PVcomBank áp dụng mức lãi suất huy động 9,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, với điều kiện số tiền gửi tối thiểu 2.000 tỷ đồng

PVcomBank áp dụng mức lãi suất huy động 9,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, với điều kiện số tiền gửi tối thiểu 2.000 tỷ đồng

Thêm dư địa nới lỏng tiền tệ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Lãi suất qua thị trường mở (OMO) tiếp tục được hạ xuống, đà nới lỏng tiền tệ được hỗ trợ bởi việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Tín dụng tăng về cuối năm

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng thông tin, tính đến ngày 30/9/2024, tín dụng tăng 9% so với đầu năm và tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, kết quả tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm 2024 cũng cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm trước (6,95%). Thông thường, tín dụng sẽ tăng mạnh vào những tháng cuối năm, vì vậy, năm nay, mục tiêu tăng trưởng 15% là hoàn toàn khả thi.

Trước đó, NHNN cho hay, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến giữa tháng 9/2024 đạt 7,38% so với cuối năm 2023 (cùng kỳ đạt 5,73%). Trong đó, tín dụng của khối ngân hàng thương mại tư nhân tăng 8,6%, chiếm 45% thị phần, tăng cao nhất toàn hệ thống. Các con số này cho thấy tín dụng đang vào đà tăng tốc, bởi đến cuối tháng 8/2024, số liệu của cơ quan quản lý cho thấy tăng trưởng tín dụng mới đạt 6,63%.

Từ cuối quý II/2024, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn. Tính đến tháng 8/2024, lãi suất cho vay đã giảm hơn 1%/năm so với cuối năm 2023; lãi suất cho vay bình quân bằng VND của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 6,8 - 9,2%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,7%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN là 4%/năm. Đồng thời, kể từ ngày 28/8/2024, tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu NHNN đã thông báo đầu năm 2024 được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng, dựa trên cơ sở điểm xếp hạng của tổ chức tín dụng đó.

Theo lãnh đạo NHNN, năm nay, tình hình kinh tế đã khởi sắc rất nhiều, nên tăng trưởng tín dụng có khả năng đạt 15% trong năm nay và mục tiêu tăng trưởng 15% là con số định hướng trong điều hành, không phải con số áp đặt, quan trọng nhất là làm sao tập trung tăng trưởng tín dụng, tức là mở rộng đầu tư để góp phần tăng trưởng nền kinh tế. Trong đó, NHNN đã có các biện pháp để từng bước hạ lãi suất. Theo số liệu hiện nay, lãi suất đã giảm khá tích cực.

Tuy nhiên, lãnh đạo NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo về hoạt động tiền tệ, tín dụng và các quy định về cấp tín dụng nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, bảo đảm an toàn hệ thống và ổn định thị trường tiền tệ; tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, lành mạnh, hạn chế nợ xấu gia tăng và phát sinh, đảm bảo an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM nhận định, với đà tăng trưởng tín dụng hiện nay, khả năng những tháng cuối năm, dư nợ của ngành ngân hàng sẽ cải thiện dần bởi cầu vốn của khách hàng trong nửa cuối năm thường cao hơn nửa đầu năm. Vì vậy, các ngân hàng đang phải tăng cường huy động vốn để chuẩn bị tốt thanh khoản.

Ngân hàng tăng thanh khoản

Để chuẩn bị tốt thanh khoản đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng tăng trong quý IV/2024, các ngân hàng đã tăng lãi suất, phát hành trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao. Thế nhưng, tăng trưởng huy động vốn vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, theo số liệu của NHNN, đến cuối tháng 7/2024, tiền gửi của cả khách hàng cá nhân và tổ chức kinh tế tại các tổ chức tín dụng đạt 13,52 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 1,1% (khoảng 150.000 tỷ đồng) so với cuối năm 2023. Tính đến cuối tháng 7/2024, tiền gửi dân cư đã tăng lên 6,84 triệu tỷ đồng, tăng 4,68% so với đầu năm và lập kỷ lục mới. Riêng trong tháng 7/2024, tiền gửi dân cư đã tăng khoảng 21.000 tỷ đồng. Tiền gửi của tổ chức kinh tế đạt 6,77 triệu tỷ đồng, giảm 1,07% so với đầu năm. Trước đó, vào cuối tháng 6/2024, tiền gửi của nhóm này đã lên kỷ lục 6,91 triệu tỷ đồng.

