Tuy nhiên, tên cụ thể của quỹ đầu tư này vẫn chưa được phía Topica tiết lộ. Như vậy, sẽ có ít nhất hơn 500.000 USD sẽ được rót cho các startup Việt tham gia vườn ươm khởi nghiệp của Tổ hợp công nghệ giáo dục này đi cùng mạng lưới khoảng 300-400 quỹ đầu tư trên toàn thế giới là đối tác của TFI.
Trong tổng số các quỹ đầu tư là đối tác của TFI hiện có tới trên 200 quỹ thuộc khu vực châu Á.
Tuy nhiên, để nhận được vốn khởi nghiệp của TFI không phải là câu chuyện dễ dàng vì theo ông Quang, tỷ lệ học viên tốt nghiệp chỉ vào khoảng 20%, nghĩa là 10 người bắt đầu tham gia vườn ươm chỉ có 2 người tốt nghiệp, mặc dù đầu vào đã được lựa chọn trên những tiêu chí nhất định.
Điều này cũng đồng nghĩa với cơ hội gọi vốn sẽ cao hơn cho những học viên đã tốt nghiệp. Thông thường, sau khi tốt nghiệp, TFI tiếp tục lựa chọn các startup để thuyết trình và gọi vốn trước các quỹ đầu tư trong mạng lưới của mình.
Gần đây nhất, TFI đã lựa chọn 9/13 học viên tốt nghiệp khóa 6 để thuyết trình gọi vốn trước 40 nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Thậm chí, có 2 startups về lĩnh vực y tế và logistic trước đó, khi chưa tốt nghiệp đã có thỏa thuận được khoản đầu tư trị giá 1,5 triệu USD từ các quỹ đầu tư trong mạng lưới của TFI.
Khôi Nguyễn, Founder của Wefit cho biết, hai điểm Khôi tâm đắc nhất khi học tại TFI là hệ thống các mentor khởi nghiệp thành công với các gương mặt tên tuổi như Hùng Trần GotIt, Đỗ Tuấn Anh Appota, Dzũng Nguyễn Cyber Agent Venture… cùng các quỹ đầu tư.
“Tỷ lệ học viên tốt nghiệp thấp đến từ những bài tập khắc nghiệt như một email được gửi bất cứ lúc nào, kể cả nửa đêm và nhiệm vụ của bạn phải trả lời lại trong vòng 30 phút. Cảm giác thất bại đều được học viên cảm nhận qua từng thử thách, thậm chí, thời gian học chỉ 4 tháng nhưng đa số các học viên đều thay đổi ý tưởng tới 2 lần”, Khôi Nguyễn nói.
Một trong 30 gương mặt trẻ nổi bật dưới tuổi 30 năm 2015 của Forbes Việt Nam Trương Mạnh Quân, CEO Beeketing còn khẳng định, những đột phá của Beeketing sau khi tham gia TFI là đã được đầu tư bởi 500 startups của Mỹ, thành lập được trụ sở Silicon Valley và tăng trưởng gấp hàng trăm lần chỉ sau vài năm hoạt động.
Trong khi đó, với kế hoạch mở rộng mạng lưới bên cạnh hệ thống phòng tập Fitness, Khôi Nguyễn sẽ mở rộng thêm hệ thống Beauty Spa. Lợi thế kết nối được với các nhà đầu tư của TFI đã giúp Khôi gọi vốn thành công thêm 150.000 USD trong vòng gọi vốn gần đây nhất. Khôi cũng cho biết, Wefit sẽ tiếp tục gọi thêm vốn cho mình qua hệ thống các nhà đầu tư trong mạng lưới này trong năm 2018 để phục vụ cho kế hoạch mở rộng của mình.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có cơ hội lớn trong gọi vốn từ các nhà đầu tư của hệ thống TFI vì mặc dù nhà sáng lập Topica Phạm Minh Tuấn thừa nhận là các startup và nhà đầu tư trong hệ thống TFI chủ yếu tập trung ưu tiên công nghệ nhưng một số lĩnh vực vẫn khó gọi vốn.
Đơn cử, trước buổi gọi vốn của học viên khóa 6 vừa qua, Hương Nguyễn, Founder trang thương mại điện tử thời trang thiết kế Ferosh mặc dù trước đó đã gọi được 100.000 USD nhưng với kế hoạch mở rộng kinh doanh, Hương tỏ ra khá lo lắng trước dự định gọi thêm 350.000 USD nữa vì theo Hương, cùng là công nghệ nhưng khả năng gọi vốn ngoài yếu tố con người thì khả năng gọi vốn cao hay thấp còn phụ thuộc vào lĩnh vực startup đang làm có là ưu tiên của nhiều quỹ đầu tư hay không.
“Trang thương mại điện tử hướng tới phân phối sản phẩm trung và cao cấp uy tín trên thị trường Việt Nam mặc dù mới nhưng hiện chưa nhiều nhà đầu tư chú ý tới mảng này nên cơ hội gọi vốn cũng khá khó khăn”, Hương thừa nhận.
Mặc dù vậy, đánh giá về mặt thị trường, các startup Việt vẫn đang hưởng lợi thế khá lớn từ mạng lưới kết nối của TFI. Theo ghi nhận từ cộng đồng khởi nghiệp, 26% số thương vụ thành công trong các vòng gọi vốn từ seeds tới series A ở Việt Nam năm 2016 đều là các startups tốt nghiệp từ chương trình TFI.