Theo đó, trữ lượng gió của Việt Nam ước tính đạt 513.360 MW, hơn gấp 6 lần tổng công suất ước tính của toàn ngành điện vào năm 2020.
Tuy nhiên, trên thực tế, đến thời điểm này, tổng công suất lắp đặt của các dự án điện gió ở Việt Nam mới chỉ đạt được hơn 159 MW và trong gần 50 dự án điện gió đăng ký tại Việt Nam mới chỉ có 4 dự án chính thức vận hành thương mại.
Chìa khóa mở ra cánh cửa phát triển bền vững
Đầu tư vào năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió, từ lâu đã là một xu hướng được các nước phát triển trên thế giới quan tâm đẩy mạnh nhằm hướng tới phát triển bền vững.
Hiện tại, khu vực châu Âu, gần 50% các dự án phát triển điện mới là dự án điện gió. Tại Trung Quốc, trong tháng 3 vừa qua, chính quyền cũng đã cho đóng cửa nhà máy nhiệt điện chạy than cuối cùng tại thủ đô Bắc Kinh để chuyển sang dùng điện tái tạo và điện chạy bằng khí gas.
Theo Báo cáo mới nhất của IEA trên phạm vi toàn cầu: Trong năm 2016, đầu tư vào phong điện và điện mặt trời đã lớn gấp 2 lần đầu tư vào điện sản xuất bằng nhiên liệu hóa thạch.
Cũng theo Báo cáo này, ước tính phong điện, điện mặt trời và điện khí gas sẽ thay thế hoàn toàn điện than trong 25 năm tới.
Ở Việt Nam, sự khởi sắc của nền kinh tế từ sau Đổi Mới làm nhu cầu về điện gia tăng đột biến trong khi năng lực cung ứng chưa phát triển kịp thời.
Cụ thể, Bộ Công thương cũng đã đưa ra dự báo tốc độ tăng trưởng điện sản xuất bình quân của Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2020 là 10,7%/năm và giai đoạn 2021-2025 là 8,6%/ năm.
Và với nhu cầu điện năng ngày càng tăng, Việt Nam cũng đang từng bước coi việc đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, trong đó có phong điện là “chìa khóa” để giải quyết bài toán về an ninh năng lượng
Trong Quy hoạch điện Quốc gia điều chỉnh giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18/3/2016, mục tiêu phát triển điện gió của Việt Nam được đặt ra là tổng công suất nguồn điện gió đạt 800 MW vào năm 2020, đạt 2.000 MW năm 2025 và đạt khoảng 6.000 MW năng lượng gió vào năm 2030.
Cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư điện gió
Mặc dù tiềm năng và quy hoạch là vậy, nhưng do công suất đầu tư lớn, giá thành sản xuất khá cao, thời gian thu hồi vốn lâu, giá phát điện chưa hợp lý đang là những lý do khiến cho con số dự án điện gió chính thức đi vào hoạt động còn thấp hơn rất nhiều so với số dự án đăng ký và so với tiềm năng gió tại Việt Nam.
Và để khuyến khích và thu hút các nhà đầu tư hướng tới lĩnh vực năng lượng sạch này, nhiều cơ chế đã được đưa ra và tính tới.
Cụ thể, ngoài Quyết định 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, những cam kết của Ngân hàng thế giới cho khu vực tư nhân Việt Nam tham gia ngành năng lượng tái tạo và đặc biệt, việc Bộ Công Thương đề xuất tăng giá mua điện gió tại Việt Nam lên mức 8,77 cent một kWh với dự án trên bờ và dự án trên biển là 9,95 cent một kWh so với mức giá 7,8 cent được áp dụng từ năm 2011 đến nay cũng đang được xem là một tín hiệu đáng mừng đối với ngành công nghiệp điện gió tại Việt Nam.
Thêm một dự án sẽ lên lưới vào cuối năm 2018?
Nắm bắt xu hướng chung của thế giới cũng như định hướng khuyến khích, ưu đãi đầu tư của Chính Phủ, 04 trong số 50 dự án điện gió được đăng ký đầu tư tại Việt Nam đã đi vào vận hành thương mại với tổng công suất 159,2 MW.
Các công tác động thổ, rà phá bom mìn, thi công các hạng mục phụ trợ, tiến hành lựa chọn nhà thầu Tư vấn quốc tế hỗ trợ thực hiện quản lý Dự án Nhà máy Phong điện Phương Mai 3 đang tích cực được triển khai để đảm bảo tiến độ lên lưới vào cuối năm 2018 .
Mới đây nhất, dự án Nhà máy phong điện Phương Mai 3 tại Khu kinh tế Nhơn Hội (Quy Nhơn – Bình Định) có công suất dự kiến là 30M, bao gồm 14 tuabin với tổng mức đầu tư 45 triệu USD do Công ty HALCOM cùng với đơn vị thành viên của mình là Công ty Phong điện miền Trung tiến hành đầu tư xây dựng.
Doanh thu dự kiến của dự án đạt 200 tỷ/năm.
Dự án đã cơ bản hoàn thiện đầy đủ các văn bản pháp lý, đã giải phóng mặt bằng và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Hiện tại, Chủ đầu tư cũng đang tích cực tiến hành chọn lựa nhà thầu Tư vấn quốc tế để hỗ trợ cập nhật báo cáo nghiên cứu khả thi và thực hiện Quản lý cho Dự án Nhà máy Phong điện Phương Mai 3 đến từ các quốc gia có nền khoa học kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại EU và Bắc Mỹ.
Bên cạnh đó, công tác thi công tại hiện trường như rà phá bom mìn, vật nổ đã được hoàn thành, các hạng mục công trình phụ trợ cũng đang được gấp rút triển khai và hoàn thành trước tháng 4/2018 sẵn sàng cho việc thi công các hạng mục chính đảm bảo phát điện lên lưới vào cuối năm 2018.
Khi hoàn thành, dự án dự kiến sẽ cung cấp lên lưới trên 100 triệu Kwh/năm và giảm phát thải khoảng 50 nghìn tấn CO2/năm, qua đó không chỉ mang lại ý nghĩa đối với ngành năng lượng điện gió tại Việt Nam nói chung, tỉnh Bình Định nói riêng mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động.