Theo các nhà phân tích, trong bối cảnh áp lực tỷ giá giảm, NHNN đang tích cực hỗ trợ hệ thống ngân hàng nhằm hạ mặt bằng lãi suất liên ngân hàng. Lãi suất kênh cho vay cầm cố (OMO) đã được cắt giảm lần thứ hai trong năm nay với mức giảm 25 điểm cơ bản, xuống còn 4%/năm.

Sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh sản xuất và đầu tư tăng tốc dịp cuối năm sẽ phần nào gây áp lực lên thanh khoản hệ thống và có thể dẫn đến việc tăng lãi suất đầu vào. Song, lạm phát ở mức thấp và việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất được kỳ vọng sẽ tạo thêm dư địa cho NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ.

Chuyên gia UOB đánh giá, với lạm phát CPI có dấu hiệu giảm bớt, sức mạnh đồng USD dự kiến sẽ suy yếu hơn nữa sau chính sách nới lỏng của Fed và với những tác động tiêu cực lan rộng sau cơn bão Yagi, khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ được NHNN cân nhắc nhiều hơn so với trước đây. Tuy nhiên, điều này sẽ được cân đối với các yếu tố như hiệu suất kinh tế mạnh mẽ, đặc biệt là trong quý III và khả năng lạm phát bùng phát trong quý IV/2024 sau cơn bão Yagi, do thực phẩm (chiếm 33,6%) và nhà ở (18,8%) chiếm ưu thế trong rổ tính CPI. Do đó, theo UOB, NHNN có khả năng sẽ áp dụng cách tiếp cận có trọng tâm hơn để hỗ trợ các cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão lũ, thay vì triển khai một công cụ rộng rãi trên toàn quốc như cắt giảm lãi suất. Do đó, UOB dự đoán, NHNN sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức hiện tại là 4,5%/năm, trong khi tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và các biện pháp hỗ trợ khác.

Chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán VCB (VCBS) dự báo, xu hướng tăng lãi suất huy động trong những tháng còn lại của năm 2024 sẽ khó tiếp diễn và có độ phân hóa giữa các ngân hàng. Đối với nhóm ngân hàng quốc doanh, lãi suất huy động kỳ vọng sẽ đi ngang, hoặc giảm nhẹ vào thời điểm cuối năm. Trong khi đó, đối với nhóm ngân hàng tư nhân, áp lực tăng nhẹ đối với lãi suất huy động vẫn còn để tăng cường huy động vốn thúc đẩy tín dụng. Tuy nhiên, lãi suất tăng cao luôn đi kèm với điều kiện khắt khe từ các nhà băng đưa ra.

Cụ thể, PVcomBank đang là ngân hàng trả lãi suất tiết kiệm ở mức cao nhất, lên tới 9,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, điều kiện áp dụng với số tiền gửi tối thiểu 2.000 tỷ đồng. HDBank áp lãi suất 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, với điều kiện khách hàng duy trì số dư tối thiểu 500 tỷ đồng. MSB trả mức lãi suất lên tới 8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, với số tiền gửi từ 500 tỷ đồng. Dong ABank trả lãi 7,5%/năm cho kỳ hạn 13 tháng trở lên, số tiền gửi 200 tỷ đồng trở lên.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân cũng cho rằng, mặt bằng lãi suất cho vay khó có khả năng tăng trong những tháng cuối năm để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế (theo định hướng của Chính phủ), vì vậy, lãi suất huy động khó tăng cao.

“Lãi suất tiết kiệm tăng thời gian qua là do đã giảm mạnh trong các năm trước, nên các ngân hàng phải tăng để giữ nguồn tiền nhàn rỗi, cân đối khi các kênh tài sản khác như vàng, chứng khoán và bất động sản có dấu hiệu hồi phục trở lại sẽ hút tiền tiết kiệm, còn lãi suất khó tăng cao”, ông Huân nhìn nhận.

Tin bài liên quan