Việc bảo vệ quyền lợi bên mua bảo hiểm là vô cùng quan trọng để gia tăng niềm tin vào bảo hiểm

Việc bảo vệ quyền lợi bên mua bảo hiểm là vô cùng quan trọng để gia tăng niềm tin vào bảo hiểm

Thêm “chiếc ô” che chắn người mua bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau Nghị định 46/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 và Nghị định 46/2023 đang dần thành hình với nhiều quy định bảo vệ quyền lợi bên mua bảo hiểm.

Có mục lưu ý việc đóng phí và kê khai thông tin

Theo Điều 17 của dự thảo Thông tư (phiên bản được cập nhật đến ngày 17/7/2023), tài liệu minh họa bán hàng của các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ do doanh nghiệp bảo hiểm xây dựng phải đảm bảo có mục thông tin lưu ý bên mua về việc tuân thủ các quy định tại hợp đồng bảo hiểm để bảo đảm quyền và lợi ích của mình, đặc biệt là nghĩa vụ về đóng phí và kê khai thông tin.

Đối với các hợp đồng bảo hiểm có thời hạn lớn hơn 1 năm, tài liệu minh họa bán hàng cần thông tin rõ ràng cho bên mua biết việc giao kết hợp đồng bảo hiểm là một cam kết dài hạn, nếu hủy ngang có thể dẫn đến việc không nhận lại được giá trị tương đương với khoản phí bảo hiểm đã đóng. Ngoài ra, tài liệu minh họa cần trình bày rõ ràng, dễ hiểu và không làm cho bên mua kỳ vọng không thực tế vào số tiền bảo hiểm được nhận.

Thực tế, việc đóng phí bảo hiểm không đầy đủ thường để lại nhiều hệ lụy, nhưng không phải khách hàng nào cũng biết và không phải bên tư vấn bán bảo hiểm nào cũng lưu ý với khách hàng. Báo Đầu tư Chứng khoán từng phản ánh nhiều ca từ chối chi trả bảo hiểm đáng tiếc do đóng phí không đầy đủ, còn khách hàng thì phản ứng, khiếu nại do không nắm rõ điều này.

Nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm định kỳ đầy đủ và đúng hạn được quy định trong Quy tắc và Điều khoản hợp đồng của doanh nghiệp bảo hiểm nhằm đảm bảo quyền lợi bảo hiểm của khách hàng, nhưng theo các chuyên gia, đó vẫn là chưa đủ nên dự thảo Thông tư có thêm mục riêng lưu ý trong tài liệu minh họa bán hàng của các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ để đảm bảo quyền lợi cho bên mua là phù hợp.

Trên thị trường, một số doanh nghiệp bảo hiểm từng đưa ra thông tin cần lưu ý khi tham gia hợp đồng bảo hiểm, trong đó nêu rõ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là một cam kết lâu dài với các quy định cụ thể về nghĩa vụ và quyền lợi của các bên, người mua cần tìm hiểu nội dung của các tài liệu trong bộ hợp đồng để hiểu rõ hơn quyền lợi và nghĩa vụ của mình, đồng thời có nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm đến hạn ngay cả khi không nhận được thông báo đóng phí từ doanh nghiệp bảo hiểm. Do đó, quy định phải có mục thông tin lưu ý bên mua bảo hiểm tuân thủ nghĩa vụ đóng phí tại dự thảo Thông tư càng cho thấy đây là một yêu cầu bắt buộc mà công ty bảo hiểm nào cũng phải tuân thủ.

Đối với các sản phẩm bảo hiểm liên kết chung, tính linh hoạt đóng phí được áp dụng từ năm hợp đồng thứ 5 trở đi (nếu phí bảo hiểm chưa được đóng đúng hạn, các sản phẩm này sẽ vẫn duy trì hiệu lực nếu giá trị tài khoản của hợp đồng vẫn còn đủ để thanh toán các khoản chi phí bảo hiểm rủi ro và chi phí quản lý hợp đồng hàng tháng), thế nhưng khách hàng vẫn cần lưu ý đóng phí bảo hiểm định kỳ đầy đủ và đúng hạn để không bị ảnh hưởng đến quyền lợi bảo hiểm của mình.

Đáng chú ý, các công ty bảo hiểm cũng cho biết, sản phẩm bảo hiểm bổ sung vẫn có thể mất hiệu lực nếu giá trị tài khoản không còn đủ để khấu trừ phí bảo hiểm của các sản phẩm này, đồng thời hợp đồng bảo hiểm cũng có thể mất hiệu lực nếu giá trị tài khoản không đủ để khấu trừ chí phí bảo hiểm rủi ro và chi phí quản lý hợp đồng hàng tháng.

Khi đó, phí bảo hiểm sẽ được đóng trong thời gian 60 ngày gia hạn để hợp đồng được tiếp tục duy trì hiệu lực. Nếu đến ngày 61, phí bảo hiểm vẫn không được thanh toán, hợp đồng bảo hiểm sẽ bị mất hiệu lực. Vì vậy, để có thể đảm bảo các giá trị tài khoản của hợp đồng nói riêng và quyền lợi hợp đồng nói chung được trọn vẹn như đã hoạch định ban đầu (thể hiện trong bảng minh họa quyền lợi bảo hiểm), khách hàng cần thu xếp đóng phí bảo hiểm định kỳ đều đặn cho hợp đồng ngay cả khi tính linh hoạt đóng phí của các sản phẩm này đã phát huy tác dụng.

