Thêm cung tiền chi phí thấp

Thêm cung tiền chi phí thấp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Rất nhiều ngân hàng đã công bố chính sách giảm lãi vay 0,5-2%/năm cho cá nhân, hộ kinh doanh ở khu vực phía Bắc do chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3, nhưng mong muốn của khách hàng thì nhiều hơn thế…

Các gói hỗ trợ quy mô hàng nghìn tỷ đồng

Agribank vừa công bố, đối với dư nợ hiện hữu (bao gồm VND và USD) tại thời điểm ngày 6/9, căn cứ mức độ thiệt hại của khách hàng sau cơn bão số 3, Agribank giảm từ 0,5 - 2%/năm lãi suất cho vay và miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả trong thời gian từ 6/9 - 31/12/2024.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ khách hàng có điều kiện ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh, đối với khoản vay mới phát sinh từ ngày 6/9 - 31/12/2024, Agribank giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay theo từng đối tượng, lĩnh vực, áp dụng trong thời gian tối đa 6 tháng kể từ ngày giải ngân.

Đối với Vietcombank, Ngân hàng đã hỗ trợ giảm 0,5%/năm lãi suất vay đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi bão lũ và ước tính sẽ tiến hành giảm lãi suất với tổng dư nợ khoảng 130.000 tỷ đồng.

Mức hỗ trợ lãi suất cho vay mới dự kiến tại BIDV khoảng 1%/năm, đối với khoản vay hiện hữu xem xét giảm lãi suất ở mức 0,5%/năm. Đồng thời, ngân hàng này ban hành gói tín dụng 200.000 tỷ đồng hỗ trợ cho khách hàng cá nhân vay vốn để phục hồi hoạt động sau ảnh hưởng của bão, kể cả cho vay ngắn, trung, dài hạn với mức lãi suất ưu đãi hơn.

Tại khối ngân hàng thương mại tư nhân, bà Ngô Thu Hà - Tổng giám đốc SHB cho biết, Ngân hàng đã triển khai chương trình hỗ trợ giảm bình quân 50% lãi suất phải trả từ 1/9 đến 31/12/2024.

Đặc biệt, với những khách hàng chịu thiệt hại nặng, khó khăn trong việc khôi phục sản xuất - kinh doanh, tùy theo mức độ, SHB có thể miễn 100% lãi suất phải trả trong thời gian trên. “Ước tính số tiền lãi miễn giảm cho khách hàng hơn 30 tỷ đồng”, bà Hà nói.

Cũng theo bà Hà, SHB cấp gói tín dụng quy mô 2.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất chỉ 4,5%/năm với khoản vay mới, đến hết 31/12/2024, cung cấp nguồn vốn giúp khách hàng tái thiết và hồi phục sản xuất, kinh doanh. Thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng.

Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, ông Trần Văn Luân - Phó tổng giám đốc điều hành PGBank cho biết, ngay từ khi nắm bắt được thông tin về cơn bão số 3, Ban lãnh đạo PGBank đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn hệ thống chuẩn bị kế hoạch ứng phó, đồng thời dự đoán những địa bàn có thể bị ảnh hưởng. PGBank đã chủ động liên lạc với khách hàng, chia sẻ thông tin và hướng dẫn phòng chống bão lũ để giảm thiểu thiệt hại.

Sau khi cơn bão đi qua, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), PGBank đã tiến hành đánh giá mức độ thiệt hại của khách hàng, đặc biệt là những hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trên cơ sở này, Ngân hàng đưa ra các biện pháp hỗ trợ tài chính như cơ cấu lại nợ và giảm lãi suất cho các khách hàng chịu ảnh hưởng nặng nề với quỹ hỗ trợ có quy mô lên đến 2.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, PGBank cung cấp gói vay ưu đãi với lãi suất chỉ 6%/năm, giúp khách hàng giảm bớt áp lực tài chính và nhanh chóng khôi phục sản xuất - kinh doanh.

“Chúng tôi cảm nhận sâu sắc nỗi vất vả và mất mát mà khách hàng phải đối mặt sau cơn bão. Chính vì vậy, thông qua các giải pháp tài chính phù hợp và kịp thời, PGBank mong muốn trở thành người bạn đồng hành tin cậy, giúp khách hàng nhanh chóng tái thiết cuộc sống và kinh doanh”, ông Luân chia sẻ.

Hỗ trợ sau bão: Cần đảm bảo sự công bằng

Tuy nhiên, vấn đề được thị trường quan tâm đó là tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu NHNN, hệ thống ngân hàng nghiên cứu chính sách giãn, hoãn, khoanh nợ, chính sách tín chấp, gói lãi suất 0 đồng… hỗ trợ người dân.

NHNN đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc cho vay đặc biệt của NHNN đối với khoản vay có lãi suất là 0%/năm, khoản vay không có tài sản bảo đảm.

“Thậm chí, có những thông tin về việc các ngân hàng phải xoá nợ cho những khách hàng bị thiệt hại sau cơn bão Yagi”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho biết.

Việc Fed cắt giảm lãi suất cũng tạo tiền đề cho lãi suất huy động và cho vay tại Việt Nam ổn định hơn.

