, phân tích dữ liệu để đánh giá rủi ro chính xác hơn, mà còn bớt phụ thuộc vào đội ngũ bán hàng truyền thống, thay vào đó là mô hình bán bảo hiểm trực tuyến và có thể cắt giảm chi phí quản lý nhờ tự động hóa và công nghệ AI.

Tuy nhiên, những doanh nghiệp này vẫn phải cạnh tranh với các đối thủ lớn như Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo hiểm PVI, Bảo hiểm BIDV (BIC), Bảo hiểm Quân đội (MIC)… đều đã đầu tư mạnh vào nền tảng số. Ngoài ra, khách hàng cũng thường lựa chọn bảo hiểm từ những công ty có thương hiệu mạnh và bề dày kinh nghiệm… Chính vì vậy, khi các hãng bảo hiểm mới quyết định dấn thân vào “cuộc chơi” tốn kém và cần đầu tư dài hơi này thì luôn cần có một chiến lược rõ ràng và khác biệt để tạo dấu ấn trên thị trường. Không chỉ đơn thuần đầu tư vào công nghệ, các “tân binh” này phải tìm ra lợi thế cạnh tranh độc đáo, chẳng hạn tập trung vào một phân khúc khách hàng cụ thể, cung cấp sản phẩm bảo hiểm linh hoạt hơn, hoặc áp dụng công nghệ tiên tiến để tối ưu trải nghiệm người dùng… Đồng thời, thay vì cạnh tranh trực tiếp với các “ông lớn’, có thể hợp tác với các nền tảng số, ngân hàng, Fintech (công ty công nghệ tài chính)…, tận dụng kênh phân phối kỹ thuật số để tiếp cận khách hàng nhanh chóng hơn.

Cần thời gian để trả lời tính hiệu quả của xu hướng số hóa toàn bộ dịch vụ bảo hiểm, nhưng điều này cũng cho thấy, cách kinh doanh truyền thống không còn đủ hấp dẫn.

Ai sẽ bị bỏ lại phía sau?

Cần thời gian để trả lời tính hiệu quả của xu hướng số hóa toàn bộ dịch vụ bảo hiểm, nhưng điều này cũng cho thấy, cách kinh doanh truyền thống không còn đủ hấp dẫn.

Trong cuộc đua chuyển đổi số, AI được đánh giá sẽ trở thành công cụ quan trọng giúp các công ty bảo hiểm nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm thời gian xử lý hồ sơ và đảm bảo tính minh bạch… Tuy nhiên, khi việc ứng dụng công nghệ vào các hoạt động của doanh nghiệp ngày càng mạnh mẽ hơn, một trong những thay đổi dễ thấy nhất là sự cắt giảm nhân sự ở các bộ phận giao dịch trực tiếp.

Nếu như trước đây, khách hàng phải đến văn phòng để nộp hồ sơ bảo hiểm, thì nay, họ có thể làm mọi thứ qua ứng dụng online. Điều này dẫn đến sự dư thừa nhân sự ở các vị trí như giao dịch viên, tổng đài viên, nhân viên xử lý hồ sơ… Sự thay đổi này có thể dễ dàng nhận thấy nhất ở các công ty bảo hiểm nhân thọ.

Theo một chuyên gia bảo hiểm, các đợt cắt giảm nhân sự trên thị trường bảo hiểm Việt Nam thời gian qua, đặc biệt tại các công ty bảo hiểm nhân thọ, chỉ đơn thuần là để cắt giảm chi phí, chứ không liên quan đến câu chuyện công nghệ sẽ thay thế con người. “Làn sóng” ứng dụng công nghệ vào bảo hiểm tuy có ảnh hưởng tới việc tuyển dụng nhân sự một số bộ phận nhất định, nhưng không nhiều. Trong tương lai gần vẫn chưa có ứng dụng AI thực sự trong ngành bảo hiểm nhân thọ.

Tuy nhiên, về lâu dài, nhóm công việc có nguy cơ cao bị thay thế bởi AI có thể kể đến là nhân viên xử lý yêu cầu bồi thường (AI có thể tự động phân tích hình ảnh, báo cáo và đánh giá tổn thất nhanh chóng); nhân viên nhập liệu, thu thập thông tin (chatbot và phần mềm AI có thể đảm nhiệm công việc này mà không cần con người); nhân viên tổng đài và hỗ trợ khách hàng cơ bản (chatbot AI có thể trả lời các câu hỏi đơn giản 24/7); nhân viên định giá rủi ro cơ bản (AI có thể xử lý khối lượng lớn dữ liệu lớn và đưa ra đánh giá rủi ro chính xác hơn).

Ngược lại, nhóm công việc ít chịu ảnh hưởng hoặc có tiềm năng phát triển là chuyên gia AI & dữ liệu (các công ty bảo hiểm cần đội ngũ kỹ sư AI, khoa học dữ liệu để phát triển và tối ưu hệ thống); nhà phân tích rủi ro nâng cao (AI đưa ra dữ liệu, nhưng con người vẫn quyết định dựa trên kinh nghiệm và hiểu biết thực tế); nhân viên tư vấn bảo hiểm (khách hàng vẫn cần sự tư vấn chuyên sâu để chọn gói bảo hiểm phù hợp); chuyên gia pháp lý và đạo đức AI (đảm bảo AI không gây ra bất công hoặc sai lệch trong quá trình đánh giá và xử lý hồ sơ)…

Theo các chuyên gia, các ứng dụng công nghệ nói chung và AI nói riêng có thể thay thế các công việc lặp lại, nhưng cũng mở ra cơ hội mới cho những ai sẵn sàng nâng cấp kỹ năng. Thực tế, mua bảo hiểm là một quyết định tài chính quan trọng, khách hàng vẫn cần sự tư vấn từ con người để cảm thấy an tâm. Đại lý bảo hiểm có thể xây dựng quan hệ lâu dài với khách hàng, điều mà AI không thể làm tốt. Các ứng dụng công nghệ cũng không thể thay thế con người tư vấn các gói bảo hiểm phức tạp, khách hàng muốn giải thích kỹ về điều khoản, quyền lợi và rủi ro, điều mà AI khó có thể trình bày linh hoạt như con người. Tuy vậy, để đạt được thành công trong thời đại công nghệ bùng nổ như hiện nay, các công ty bảo hiểm sẽ vẫn sử dụng AI như là một trợ lý “ảo” đắc lực cho con người, giúp tối ưu trải nghiệm khách hàng, chứ không thể thay thế toàn bộ hoạt động của con người.

Tin bài liên quan

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu