Sầu đông lạnh Việt sang Thái tăng 90%
Trả lời phóng viên Báo Đầu tư, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, thời gian qua Thái Lan liên tục tăng nhập khẩu mạnh sầu đông lạnh từ Việt Nam để phục vụ cho nhu cầu chế biến nội địa hoặc xuất đi một nước thứ 3.
Theo số liệu mà ông Nguyên cung cấp, trong 6 tháng đầu năm 2024, Thái Lan nhập khẩu 65 triệu USD giá trị sầu đông lạnh từ Việt Nam, tăng 90% so với cùng kỳ.
“Năm 2023, trong số 137 triệu USD xuất khẩu sầu riêng đông lạnh của Việt Nam thì riêng Thái Lan đã nhập 101 triệu USD còn lại là sang một vài nước như Mỹ, Trung Quốc…”, ông Nguyên thông tin.
Vị này cũng lý giải, dù Thái Lan có sản lượng và giá trị sầu cao hơn Việt Nam nhưng vẫn tăng nhập sầu đông lạnh từ Việt Nam là do Thái Lan có thời vụ sầu riêng rất ngắn, chỉ 4 tháng. Trong khi vụ sầu riêng Việt Nam thì quanh năm. Bên cạnh đó, hạn hán nghiêm trọng khiến sầu riêng nước này bị sụt giảm nhiều về lượng lẫn chất, nên phải nhập khẩu về để phục vụ nhu cầu nội địa và du khách.
Ngoài ra đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam còn cho rằng, Thái Lan đang tăng cường mạnh việc đầu tư chế biến sâu các loại sản phẩm bánh kẹo từ sầu riêng nên tăng nhập sầu đông lạnh.
“Năm ngoái Thái Lan rộ vụ thu hoạch tới hơn 1,5 triệu tấn Việt Nam cũng chỉ 1 triệu tấn, nhưng mình có sầu nguyên năm còn các giai đoạn đầu hoặc cuối vụ thì Thái Lan lại thiếu hàng nên phải tăng nhập của mình”, ông Nguyên lý giải.
Cơ hội mới cho loại quả tỷ USD
Đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, trong 1 triệu tấn sầu riêng của Việt Nam năm 2023 chỉ xuất khẩu khoảng 450.000 tấn quả tươi, còn lại là xuất hàng cấp đông. Vì thế, xuất khẩu sầu riêng cấp đông là cơ hội lớn mà doanh nghiệp ngành này cần khai thác mạnh. Thực tế thì Việt Nam cũng đang trông chờ Nghị định thư sầu riêng đông lạnh vào Trung Quốc sớm được triển khai. Hiện thủ tục để xuất chính ngạch sang thị trường này đã được Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) gửi sang Hải quan Trung Quốc.
“Lợi thế của hàng đông lạnh là có hạn sử dụng tối thiểu một năm, dùng làm nguyên liệu xuất khẩu hay chế biến sâu ở nội địa. Giá của sầu đông lạnh cũng cỡ 300.000-400.000 đồng/ký tuỳ thời điểm”, ông Nguyên cho biết.
Cũng nói về lợi thế của xuất khẩu sầu cấp đông, mới đây bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội hàng Việt Nam chất lượng cao (BSA) nhận định, sầu riêng cấp đông bảo quản đúng công nghệ sẽ là lựa chọn hàng đầu của người dùng khi mà hàng tươi nguyên trái có nhiều rủi ro về chất lượng, thậm chí là trong khâu bảo quản xuất khẩu cũng dễ hư hỏng khi chịu tác động về thời gian, nhiệt độ.
Tuy có lợi thế và cơ hội lớn, song chuyên gia đầu ngành khuyên doanh nghiệp nếu muốn làm phân khúc sầu đông lạnh để tăng giá trị cần đầu tư bài bản và nghiên cứu kỹ về công nghệ để không bị tụt hậu so với các nước. Chi phí đầu tư máy móc, mặt bằng khu chứa hàng nguyên liệu, phế liệu với chi phí cao cũng là bài toán mà doanh nghiệp muốn đầu tư làm sầu đông lạnh phải tính toán.
Theo ông Gia Cát Đoàn, Chủ tịch Công ty Cổ phần Gia Cát Consumer, thời gian qua doanh nghiệp này cũng đã xuất thử sầu cấp đông sang thị trường Trung Quốc nhưng cũng vướng nhiều khó khăn nhất là tiêu chuẩn chất lượng múi sầu, vốn đầu tư kho chứa.
“Trái sầu riêng bổ ra rồi đưa vào cấp lạnh đông nhanh rồi sau đó đưa vào cấp lạnh bình thường rồi đóng hàng xuất đi. Tuy nhiên tiêu chuẩn sầu múi cấp đông xuất đi cao hơn nhiều lần so với xuất nguyên trái. Trong khi sầu riêng thu mua nhiều loại chứ không đồng nhất nên thường bị trả hàng, khiến doanh nghiệp đầu tư xuất múi thường lỗ. Ngoài ra việc thuê kho chứa hàng, đầu tư kho lạnh với công nghệ cao rồi lúc xuất hàng cũng phải đầu tư vận chuyển lạnh xuyên suốt đúng nhiệt độ cũng đội giá chi phí của doanh nghiệp lên rất nhiều”, ông Đoàn cho hay.