Thêm chỉ dẫn cho việc khởi động lại Dự án sân bay Phan Thiết

0:00 / 0:00
0:00
UBND tỉnh Bình Thuận đã có thêm chỉ dẫn liên quan việc chấm dứt hợp đồng với CTCP Rạng Đông và cơ chế lựa chọn nhà đầu tư mới cho Dự án BOT Cảng hàng không Phan Thiết.
Phối cảnh sân bay Phan Thiết

Phối cảnh sân bay Phan Thiết

Thêm “biển báo”

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 9513/BKHĐT-QLĐT gửi UBND tỉnh Bình Thuận liên quan hình thức lựa chọn nhà đầu tư Dự án BOT Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng (Dự án sân bay Phan Thiết).

Đây là một trong những hướng dẫn quan trọng để UBND tỉnh Bình Thuận sớm khởi động lại Dự án sân bay Phan Thiết.

Theo quy định tại khoản 4, Điều 101, Luật PPP, hợp đồng dự án được ký kết trước ngày luật này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện theo quy định của hợp đồng Dự án.

Bên cạnh đó, khoản 1, Điều 52, Luật PPP quy định các trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, trong đó, có trường hợp khác do hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo quy định của pháp luật về dân sự. Khoản 2, Điều 422, Luật Dân sự năm 2015 quy định hợp đồng chấm dứt theo thoả thuận của các bên.

“Do vậy, đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo rà soát các trường hợp và điều kiện, thủ tục chấm dứt hợp đồng dự án trước thời hạn theo quy định của hợp đồng và căn cứ các quy định nêu trên của Luật PPP, Bộ luật Dân sự để xem xét chấm dứt hợp đồng Dự án trước thời hạn”, Công văn số 9513 nêu rõ.

Về thẩm quyền quyết định việc chấm dứt hợp đồng Dự án, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại điểm b, khoản 2, Điều 89, Luật PPP, đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định chấm dứt hợp đồng dự án PPP.

Căn cứ quy định nêu trên, UBND tỉnh Bình Thuận cần bổ sung giải trình về nội dung này theo yêu cầu của Hội đồng Thẩm định liên ngành để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định đồng thời việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án và chấm dứt hợp đồng trước thời hạn đối với Công ty cổ phần Rạng Đông.

Trước đó, do thay đổi về quy mô đầu tư, làm ảnh hưởng đến phương án tài chính Dự án, nên vào giữa tháng 7/2023, UBND tỉnh Bình Thuận và Công ty cổ phần Rạng Đông đã ký văn bản thỏa thuận chấm dứt hợp đồng trước thời hạn theo quy định hợp đồng và Bộ luật Dân sự.

Theo phương án đầu tư ban đầu, sân bay Phan Thiết là sân bay lưỡng dụng cấp 4C, đường cất hạ cánh dài 2.400 m, công suất khai thác 500.000 hành khách/năm.

Tuy nhiên, căn cứ quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh vào năm 2018, sân bay Phan Thiết là cảng hàng không quốc nội cấp 4E với vai trò là sân bay lưỡng dụng dùng chung dân dụng và quân sự, nhà ga hành khách có công suất thiết kế 2 triệu lượt hành khách/năm.

Khó thực hiện chỉ định nhà đầu tư

Một nội dung quan trọng khác tại Dự án sân bay Phan Thiết mà UBND tỉnh Bình Thuận đang chờ hướng dẫn từ các cơ quan chuyên môn là việc chỉ định nhà đầu tư thay thế.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại khoản 1, Điều 39, Luật PPP, chỉ định nhà đầu tư được áp dụng trong các trường hợp: dự án cần bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật nhà nước; dự án cần phải lựa chọn nhà đầu tư thay thế theo quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 52, Luật PPP để bảo đảm tính liên tục trong quá trình thực hiện dự án.

Theo quy định tại khoản 2, Điều 39, Luật PPP, trường hợp chỉ định nhà đầu tư đối với dự án theo quy định tại điểm a, khoản 1, điều này thì trước khi chỉ định nhà đầu tư phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận trên cơ sở có ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật nhà nước.

Tuy nhiên, tại Công văn số 3670/BQP-TM, Bộ Quốc phòng đã khẳng định, Dự án sân bay Phan Thiết không thuộc trường hợp áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư để bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật nhà nước.

“Mặt khác, theo Hồ sơ đề nghị điều chỉnh chủ trương Dự án tại Công văn số 2722/TTr-UBND ngày 25/7/2023 của UBND tỉnh Bình Thuận, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án căn cứ theo quy định tại khoản 1, Điều 37, Luật PPP, trong đó đã quy định rõ, đấu thầu rộng rãi là hình thức lựa chọn nhà đầu tư. Vì vậy, UBND tỉnh Bình Thuận cần làm rõ quan điểm và đề xuất rõ ràng về hình thức lựa chọn nhà đầu tư, cập nhật vào Tờ trình và Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh Dự án”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu quan điểm.

Trước đó, tháng 8/2023, tại Công văn số 2854/UBND-ĐTQH, UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị Thủ tướng cho chủ trương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn Dự án sân bay Phan Thiết với nhà đầu tư là Công ty cổ phần Rạng Đông để lựa chọn nhà đầu tư thay thế, nhằm sớm triển khai thi công và đưa vào khai thác, sử dụng hạng mục hàng không dân dụng, đồng bộ với các hạng mục sân bay quân sự.

UBND tỉnh Bình Thuận cũng đề nghị Thủ tướng cho phép UBND tỉnh Bình Thuận được chỉ định nhà đầu tư trong nước có năng lực, kinh nghiệm tiếp tục triển khai thực hiện Dự án theo hình thức BOT.

Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, hạng mục hàng không quân sự do Bộ Quốc phòng đầu tư dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng cuối năm 2023. Do đó, việc triển khai xây dựng hạng mục dân dụng phải đảm bảo các yếu tố an ninh, quốc phòng, bảo vệ bí mật của hạng mục quân sự, nên cần triển khai xây dựng đảm bảo đồng bộ, không gây ảnh hưởng đến hoạt động của các hạng mục quân sự khi đã đưa vào khai thác, sử dụng.

“Nếu tổ chức thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo quy định, thì dự kiến, thời gian hoàn thành các thủ tục sớm nhất khoảng tháng 8/2024 mới lựa chọn xong nhà đầu tư thay thế và dự kiến đến cuối năm 2025 mới hoàn thành hạng mục hàng không dân dụng Cảng hàng không Phan Thiết”, ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nói.

Theo hợp đồng ký với Công ty cổ phần Rạng Đông, Dự án BOT Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng có tổng mức đầu tư 1.548,629 tỷ đồng. Thời gian thu phí hoàn vốn là 70 năm. Thời gian xây dựng dự án 3 năm. Công trình đã được khởi công 2015, theo kế hoạch phải hoàn thành năm 2018.

Tin bài liên quan