Ngoài đóng phí không đầy đủ và đúng hạn, cũng có nhiều trường hợp khách hàng bị từ chối chi trả bảo hiểm do mắc lỗi kê khai thông tin, dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện. Để bảo vệ bên mua bảo hiểm, dự thảo Thông tư cũng đã đưa ra lưu ý tương tự.

Các công ty bảo hiểm cho biết, việc khách hàng cung cấp thông tin sức khỏe đầy đủ và trung thực là cơ sở để công ty bảo hiểm chấp thuận hay từ chối bảo hiểm cho khách hàng, cũng là cơ sở cho việc giải quyết quyền lợi bảo hiểm sau này. Vì vậy, đây là trách nhiệm mà khách hàng phải đảm bảo tuân thủ khi tham gia bảo hiểm nhân thọ. Việc kê khai không đầy đủ hoặc không trung thực thông tin trong hồ sơ yêu cầu bảo hiểm có thể sẽ dẫn đến tình trạng hợp đồng bảo hiểm bị chấm dứt hoặc quyền lợi bảo hiểm không được chi trả. Để bảo vệ quyền lợi của mình, vào bất kỳ thời điểm nào, khi khách hàng nhận thấy thông tin về sức khỏe của người được bảo hiểm cung cấp trong hồ sơ yêu cầu bảo hiểm chưa được đầy đủ, chính xác, cần liên lạc ngay với công ty bảo hiểm để xử lý.

Quảng cáo sản bảo hiểm không được gây hiểu lầm

Với các nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư và bảo hiểm hưu trí là các nghiệp vụ phức tạp, mang tính kỹ thuật cao, cần được quy định cụ thể, chi tiết ở các văn bản hướng dẫn thi hành luật để gia tăng bảo vệ người tham gia bảo hiểm.

Báo Đầu tư Chứng khoán từng có bài báo lưu ý tình trạng đăng tải tràn lan các thông tin quảng cáo theo kiểu “lập lờ đánh lận con đen” dễ gây hiểu lầm, dẫn đến rủi ro cho người mua bảo hiểm. Cụ thể, trên nhiều diễn đàn về bảo hiểm rầm rộ đăng tải quảng cáo đầu tư vào sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị mang lại lãi suất lên tới 20%/năm, cao hơn nhiều so với lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng hiện tại, mà không giải thích cụ thể về con số lãi suất này. Quảng cáo này dễ gây hiểu lầm rằng, chỉ cần mang tiền nhàn rỗi đầu tư vào bảo hiểm thì người mua vừa được bảo vệ, vừa có thể thu lợi nhuận cao.

Để bảo vệ người tham gia bảo hiểm, dự thảo Thông tư quy định, tài liệu quảng cáo sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị không bao hàm các nhận định khiến khách hàng hiểu lầm tưởng là giá trị khoản đầu tư luôn luôn gia tăng hoặc được đảm bảo về kết quả đầu tư; không được cam kết hoặc bảo đảm kết quả đầu tư của quỹ liên kết đơn vị luôn tích cực trong tương lai.

Đáng chú ý, dự thảo Thông tư yêu cầu trong thông tin quảng cáo không được đưa ra hàm ý cơ quan quản lý nhà nước bảo đảm về nội dung thông tin, quảng cáo, chiến lược đầu tư, mục tiêu đầu tư của quỹ liên kết đơn vị hoặc bảo đảm về tài sản của quỹ liên kết đơn vị, giá trị đơn vị quỹ, khả năng sinh lời và mức rủi ro của quỹ liên kết đơn vị; không được chứa đựng các thông tin dẫn đến việc khách hàng hiểu không đúng về khả năng sinh lời của quỹ liên kết đơn vị và quyền lợi của sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị.

Khi sử dụng các ý kiến đánh giá, nhận xét của bên thứ ba hoặc kết quả bình chọn, xếp hạng kết quả hoạt động để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị, doanh nghiệp bảo hiểm cũng như các tổ chức, cá nhân có liên quan phải sử dụng thông tin đáng tin cậy, khách quan, dựa trên sự so sánh, dữ liệu và sự kiện có thật; được công bố công khai hoặc thực hiện công khai bởi tổ chức cung cấp dịch vụ thông tin tài chính và thống kê đã được công nhận; nêu rõ nguồn tham chiếu, bao gồm tên tài liệu, tên tổ chức xuất bản và thời gian xuất bản…

Theo ông Trương Minh Cát Nguyên, CEO Tila Finance, cần thêm thời gian để dự thảo Thông tư được hoàn thiện, còn về cơ bản, Nghị định 46/2023 có nhiều điểm đáng ghi nhận trong việc bảo vệ bên mua bảo hiểm. Với các nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư (trong đó có bảo hiểm liên kết đơn vị) và bảo hiểm hưu trí là các nghiệp vụ phức tạp, mang tính kỹ thuật cao, cần được quy định cụ thể, chi tiết ở các văn bản hướng dẫn thi hành luật để gia tăng bảo vệ người tham gia bảo hiểm.

Tin bài liên quan