> An toàn giao dịch phải bắt đầu từ ý thức tuân thủ của CTCK
Việc Trung tâm Lưu ký (VSD) đình chỉ tạm thời hoạt động thanh toán bù trừ giao dịch chứng khoán của CTCK Golden Bridge Việt Nam (GBVS) trong thời hạn 10 ngày, đồng thời hủy thanh toán giao dịch đối với các giao dịch trong ngày 4 và 5/9, theo VSD chưa phải là biện pháp xứ lý cuối cùng. Nếu GBVS không khắc phục được hậu quả do hành vi vi phạm gây ra, VSD sẽ xử lý chặt tay hơn, dẫu biết rằng, việc áp dụng các biện pháp mạnh khó tránh khỏi tác động không tích cực đến các bên liên quan. Về dài hạn, VSD đang tìm kiếm các giải pháp căn cơ hơn nhằm giảm thiểu tác động không mong muốn khi áp dụng biện pháp hủy thanh toán giao dịch đối với các thành viên lưu ký (TVLK).
Từ đầu năm đến nay, GBVS đã 8 lần vi phạm nghĩa vụ thanh toán
Tại sao
Ngày 10/9, VSD ban hành quyết định đình chỉ tạm thời hoạt động thanh toán bù trừ giao dịch chứng khoán của GBVS từ ngày 11 - 20/9/2012, trừ việc thanh toán giao dịch của các ngày 6, 7 và 10/9/2012, do trong thời gian bị đình chỉ tạm thời hoạt động lưu ký, GBVS vẫn tiếp tục mất khả năng thanh toán tiền, dẫn đến phải thực hiện hủy thanh toán giao dịch, gây tổn thất cho khách hàng và gây nguy hại cho hệ thống thanh toán chứng khoán của VSD.
VSD yêu cầu GBVS khắc phục ngay tình trạng mất khả năng thanh toán; bồi thường thiệt hại phát sinh (nếu có) cho khách hàng và thành viên liên quan; hoàn trả đầy đủ số tiền gốc đã vay của Quỹ Hỗ trợ thanh toán và lãi phát sinh theo quy định trong vòng 10 ngày kể từ ngày 10/9. Trước đó, VSD đã có quyết định đình chỉ tạm thời hoạt động lưu ký của GBVS từ ngày 7 - 30/9/2012, do Công ty này liên tiếp vi phạm Quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán...
Bà Phương Hoàng Lan Hương, Tổng giám đốc VSD, cho biết, từ đầu năm đến nay, GBVS đã 8 lần vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Tuy nhiên, do các lần vi phạm trước GBVS kịp thời khắc phục, nên không gây hậu quả nghiêm trọng như lần vi phạm trong các ngày 4 và 5/9 (thanh toán vào ngày 6 và 7/9). Trước đó, vào tháng 5/2012, trong Quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán của VSD đã có quy định, thành viên lưu ký bị VSD xử lý vi phạm do một số lỗi, trong đó có lỗi tạm thời mất khả năng thanh toán tiền giao dịch chứng khoán, sẽ chỉ được nhận mức hỗ trợ tối đa bằng số tiền đóng góp của chính thành viên đó vào Quỹ Hỗ trợ thanh toán trong thời gian 3 tháng (nếu hình thức xử phạt là nhắc nhở); 6 tháng nếu hình thức xử phạt là Quyết định cảnh cáo/đình chỉ tạm thời hoạt động lưu ký).
Tại GBVS, thực tế, tháng 7/2012, Công ty này đã mắc lỗi tạm thời mất khả năng thanh toán (sau đó khắc phục được ngay), nên theo Quy chế chung của VSD, trong lần mất khả năng thanh toán cho các giao dịch ngày 4 và 5/9, GBVS chỉ được Quỹ Hỗ trợ thanh toán hỗ trợ tối đa 3,5 tỷ đồng - bằng đúng số tiền Công ty này đã đóng vào Quỹ. Khi đã sử dụng hết khoản tiền Công ty đã đóng góp vào Quỹ, các giao dịch còn lại của GBVS do không có nguồn thanh toán nên buộc VSD phải thông báo hủy. “Trong việc hỗ trợ thanh toán cũng như hủy thanh toán giao dịch của GVBS, chúng tôi đã cân nhắc biện pháp xử lý để hạn chế tối đa ảnh hưởng của sự cố này đến các nhà đầu tư nhỏ”, bà Hương nói.
