Thêm chính sách đột phá để đón “đại bàng”

0:00 / 0:00
0:00
Với việc Quỹ Hỗ trợ đầu tư dự kiến được ban hành trong năm 2024, hàng loạt chính sách hỗ trợ đầu tư chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam sẽ được áp dụng. Nhờ vậy, Việt Nam sẽ có thêm sức hấp dẫn để đón “đại bàng”.
Không chỉ cần chiến lược bài bản, Việt Nam còn cần có các cơ chế đột phá, vượt trội để thu hút đầu tư. Ảnh: Đức Thanh

Không chỉ cần chiến lược bài bản, Việt Nam còn cần có các cơ chế đột phá, vượt trội để thu hút đầu tư. Ảnh: Đức Thanh

Lộ diện các chính sách đột phá

Sau sự đồng thuận từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp mới đây, Nghị định của Chính phủ về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư dự kiến sớm được ban hành. Theo đó, hàng loạt chính sách hỗ trợ đầu tư đột phá, vượt trội, thậm chí là chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam sẽ được áp dụng.

Chẳng hạn, sẽ chi trực tiếp bằng tiền để hỗ trợ một loạt chi phí, như chi phí đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D); chi phí đầu tư tạo tài sản cố định; chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao; chi phí đầu tư công trình hạ tầng xã hội; và các trường hợp khác do Chính phủ quyết định.

Các tỷ lệ hỗ trợ cũng rất hấp dẫn. Chẳng hạn, hỗ trợ tối đa 50% chi phí thực tế của dự án đã chi trong năm tài chính cho hoạt động đào tạo phát triển nguồn nhân lực là người lao động Việt Nam; hay hỗ trợ tối đa 30% đối với chi phí của dự án thực tế đã chi trong năm cho hoạt động R&D…

Đặc biệt, Dự thảo Nghị định quy định về việc hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu. Đối tượng hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu là doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm R&D trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, với mức hỗ trợ tối đa lên tới 50% chi phí ban đầu.

Tất nhiên, để nhận được sự hỗ trợ, các nhà đầu tư, các dự án phải đáp ứng các tiêu chí được đặt ra tại Dự thảo Nghị định. Ví dụ, để được hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu, doanh nghiệp phải đáp ứng được các điều kiện về vốn, lĩnh vực đầu tư… và đó phải là dự án đầu tư trung tâm R&D có tác động tích cực đến hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và phát triển các công nghệ mới, sản phẩm mới mang tính đột phá của đất nước.

Lâu nay, Việt Nam mới áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư dựa trên thu nhập (qua miễn, giảm thuế là chủ yếu). Còn hiện tại, với việc thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư, đó là các ưu đãi dựa trên chi phí và bao gồm hỗ trợ bằng tiền mặt - điều chưa từng được áp dụng tại Việt Nam.

“Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, các quốc gia châu Âu, nhiều nước trong khu vực ASEAN như Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan… đã áp dụng các chính sách hỗ trợ đầu tư đa dạng và hấp dẫn, áp dụng song song với chính sách ưu đãi dựa trên thu nhập và ưu đãi dựa trên chi phí”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc nói và cho biết, nhờ đó, nhiều quốc gia đã thu hút được các dự án quy mô lớn trong lĩnh vực công nghệ cao.

Trong khi đó, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dù thu hút đầu tư nước ngoài vẫn tăng trưởng qua các năm gần đây, nhưng số lượng dự án quy mô vốn đầu tư lớn với hàm lượng công nghệ cao còn khiêm tốn. Hiện Việt Nam có 110 dự án đầu tư nước ngoài có quy mô vốn đầu tư trên 500 triệu USD còn hiệu lực, trong đó chỉ có 27 dự án trong lĩnh vực công nghệ cao. Riêng giai đoạn từ năm 2013 đến nay, chỉ có 59 dự án quy mô lớn trên 500 triệu USD, trung bình chưa đến 5 dự án/năm.

