Khách nghỉ ngắn ngày và chi tiêu thấp
Theo số liệu của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, năm 2013, ngành du lịch của tỉnh phục vụ 12,5 triệu lượt khách, với doanh thu đạt 2.895 tỷ đồng. Như vậy, bình quân mỗi lượt du khách chỉ chi tiêu hơn 230.000 đồng.
Anh Lý Thành Danh, ở ấp Bàu Cá, xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, Đồng Nai cho biết, ngày 5 Tết Giáp Ngọ vừa rồi, xóm anh có tới 40 người đi du lịch Vũng Tàu. Tất cả mọi người đều mang theo đồ ăn, thức uống. Nhưng sau khi khảo giá các cơ sở lưu trú, chỉ có 6 người bỏ tiền nghỉ tại một khách sạn trên đường Lê Văn Lộc, với giá 250.000 đồng/phòng/đêm, số còn lại thì qua đêm ngoài trời tại Bãi Sau. Tính chung toàn đoàn, mức chi tiêu chỉ khoảng 50.000 đồng/người/ngày.
Bà Rịa - Vũng Tàu thu hút một số lớn khách từ các thành phố lân cận có mật độ dân cư cao, như TP.HCM, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, trong đó chiếm tỷ trọng khá lớn là nhóm người có mức thu nhập trung bình và thấp. Những đối tượng khách này thường lưu trú ngắn ngày, chi tiêu thấp. Vào những dịp lễ, Tết, các bãi tắm kín người, trên bờ vào ban đêm cũng kín chỗ do du khách tự tổ chức ăn nhậu và vui chơi.
Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ có vài điểm du lịch và du khách chỉ cần một ngày là đủ khám phá hết. Đây được xem là nguyên nhân chính làm cho Bà Rịa - Vũng Tàu chưa trở thành một thành phố du lịch cho những kỳ nghỉ dài ngày.
Tình trạng bát nháo các loại nhà nghỉ tư nhân đang ảnh hưởng đến kinh doanh của hệ thống khách sạn. Bà Trương Thị Hường, Phó chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu cho biết, trong dịp lễ cao điểm, có tới 10 - 15% du khách tá túc trong những nhà nghỉ hình thành bột phát từ các quán cà phê, phòng trọ. Những nhà nghỉ kiểu này không có giấy phép đăng ký kinh doanh, không đảm bảo các yếu tố an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, vệ sinh dịch tễ…
Giữ chân du khách - bài toán khó
Bà Rịa - Vũng Tàu quanh năm đón ánh nắng mặt trời, thời tiết mát mẻ, nhưng du lịch lại chia ra rất rõ rệt mùa cao điểm và mùa thấp điểm. Mùa cao điểm thường là trước và sau Tết Nguyên đán, kỳ nghỉ hè và những dịp lễ ngắn ngày như Quốc khánh, Tết Dương lịch. Công suất buồng phòng mùa cao điểm đạt bình quân trên 70%, trong đó, những ngày lễ lớn, các cơ sở lưu trú, các khu du lịch thường bị quá tải. Tuy nhiên, mùa thấp điểm, công suất buồng phòng không đạt quá 30%.
Năm 2003, các khu du lịch lớn của Bà Rịa - Vũng Tàu như Vietsovpetro Resort, Carmelina Beach Resort và Spa, Hotram Trip… đi vào hoạt động đã tạo ra những sản phẩm du lịch mới, mang nét riêng và đặc sắc cho ngành du lịch của tỉnh. Tuy nhiên, đây là những nơi dành cho đối tượng có thu nhập cao, nên chưa giải quyết được tình trạng quá tải vào dịp lễ, Tết.
Làm thế nào để không bị quá tải vào dịp lễ, Tết và vẫn có khách cho ngày thường là câu hỏi đặt ra cho lãnh đạo và ngành du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu, bởi phần đông khách du lịch vào dịp lễ, Tết.
Trong một cuộc họp bàn giải pháp phát triển du lịch mới đây, ông Hồ Văn Niên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: “Tỉnh sẽ giữ nguyên quy hoạch các dự án du lịch bị thu hồi do các nhà đầu tư chậm trể triển khai, tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư khác. Trường hợp không tìm được nhà đầu tư mới, tỉnh sẽ đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách”.
Để đẩy mạnh phát triển du lịch, theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu, trước hết, cần xử lý những vướng mắc về thủ tục. “Hiện có khoảng 2/3 số dự án du lịch tại địa phương bị vướng mắc về thủ tục, trong đó chủ yếu là vướng về thủ tục đất đai”, ông Sơn cho biết.
Ngoài những gì của thiên nhiên ban tặng, thì Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn thiếu những tiện ích phục vụ đời sống tinh thần cho du khách. Kinh phí ngân sách đã chi cho một số hoạt động lễ hội, nhưng các lễ hội hiện tại chỉ mang tính hình thức, nên du khách và người dân khó tham gia.
Bên cạnh đó, Bà Rịa - Vũng Tàu hiện chưa có chợ nào có diện mạo và hoạt động xứng đáng với tên gọi chợ du lịch. Anh Adam Fargason, một người Mỹ đã sống ở Vũng Tàu hơn 1 năm nhận xét: “Bà Rịa - Vũng Tàu là một nơi để sống, chứ chưa thực sự là một nơi du lịch. Chợ đêm cần bố trí tại nơi đông dân cư, để người dân có thể bán hàng qua đêm và sống tại chỗ”.
Trong khi đó, anh Marty Caffrey, người Scotland, đã sống ở Vũng Tàu trong 9 tháng, nhận định: “Những điểm du lịch ở Bà Rịa - Vũng Tàu chưa có bề dày lịch sử, nên du lịch di sản ở đây chưa thực sự gây ấn tượng cho du khách bằng những nơi khác. Chính vì vậy, ngành du lịch địa phương cần đẩy mạnh phát triển các loại hình giải trí hiện đại”.
Trong chuyến du lịch Hàng Châu (Trung Quốc) mới đây, chúng tôi đã được một nhóm nghiên cứu phát triển du lịch đề nghị trả lời những câu hỏi trắc nghiệm và xin ý kiến nhận xét về du lịch tại địa phương. Nên chăng, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cần có những cuộc khảo sát như vậy để xây dựng định hướng phát triển du lịch tốt hơn, gần với nhu cầu của du khách hơn.