Đặc biệt, trong bối cảnh các tỉnh phía Bắc vừa chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 và kỳ vọng lãi suất cho vay giảm mạnh để khách hàng phục hồi sản xuất - kinh doanh…

Trong diễn biến có liên quan, ngày 16/9, NHNN đã giảm lãi suất lãi suất OMO xuống 25 điểm cơ bản xuống còn 4,0%/năm. Đây là lần thứ hai cơ quan điều hành tiền tệ giảm lãi suất OMO trong vòng hơn 1 tháng qua, quay về mức đầu năm.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, một chuyên gia kinh tế nhận định, yêu cầu các ngân hàng cho vay với lãi suất 0% là không hợp lý bởi ngân hàng thương mại là một tổ chức tài chính hoạt động với mục tiêu tạo lợi nhuận từ các hoạt động giao dịch tiền tệ.

Các ngân hàng thương mại chủ yếu dựa vào tiền gửi thường xuyên từ khách hàng để cung cấp các dịch vụ tài chính trong đó là hoạt động cho vay, hay nói cách khác là cấp tín dụng.

“Chính phủ có thể thực hiện cho vay với lãi suất 0% trên cơ sở sử dụng ngân sách nhà nước và việc này liên quan chủ yếu đến Bộ Tài chính”, vị chuyên gia nói.

Xung quanh câu chuyện xoá nợ, một lãnh đạo cao cấp của hệ thống ngân hàng nhận định, vấn đề là nguồn lực nào và áp dụng quy định pháp luật nào để xử lý.

Nếu các ngân hàng coi đây là khoản từ thiện, cho tặng an sinh xã hội thì có phù hợp với các quy định của pháp luật hay không và có đủ nguồn lực không? Chỉ có Chính phủ mới đủ thẩm quyền ban hành quy định, theo đó sẽ quy định rõ đối tượng, điều kiện được xoá nợ và nguồn lực để xoá nợ (Chính phủ cấp bù từ ngân sách nhà nước cho các ngân hàng thương mại thông qua đầu mối Bộ Tài chính, quy trình thẩm định còn thông qua cơ quan kiểm toán độc lập trước khi cấp bù).

“Nếu kêu gọi các nhà hảo tâm, trong đó có các ngân hàng thương mại hỗ trợ tiền để giúp xoá nợ vay ngân hàng, liệu có khả thi không và làm sao để công bằng giữa người vay ngân hàng và người vay các công ty tài chính cũng như các quỹ hỗ trợ khác”, vị lãnh đạo trên nói.

Nới lỏng tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng

Ngày 18/9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ sau 4 năm. Theo đó, lãi suất tham chiếu của Mỹ giảm 50 điểm cơ bản (0,5%) về 4,75-5%, là mức nằm ở cận trên của kỳ vọng thị trường bởi trước đó, các chuyên gia đánh giá xác suất cho kịch bản này là 63%.

Việc cắt giảm lãi suất 0,5% cùng bài phát biểu của Fed cho thấy sự tự tin vào xu hướng giảm của lạm phát cũng như mục tiêu hỗ trợ nền kinh tế.

Đối với chính sách tiền tệ của Việt Nam, quyết định của Fed được thị trường nhận định mang lại những tác động tích cực rõ rệt. Trước tiên, theo các chuyên gia phân tích, việc giảm lãi suất giúp giảm áp lực lên tỷ giá hối đoái.

Hiện tỷ giá ngoại tệ đang giao dịch ở mức 24.650 VND/USD và đồng VND đã tăng 3,1% so với USD từ mức thấp nhất trong quý II năm 2024.

Đáng chú ý, việc Fed cắt giảm lãi suất cũng tạo tiền đề cho lãi suất huy động và cho vay tại Việt Nam ổn định hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh các tỉnh phía Bắc vừa chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 và kỳ vọng lãi suất cho vay giảm mạnh để khách hàng phục hồi sản xuất - kinh doanh…

Trong diễn biến có liên quan, ngày 16/9, NHNN đã giảm lãi suất lãi suất OMO xuống 25 điểm cơ bản xuống còn 4,0%/năm. Đây là lần thứ hai cơ quan điều hành tiền tệ giảm lãi suất OMO trong vòng hơn 1 tháng qua, quay về mức đầu năm.

Trước đó, NHNN đã hạ loại lãi suất này từ 4,5%/năm xuống 4,25%/năm trong phiên giao dịch ngày 5/8. Động thái của NHNN diễn ra trong bối cảnh đồng VND đã phục hồi và lạm phát tháng 8 cũng giảm xuống còn 3,45% so với cùng kỳ so với khoảng 4,4% so với cùng kỳ trong bốn tháng liên tiếp trước đó.

“Quan điểm nới lỏng trên của NHNN được đưa ra khi Fed gần như chắc chắn cắt giảm lãi. Chúng tôi dự báo lãi suất tiền gửi ngân hàng sẽ ổn định ở mức hiện tại trong thời gian tới sau khi tăng 40-50 điểm cơ bản trong nửa đầu năm nay. Chúng tôi cũng duy trì dự báo tăng trưởng tín dụng cho năm tài chính 2024 ở mức 15% so với cùng kỳ năm trước”, các chuyên gia của Maybank nhận định.

Tin bài liên quan