Việc thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng từ năm 2024 cũng ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của Việt Nam. Đã có doanh nghiệp cân nhắc các kế hoạch đầu tư mới, mở rộng tại Việt Nam. Một số tập đoàn lớn đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư, nhưng chưa lựa chọn Việt Nam hoặc chờ đợi để theo dõi phản ứng chính sách của Chính phủ.

Bởi thế, việc thành lập và sử dụng hiệu quả Quỹ Hỗ trợ đầu tư là cần thiết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi thảo luận về Dự thảo Nghị định đã thống nhất với điều này.

Rộng cửa đón “đại bàng”

Cần thiết ban hành Nghị định của Chính phủ để đảm bảo duy trì tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và phù hợp với thông lệ quốc tế.

- Ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Một đoàn doanh nghiệp bán dẫn Mỹ, bao gồm các tên tuổi lớn như Intel, Ampere, Marvell, Cirrus Logic, Infineon, Skyworks… vừa tiếp tục đến Việt Nam để tìm kiếm các cơ hội đầu tư, kinh doanh. Trong đó, ông John Neuffer lần thứ ba đến Việt Nam với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA).

Gặp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ông John Neuffer một lần nữa nhấn mạnh việc có rất nhiều cơ hội mới và rất lớn cho các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam. “SIA và các doanh nghiệp Mỹ sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành bán dẫn, xây dựng chuỗi cung ứng mạnh mẽ”, ông John Neuffer nói.

Đã đến Việt Nam và quay trở lại, đấy là lý do để ông John Neuffer tin rằng, các kế hoạch đầu tư của các doanh nghiệp bán dẫn Mỹ sẽ được tiếp tục thực hiện tại Việt Nam. Thậm chí, trong chuyến viếng thăm Việt Nam vào cuối năm 2023, ông John Neuffer đã nói đến việc nhiều doanh nghiệp Mỹ sẵn sàng tăng gấp đôi các khoản đầu tư vào Việt Nam.

Hiến kế cho Việt Nam, ông John Neuffer cho rằng, không chỉ cần chiến lược bài bản, mà Việt Nam cần có các cơ chế đột phá, vượt trội để thu hút đầu tư. Đứng trên góc độ này, việc Quỹ Hỗ trợ đầu tư được thành lập có thể tạo những cú hích quan trọng để Việt Nam có thể đón được các nhà đầu tư lớn, các dự án quy mô trong các lĩnh vực công nghiệp tiên phong như bán dẫn, AI.

Cơ hội đang mở ra, nhất là sau khi Tập đoàn NVIDIA của tỷ phú Jensen Huang mới đây đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Chính phủ Việt Nam về việc thành lập Trung tâm R&D AI của NVIDIA tại Việt Nam (VRDC) và Trung tâm Dữ liệu AI. Chi tiết các kế hoạch này chưa được tiết lộ, nhưng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng gọi đây là “bước ngoặt lịch sử”.

“Việc NVIDIA phát triển Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển AI tại Việt Nam sẽ là cú hích quan trọng giúp Việt Nam có được bước tiến lớn về công nghệ thời gian tới, có tác động lan tỏa tới các nhà đầu tư công nghệ cao khác trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực AI, đầu tư vào Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Với cú hích từ NVIDIA và với các chính sách hỗ trợ đầu tư vượt trội, Việt Nam càng trở nên hấp dẫn hơn nữa đối với các “đại bàng”.

“Chúng tôi mong muốn Việt Nam sẽ sớm ban hành nghị định về Quỹ Hỗ trợ đầu tư”, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam nói như vậy tại cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vào cuối tuần trước.

Samsung cũng là một “đại bàng”, với quy mô đầu tư tại Việt Nam đã vượt 24 tỷ USD. Ngoài Dự án Samsung Display vừa được tăng vốn thêm 1,8 tỷ USD, Samsung sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.

Tin bài liên quan