Vàng miếng hạn chế, kinh doanh nữ trang vào nề nếp
Trước đây, việc sản xuất nữ trang ở nước ta không có tổ chức và không ai kiểm soát, nhưng với nội dung quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành vào ngày 25/5/2012, chất lượng sản phẩm vàng loại này được kiểm soát chặt chẽ hơn. Những DN lớn có uy tín, thương hiệu trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh nữ trang như PNJ, SJC sẽ có nhiều thuận lợi.
Theo Nghị định 24, hoạt động kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức và kinh doanh vàng trên tài khoản đều được ràng buộc chặt chẽ về mặt pháp lý.
Để kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ, ngoài các điều kiện cần thiết lâu nay, như đóng mã ký hiệu, hàm lượng vàng trên sản phẩm, công bố tiêu chuẩn, giá mua, giá bán và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm bán ra thị trường..., tại Điều 5 của Nghị định 24 còn nêu rõ, hoạt động kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ phải thành lập DN, thay vì các cá nhân, hộ kinh doanh như trước.
DN này phải được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ; có địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
Nghị định 24 còn quản lý chặt việc kinh doanh mua bán vàng miếng. Đối với DN, phải có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên; có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 2 năm trở lên; có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất; có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
Đối với TCTD được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng phải có vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng trở lên; có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng; có mạng lưới chi nhánh tại Việt Nam từ 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên. Các DN, TCTD không được phép thực hiện kinh doanh vàng miếng thông qua đại lý ủy nhiệm...
Mặc dù kinh doanh vàng miếng bị hạn chế, nhưng đổi lại, hoạt động kinh doanh nữ trang đi vào nề nếp đã tác động tích cực lên hoạt động của các thương hiệu nữ trang uy tín, trong đó có PNJ. Trên thực tế, lợi nhuận từ kinh doanh vàng miếng chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng lợi nhuận đạt được của Công ty PNJ.
Năng lực cốt lõi của PNJ là sản xuất - kinh doanh hàng trang sức. Công ty đặt chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận từ vàng miếng vào chỉ tiêu không cố định (vì hoạt động này từ trước đến nay phụ thuộc nhiều vào chính sách). Một khi thị trường thuận lợi, PNJ khai thác tối đa và khi không thuận lợi thì Công ty cũng không bị ảnh hưởng nhiều về chiến lược và lợi nhuận mục tiêu.
Đối với hoạt động kinh doanh của ngành vàng, chỉ tiêu doanh thu không phản ánh được kết quả hoạt động, vì biến động giá vàng và doanh thu nhóm vàng miếng tạo ra doanh số cao, nhưng lợi nhuận biên rất nhỏ.
Chỉ tiêu được quan tâm đánh giá là chỉ tiêu doanh thu của nhóm trang sức vàng, bạc, dịch vụ và nhóm hàng này đã đảm bảo được kế hoạch doanh thu, lợi nhuận của PNJ trong năm qua, riêng nhóm hàng PNJSilver có mức tăng trưởng khá tốt (trên 30%/năm). Mặt khác, căn cứ theo những điều kiện của Nghị định 24, PNJ đủ điều kiện kinh doanh mua bán vàng miếng.
Nghị định chỉ yêu cầu ngưng sản xuất vàng miếng thương hiệu khác SJC, chứ không yêu cầu ngưng lưu thông vàng miếng thương hiệu khác. Đồng thời, PNJ có nhiều lợi thế hơn các DN khác, bởi hiện Công ty có hệ thống cửa hàng, chi nhánh rộng và lớn nhất cả nước.
Mặc dù lợi nhuận của PNJ vẫn đến chủ yếu từ mảng kinh doanh cốt lõi nữ trang lẻ và sỉ, biên lợi nhuận kinh doanh vàng miếng chỉ xấp xỉ 1% và chỉ đóng góp gần 2% tổng lợi nhuận gộp, nhưng nhu cầu vàng miếng của khách hàng vẫn không nhỏ, nên PNJ vẫn đáp ứng nhu cầu này.
Sản phẩm vàng miếng của PNJ ra đời từ năm 1988 và đến nay mặc dù không còn được sản xuất theo chính sách mới, nhưng vẫn còn đang được lưu thông trên thị trường.
Mặt khác, PNJ là số ít các công ty vàng bạc đá quý được Nhà nước cho phép kinh doanh vàng miếng, điều này tạo thêm uy tín cho thương hiệu. Có những dịp như ngày Thần Tài đầu năm, các cửa hàng của Công ty thậm chí không còn đủ vàng miếng bán cho khách.
PNJ vẫn là địa chỉ quen thuộc và đáng tin cậy để khách hàng tìm đến, nên duy trì kinh doanh vàng miếng không ảnh hưởng đến việc PNJ tập trung đẩy mạnh mảng kinh doanh cốt lõi là nữ trang vàng.
