Khu vực Tây Nguyên, bao gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh, nằm trên trục xuyên Á. Phía Tây kết nối huyết mạch với các nước trong khu vực thông qua hành lang tự nhiên với Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, phía Đông kết nối với các tỉnh, cảng biển nước sâu vùng duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ.
Tây Nguyên là địa bàn có tiềm năng và lợi thế phát triển đa dạng về nông, lâm nghiệp, tài nguyên khoáng sản và thủy điện. Tuy nhiên, những tiềm năng và lợi thế đó vẫn chưa được phát huy một cách đúng mức.
Về các chính sách tín dụng, ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc NHNN cho biết, trong thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã tập trung triển khai tốt chương trình tín dụng đặc thù với vùng kinh tế Tây Nguyên như: cho vay các chương trình tín dụng chính sách cho vùng kinh tế khó khăn theo Nghị quyết 30a của Chính phủ đối với 3 huyện nghèo thuộc khu vực Tây nguyên mà Agribank làm nòng cốt với dư nợ gần 50.000 tỷ đồng; chương trình cho vay trồng, chế biến cà phê, kể cả việc cho vay tái canh vườn cà phê với tổng dư nợ chương trình này cuối năm 2012 đạt trên 22.300 tỷ đồng, góp phần đưa giá trị xuất khẩu của cà phê Tây nguyên lên mức kỷ lục 3,5 tỷ USD trong năm 2012.
Mặc dù nguồn vốn tín dụng đưa vào khu vực này không nhỏ nhưng ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, những khó khăn lớn nhất hạn chế sự phát triển của toàn vùng đó là: yếu kém về hệ thống cơ sở hạ tầng (bao gồm hạ tầng giao thông, hàng không, điện và hệ thống thủy lợi); nguồn nhân lực trong khu vực rất thiếu, đặc biệt là nguồn nhân lực có trình độ cao và chưa có cơ chế đặc thù, chính sách ưu đãi riêng hỗ trợ các DN khi tham gia đầu tư vào khu vực Tây Nguyên…
Ông Bình chia sẻ, thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, sử dụng có hiệu quả công cụ của chính sách tiền tệ, chính sách tín dụng, chính sách phát triển mạng lưới để điều tiết, phân bổ tốt nguốn vốn tín dụng, phát triển dịch vụ tài chính - ngân hàng phát triển kinh tế Tây Nguyên... để góp sức đưa kinh tế, xã hội vùng Tây Nguyên phát triển nhanh và bền vững.
“Huy động tại địa bàn được 16.000 tỷ đồng trong khi cho vay 20.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong dòng vốn tín dụng ngân hàng chảy về Tây Nguyên có cả nguồn vốn hàng trăm ngàn tỷ đồng từ Hội sở chính các TCTD cho vay vào các nhà máy thủy điện, nhà máy chế biến cà phê, chế biến nông sản khác, góp phần tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của cả vùng. Ngay tại Hội nghị xúc tiến đầu tư lần này, các NHTM đã ký kết 28 hợp đồng tài trợ vốn cho các DN trong vùng với số tiền lên đến 23.899 tỷ đồng“, ông Bình nhấn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nêu lên 5 nhiệm vụ trọng tâm cần đẩy mạnh để tạo điều kiện hỗ trợ phát triển kinh tế khu vực Tây Nguyên trong thời gian tới.
Thứ nhất, huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại. Trong đó, ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình lớn về hạ tầng giao thông, đảm bảo thông suốt, nối liền các cảng biển, sân bay, đô thị ven biển và các vùng phụ cận...
Thứ hai, các địa phương trong khu vực cần tăng cường phối hợp, triển khai quy hoạch một cách hiệu quả, gắn kết các tiềm năng, lợi thế, tạo tiếng nói chung để thu hút đầu tư, phát triển. Chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực có trình độ quản lý và tay nghề cao; có chính sách thích hợp để khuyến khích ứng dụng, đổi mới và chuyển giao công nghệ; đẩy mạnh cải cách hành chính tạo môi trường thông thoáng cho đầu tư phát triển. Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát và nghiên cứu bổ sung các cơ chế chính sách ưu đãi, nhất là ưu đãi đặc thù phát triển một số lĩnh vực có nhiều tiềm năng, lợi thế để vùng Tây Nguyên thu hút các nguồn đầu tư, phát triển nhanh, bền vững.
Thứ ba, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương trong vùng khẩn trương chọn, đề xuất một số dự án đầu tư trọng điểm, có tính lan tỏa vào lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và đề xuất các ưu đãi đặc biệt để tập trung đầu tư và thu hút đầu tư bằng nhiều hình thức, nguồn vốn khác nhau. Đây là một trong số các các bước đi phù hợp, thực tiễn để tạo tiền đề xây dựng nông thôn mới.
Thứ tư, tăng cường thu hút đầu tư gắn với thúc đẩy các chương trình hợp tác khu vực “Tam giác phát triển”. Đẩy mạnh hợp tác kinh tế, giao lưu thương mại giữa các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh vùng biên của Lào, Campuchia. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các cơ chế chính sách để thu hút đầu tư phát triển các khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y, Lệ Thanh... sớm trở thành những hạt nhân đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Thứ năm, thu hút đầu tư và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư vào Tây Nguyên phải gắn với việc đảm bảo an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội. Các cấp các ngành và cả hệ thống chính trị cần nhận thức đúng, triển khai thực hiện hiệu quả và phù hợp nguyên tắc theo sự chỉ đạo nhất quán của Bộ Chính trị nhằm tạo cho Tây Nguyên trở thành một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, nhưng cũng bảo đảm Tây Nguyên mãi là vùng căn cứ vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.