Cũng theo bà Hương, từ năm 2010, trong Thông tư 43/2010/TT-BTC về sửa đổi, bổ sung Quy chế đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán ban hành kèm theo Quyết định 87/2007/QĐ-BTC của Bộ Tài chính đã có quy định, TVLK có giao dịch bị hủy thanh toán phải chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với các tổn thất phát sinh cho khách hàng và thành viên có liên quan do giao dịch không được thanh toán. Mức bồi thường do các bên tự thỏa thuận, nhưng không vượt quá 10% giá trị của giao dịch bị hủy thanh toán.
Hiện tại, VSD đã nhận được công văn của một số thành viên có liên quan đến các giao dịch bị hủy thanh toán của GBVS báo cáo về việc GBVS chưa thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho họ. Lãnh đạo VSD cho biết, nếu GBVS không tuân thủ quy định tại Thông tư 43 nói trên cũng như không tích cực khắc phục hậu quả do mình gây ra, thì VSD sẽ xin ý kiến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) về việc áp dụng biện pháp kéo dài thời gian đình chỉ hoạt động thanh toán bù trừ giao dịch chứng khoán sau khi hết thời hạn 10 ngày vào 20/9/2012.
Những TVLK tuân thủ tốt quy trình thanh toán là ai?
Tìm hiểu của ĐTCK cho thấy, việc CTCK mất khả năng thanh toán tạm thời, vì nhiều lý do khách quan, không phải là hiếm gặp trên TTCK, nhưng việc xử lý thường diễn ra an toàn, suôn sẻ do các thành viên có thể tự thỏa thuận được với nhau, hoặc VSD luôn sẵn sàng hỗ trợ trong phạm vi được phép khi cần. Tuy nhiên, hiện tượng GBVS mất khả năng thanh toán trong 2 ngày liên tiếp với số tiền khá lớn lại là một câu chuyện khác, bởi Công ty đã vượt quá ranh giới mất thanh toán tạm thời và đây là một hiện tượng cá biệt trên TTCK Việt Nam.
Nhìn sang các CTCK khác, VSD cho rằng, giao dịch chứng khoán 12 năm nay vận hành thông suốt bởi đại đa số TVLK của VSD đã và đang tuân thủ nghiêm túc nghĩa vụ thanh toán. Có những TVLK như SSI, BVS, HSC, FPTS, Kim Long, ACBS, BSC, VCBS, VietinbankSC... gần như chưa bao giờ mắc lỗi thanh toán. Hoạt động quản trị rủi ro của các tổ chức này được thực hiện tốt, nên cơ quan quản lý chưa từng phải “chạy đôn chạy đáo” đi vá lỗi cho họ. Thực tế cho thấy, những DN tuân thủ nghiêm túc nhất nghĩa vụ thanh toán, đảm bảo an toàn trong hoạt động chu chuyển dòng tiền và dòng chứng khoán của nhà đầu tư đều đang nằm trong Top đầu môi giới chứng khoán tại Việt
Có TVLK không chỉ đảm bảo tính tuân thủ trong chấp hành nghĩa vụ thanh toán, mà còn đã có mức đóng tối đa vào Quỹ Hỗ trợ thanh toán (15 tỷ đồng đối với thành viên chỉ làm môi giới; 20 tỷ đồng đối với thành viên vừa làm môi giới, vừa làm tự doanh. Khi đã đóng đủ khoản tiền tối đa theo quy định, các TVLK sẽ không phải thực hiện nghĩa vụ đóng thêm nữa.
