Dịch vụ Sân bay Quốc tế Cam Ranh: Lợi nhuận tăng trưởng cao
Ngày 12/7, Công ty cổ phần Dịch vụ Sân bay Quốc tế Cam Ranh (CIAS) thực hiện bán đấu giá ra công chúng 1,45 triệu cổ phần, với giá khởi điểm 30.000 đồng/CP. Hoạt động này nằm trong kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 60 tỷ đồng lên 80 tỷ đồng của CIAS, cùng với việc phát hành 550.000 cổ phần cho cổ đông chiến lược. Năm nay, Đại hội đồng cổ đông SCS đã ấn định thời gian niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong quý IV.
CIAS được thành lập năm 2009, đang cung cấp một chuỗi dịch vụ đồng bộ tại Cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh, bao gồm dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất cho các hãng hàng không, bán hàng miễn thuế, dịch vụ phòng chờ hạng thương gia, dịch vụ nhà hàng ăn uống, kinh doanh hàng lưu niệm mỹ nghệ và vận tải hành khách, hàng hóa.
Giai đoạn 2014 - 2016, CIAS đạt doanh thu lần lượt 133,6 tỷ đồng, 133,2 tỷ đồng và 273,9 tỷ đồng; lợi nhuận tương ứng là 8,7 tỷ đồng, 14,7 tỷ đồng và 22,6 tỷ đồng. Quý I/2017, Công ty lãi ròng hơn 12 tỷ đồng.
Theo CIAS, doanh thu năm 2016 tăng mạnh là do lượng hành khách đến Cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh tăng trên 70% so với năm 2015 và có thêm doanh thu phát sinh từ hoạt động kinh doanh của công ty con (AGS).
Trong giai đoạn trên, CIAS trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ lần lượt là 59%, 20% và 40%. Theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông năm 2017, Công ty đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận hợp nhất tăng 35% và 44% so với năm 2016, tỷ lệ cổ tức dự kiến là 35%.
Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn: Công ty có lợi thế đặc biệt
Cũng trong ngày 12/7, Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn (Saigon Cargo Service) đưa hơn 46,18 triệu cổ phiếu lên sàn UPCoM, với mã chứng khoán SCS.
Tương tự các doanh nghiệp cùng mảng dịch vụ phụ trợ ngành hàng không, cổ phiếu SCS chào sàn với giá tương đối cao, 52.000 đồng/CP (trước đó, MAS chào sàn với giá 57.000 đồng/CP, NCT: 75.000 đồng/CP, SGN: 50.000 đồng/CP). Xét về quy mô, SCS có quy mô vượt trội so với hầu hết các doanh nghiệp trong mảng này (trừ ACV).
SCS được thành lập năm 2008, hiện có vốn điều lệ 533,77 tỷ đồng, ngoài lượng cổ phiếu sắp lên sàn UPCoM, công ty có 7,19 triệu cổ phiếu ưu đãi cổ tức. Tại thời điểm 1/4/2017, Công ty có 3 cổ đông lớn nắm giữ tổng cộng 55,02% vốn điều lệ bao gồm: Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sở hữu 14,05%, Công ty cổ phần Gemadept sở hữu 34,55%, Công ty cổ phần Thương mại Đầu tư Sài Gòn Hàng không sở hữu 6,42%.
Năm nay, Công ty dự kiến tăng vốn điều lệ lên 571,42 tỷ đồng (+37,7 tỷ đồng) bằng việc hoán đổi nợ thành cổ phần cho đối tác và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Tại thời điểm cuối quý I/2017, SCS có vốn chủ sở hữu 849,3 tỷ đồng.
Sở hữu và khai thác nhà ga hàng hóa hàng không với tổng diện tích hơn 14 ha tại Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, SCS đang cung cấp 3 dịch vụ chính gồm cho thuê sân đậu máy bay, khai thác nhà ga hàng hóa và cho thuê văn phòng, bãi đậu xe. Sân đậu máy bay có diện tích vào khoảng 52.400 m2, trong khi khu vực nhà ga có khả năng xử lý hàng hóa lên đến 350.000 tấn/năm.
Về lợi thế, theo SCS, Công ty là đơn vị duy nhất cung cấp dịch vụ kho thu gom hàng lẻ hàng không xuất khẩu và kho ngoại quan chuyên dùng hàng tươi sống tại Việt Nam.
Năm 2016, SCS đạt doanh thu 495,9 tỷ đồng và lãi sau thuế 245,2 tỷ đồng, tăng lần lượt 45,4% và 81,3% so với năm 2015; tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) là 35,58% (năm 2015 là 22,2%). Quý I/2017, Công ty đạt doanh thu 130,8 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 76,8 tỷ đồng, tương ứng hoàn thành 23,4% và 24% kế hoạch năm.
Năm nay, SCS đặt kế hoạch đạt 560 tỷ đồng doanh thu và 320 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Công ty dự kiến, tổng sản lượng hàng hóa thực hiện trong năm 2017 đạt 180.600 tấn, tăng 11% so với năm 2016; diện tích mặt bằng cho thuê ổn định và tăng trưởng, dự kiến là 6.300 m2.
Tỷ lệ cổ tức của SCS năm 2015 là 25%, năm 2016 là 45%, dự kiến năm 2017 là 30%.
Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA) dự báo, giai đoạn 2016 - 2020, thị trường vận tải hàng không Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng cao thứ 5 thế giới, tăng khoảng 7,3%/năm và đạt 150 triệu lượt hành khách vận chuyển vào năm 2035.
Cơ sở chính của dự báo này là hạ tầng hàng không đang được cải thiện, ngành du lịch tăng trưởng mạnh và tốc độ đô thị hóa tăng cao.
Theo đó, các doanh nghiệp lớn trong ngành hàng không cũng như nhiều doanh nghiệp dịch vụ phụ trợ tiếp tục có triển vọng tăng trưởng.