Lợi thế mạnh nhất của PNJ là hệ thống bán lẻ, có mặt ở 43 tỉnh, thành trên cả nước và năng lực cung cấp sản phẩm cho trên 3.000 tiệm vàng.
Hiện tại, Xí nghiệp Nữ trang PNJ đưa vào hoạt động cuối năm 2012 tại Gò Vấp, TP. HCM (với công suất sản xuất 4 triệu sản phẩm/năm) đã tạo ra lợi thế rất lớn trong việc đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh trang sức.
Việc đơn vị này đi vào hoạt động ổn định không những tạo điều kiện để PNJ đẩy mạnh hoạt động bán buôn, khai thác tối đa dư địa thị trường trong nước, mà còn hướng tới xuất khẩu sang thị trường các nước. Năng suất sản xuất trang sức năm 2014 của Xí nghiệp Nữ trang PNJ đã tăng lên 35% so với năm 2013, đưa ra thị trường hơn 2 triệu sản phẩm…
Sức cầu nữ trang của một thị trường hơn 90 triệu dân có truyền thống tích trữ và làm đẹp bằng kim loại quý là rất lớn. Vì thế, hoạt động cốt lõi là kinh doanh trang sức vàng luôn được PNJ đẩy mạnh.
Trong năm 2014, Công ty đạt doanh thu trang sức vàng bán lẻ 2.280 tỷ đồng, tăng 42%, đóng góp lần lượt 31% vào tổng doanh thu và 74% lợi nhuận gộp. Đây là sự tăng trưởng ngoạn mục, đặc biệt khi tổng nhu cầu về vàng của Việt Nam năm 2014 giảm đến 8%, theo báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc PNJ
Lợi thế cho các thương hiệu uy tín
Tình hình kinh tế có khó khăn trong những năm qua đã tác động tiêu cực đến sức mua các ngành hàng tiêu dùng. Tuy nhiên, đối với ngành hàng nữ trang vàng, sức mua giảm chậm hơn, chỉ giảm 12% trong năm 2012 và giảm nhẹ trong các năm tiếp theo.
Qua đó cho thấy, đối với thị trường Việt Nam, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh trang sức vẫn còn nhiều tiềm năng khai thác.
Thứ nhất, tâm lý chung của người châu Á, tích trữ vàng vẫn là ưu tiên hàng đầu khi cần tiết kiệm.
Thứ hai, khi nền kinh tế phát triển, nhu cầu tiêu dùng tăng lên nhưng người mua cũng khó tính hơn và chỉ chọn mua những sản phẩm có uy tín, thương hiệu.
Mặt khác, nếu tính bình quân đầu người, lượng nữ trang sở hữu của người Việt Nam hiện nay so với các nước trong khu vực châu Á vẫn còn khá thấp, do vậy mãi lực và nhu cầu về trang sức của người tiêu dùng rất lớn.
Đáng chú ý, việc kiểm soát chất lượng nữ trang được thực hiện theo Thông tư 22/2013/TT-BKHCN là bệ đỡ cho các mặt hàng có thương hiệu như PNJ, SJC. Ngay từ trước khi có Thông tư 22, các sản phẩm trang sức vàng của PNJ khi xuất xưởng đều phải trải qua một quy trình kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt.
Vì thế, phải nói là Thông tư 22 với mục tiêu chấn chỉnh lại thị trường bán lẻ trang sức vàng đã hỗ trợ đắc lực cho những DN làm ăn bài bản như PNJ và góp phần giúp người tiêu dùng thêm cơ hội lựa chọn được những sản phẩm uy tín, chất lượng cao. Người tiêu dùng được đảm bảo quyền lợi và đỡ lo ngại tình trạng “nhập nhèm” độ tuổi và giá vàng.
Theo quy định tại Thông tư 22, các DN, cửa hàng mỹ nghệ bán vàng nữ trang thiếu tuổi, không công bố hàm lượng vàng từng sản phẩm, trọng lượng vàng sẽ bị phạt nặng. Do đó, kể từ khi thông tư này có hiệu lực ngày 1/6/2014, tình hình đã được cải thiện. Những DN vàng bạc đá quý muốn định vị được thương hiệu và phát triển trường tồn thì chỉ còn một con đường là giữ chữ tín về tuổi vàng với người tiêu dùng.
Với PNJ, đầu năm 2015, Công ty là đơn vị thứ ba được Nhà nước cho phép mở dịch vụ kiểm định vàng trang sức trên thị trường, phân định tranh chấp về tuổi vàng giữa khách hàng và các tiệm vàng.
Có thể nói, quy định mới đang mở ra cho các DN kinh doanh vàng nữ trang làm ăn bài bản, uy tín nói riêng và cả ngành kinh doanh vàng nói chung cơ hội nâng cao tính chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.