Giữ kỷ luật thanh toán trên TTCK, sẽ thêm giải pháp mới
Theo quy định hiện hành, nếu mức thiếu hụt thanh toán đến 25 tỷ đồng thì Quỹ Hỗ trợ thanh toán sẽ xử lý, còn nếu mức thiếu hụt trên 25 tỷ đồng thì thực hiện phát vay Ngân hàng chỉ định thanh toán (BIDV). Tuy nhiên, có một nghịch lý là những thành viên đã xây dựng được uy tín tốt trên thị trường, đủ sức vay tín chấp BIDV thì hầu như không khi nào thiếu hụt thanh toán, còn một số ít thành viên rơi vào trạng thái thiếu hụt thanh toán đến mức cần sự hỗ trợ của BIDV thì không đủ uy tín để vay tín chấp và cũng không có tài sản thế chấp để vay thông thường.
Tại VSD, theo bà Hương, để giữ kỷ luật thanh toán trên TTCK, VSD đang xây dựng thêm các giải pháp mới theo thông lệ quốc tế, mà trước mắt là triển khai cơ chế Đối tác bù trừ trung tâm (CCP). Cơ chế này đang được VSD phối hợp với các chuyên gia tư vấn nước ngoài nghiên cứu hoàn chỉnh. Theo kế hoạch, cuối năm nay VSD sẽ trình UBCK cơ chế này. Bà Hương cho rằng, việc áp dụng cơ chế mới sẽ làm thay đổi cơ bản cấu trúc tổ chức hệ thống thanh toán bù trừ hiện tại và tạo nền tảng để TTCK triển khai các sản phẩm phái sinh, sản phẩm mới.
Bên cạnh đó, VSD cũng đang xây dựng cơ chế vay và cho vay chứng khoán cũng như cơ chế mua vào tự động, hiện đang ở cấp độ nghiên cứu tiền khả thi, là giải pháp quản lý rủi ro trong trường hợp tạm thời thiếu hụt chứng khoán để thanh toán.
“Tuy nhiên, ngay cả khi tất cả các quy định, quy chế trên thành hiện thực thì vẫn không thể ngăn chặn hoàn toàn việc hủy giao dịch chứng khoán, bởi mọi quy định chỉ có tính phòng ngừa, nên không bao giờ phòng ngừa hết mọi trường hợp phát sinh do các nguyên nhân khách quan và chủ quan của TVLK”, bà Hương nói và cho biết, ở những TTCK mà tính tuân thủ của TVLK còn thấp thì họ còn phải áp dụng một loại cơ chế nữa, tạm gọi là cơ chế tiền kiểm. Loại cơ chế này giúp ngăn chặn rủi ro từ trước khi giao dịch, thông qua việc xác định hạn mức giao dịch trong phạm vi khả năng thanh toán của từng thành viên và xác nhận tính hợp lệ ban đầu của chứng khoán định đặt bán. Theo bà Hương, ở những nước có TTCK phát triển như Mỹ, Anh, Pháp… thì cơ chế này không cần áp dụng, nhưng một số TTCK mới nổi ở châu Á như tại Trung Quốc, Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất…, vẫn phải áp dụng cơ chế tiền kiểm, để đảm bảo an toàn cho hoạt động thanh toán chứng khoán. Tại Việt
Rất nhiều thông tin về tình hình thực tế và sự chuyển động chính sách đã được lãnh đạo VSD chia sẻ với ĐTCK trong cuộc làm việc chiều muộn ngày 12/9. Tuy nhiên, thông điệp xuyên suốt cuộc trao đổi từ người đứng đầu VSD là dù chính sách pháp luật có hoàn thiện đến mấy thì để TTCK vận hành thông suốt, an toàn, yếu tố quan trọng nhất chính là tính tuân thủ và đạo đức hành nghề của các thành viên. Bên cạnh đó, bản thân các NĐT cần tuân thủ đúng luật pháp, đồng thời cần lựa chọn các CTCK có uy tín, năng lực tài chính, quản trị rủi ro tốt để thực hiện giao dịch. TTCK là thị trường của niềm tin, vì thế, VSD mong rằng, các TVLK sẽ cùng đặt chữ TÍN lên hàng đầu, trong chuỗi các giá trị mà mỗi thành viên chọn lựa và hướng đến.