Thêm “cây gậy” giải tỏa nợ xấu

Thêm “cây gậy” giải tỏa nợ xấu

(ĐTCK) Ngày cuối cùng của quý I/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 34/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18/5/2013 về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) có hiệu lực từ ngày 5/4/2015. 

Nghị định được thị trường đánh giá là hành động quyết liệt của Chính phủ trong việc xử lý nợ xấu năm 2015.

Tăng cường năng lực tài chính

Theo đó, Nghị định 34 sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 7 Nghị định 53 với nội dung cụ thể là, căn cứ năng lực tài chính của VAMC, hiệu quả kinh tế và điều kiện thị trường, VAMC được mua nợ xấu của TCTD theo phương thức quy định tại Khoản 2 Điều này đối với các khoản nợ xấu đáp ứng các điều kiện sau: Đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 8 Nghị định này; Được đánh giá có khả năng thu hồi đầy đủ số tiền mua nợ xấu; Tài khoản bảo đảm của khoản nợ xấu có khả năng phát mại hoặc khách hàng vay có triển vọng phục hồi khả năng trả nợ.

“Để triển khai mua bán nợ theo giá thị trường thì cần tiền thật, mà với mức vốn điều lệ trước đó của VAMC có 500 tỷ đồng cũng đồng nghĩa với việc ‘chả làm gì’. Do đó, điểm nhấn của văn bản mới chính là vốn điều lệ của VAMC được nâng lên 2.000 tỷ đồng”, tổng giám đốc một ngân hàng TMCP nói.

Trên thực tế, mô hình VAMC không được bao cấp về ngân sách, do đó mặc dù không tính đến lợi nhuận nhưng nguồn thu cũng phải đảm bảo đủ để bù chi. Theo đó, với Nghị định 34, VAMC được hưởng một số tiền theo một tỷ lệ do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định sau khi thống nhất với Bộ Tài chính trên số tiền thu hồi của khoản nợ xấu được VAMC mua bằng trái phiếu đặc biệt trừ đi số tiền tương ứng VAMC đã thu. Đồng thời, VAMC được thu một số tiền theo một tỷ lệ do NHNN quy định sau khi thống nhất với Bộ Tài chính tính trên số dư còn lại cuối kỳ của khoản nợ mà VAMC đã mua bằng trái phiếu đặc biệt.

“Song song với đó, số tiền TCTD trả cho VAMC theo quy định được hạch toán vào chi phí của TCTD khẳng định rõ việc ngân sách nhà nước sẽ không hỗ trợ cho hoạt động của DN đặc thù”, vị tổng giám đốc trên nhận định. 

Trọng tâm là gỡ nút thắt mua - bán nợ xấu

Một lãnh đạo cao cấp NHNN cho biết: “Mặc dù câu chuyện về vốn của VAMC được thị trường đề cập đến nhiều nhất, nhưng đối với NHNN đây là điểm gỡ nhỏ nhất bởi cơ chế không quá khó khăn. Mục tiêu chính của Nghị định 34 là tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong việc mua bán, xử lý nợ xấu và cụ thể là việc mua bán nợ theo cơ chế thị trường”, vị lãnh đạo này chia sẻ.

Theo đó, tháo gỡ đầu tiên là chỉ cần hội đủ điều kiện, nếu tài sản đảm bảo có khả năng phát mại cộng với giá trị khoản nợ được đánh giá có thể thu hồi đầy đủ; hoặc khách hàng có khả năng phục hồi và khoản nợ được đánh giá có khả năng thu hồi đầy đủ… sẽ được mua nợ.

Thứ hai, để tạo nguồn cho VAMC mua nợ theo giá trị thị trường cần tiền thật, nên Chính phủ bổ sung một loạt quy định về phát hành trái phiếu cho DN đặc thù về thời gian hoạt động ngắn, nguồn vốn cũng như các quy định của VAMC bị giới hạn hơn. Theo đó, về vấn đề phát hành trái phiếu để mua nợ xấu theo giá trị thị trường, Nghị định 34 quy định: VAMC được phát hành trái phiếu để mua nợ xấu theo giá trị thị trường trên cơ sở kế hoạch phát hành trái phiếu được NHNN phê duyệt.

Việc phát hành trái phiếu của VAMC không phải áp dụng quy định về nguyên tắc, điều kiện phát hành, hồ sơ phát hành trái phiếu theo quy định của Chính phủ về phát hành trái phiếu DN và không áp dụng quy định về nguyên tắc huy động vốn theo quy định của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý tài chính đối với DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

“VAMC được phát hành trái phiếu theo 4 phương thức: Đấu thầu phát hành; Bảo lãnh phát hành; Đại lý phát hành; Bán trực tiếp. Trái phiếu của VAMC do TCTD nắm giữ được sử dụng để tham gia nghiệp vụ thị trường mở và tái cấp vốn tại NHNN. NHNN quy định cụ thể việc phát hành trái phiếu của VAMC”, Nghị định 34 chỉ rõ.

Thứ ba, về tổng thể phương án xử lý nợ xấu không dùng nguồn ngân sách vậy sử dụng nguồn vốn nào? Vị lãnh đạo NHNN trên cho biết, từ chính khả năng xử lý nợ xấu và tạo lợi nhuận của các TCTD. Theo đó, trái phiếu đặc biệt được phát hành bằng đồng Việt Nam có lãi suất bằng 0% và có thời hạn tối đa 5 năm. Trường hợp phát hành trái phiếu đặc biệt để mua nợ xấu của các TCTD đang thực hiện phương án tái cơ cấu hoặc gặp khó khăn về tài chính thì thời hạn của trái phiếu đặc biệt tối đa không quá 10 năm.

Bên cạnh đó, Nghị định 34/2015/NĐ-CP cũng bổ sung quy định xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua, cụ thể: Sau 1 lần bán đấu giá tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu theo quy định nêu trên không thành thì VAMC được tiếp tục bán tài sản đó thông qua phương thức bán đấu giá hoặc bán tài sản đó trên cơ sở thỏa thuận trực tiếp với bên mua, đồng thời thông báo cho bên bảo đảm biết. Các trường hợp được coi là bán đấu giá không thành gồm: không có người tham gia đấu giá; không có người trả giá tại cuộc bán đấu giá; các trường hợp bán đấu giá không thành khác theo quy định của pháp luật về bán đấu giá. 

Cần sự phối hợp của các Bộ, ngành

Nghị định 34 cũng sửa đổi, bổ sung Điều 28 Nghị định 53 liên quan đến trách nhiệm của  các Bộ, ngành có liên quan, cụ thể như, chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan thi hành án dân sự các cấp phối hợp, hỗ trợ VAMC trong quá trình thi hành bản án, quyết định của Tòa án về xử lý tài sản bảo đảm. Bộ Công an chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan công an các cấp trong phạm vi quản lý của mình bảo đảm an ninh, trật tự tại nơi tiến hành thu hồi, thu giữ tài sản bảo đảm.

Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường là chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc phối hợp, hỗ trợ việc thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm theo đề nghị của VAMC. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc phối hợp, hỗ trợ việc thực hiện chuyển quyền sử dụng đất trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm của VAMC.

Bộ Xây dựng có trách nhiệm hướng dẫn việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý theo quy định pháp luật về xây dựng và kinh doanh bất động sản đối với tài sản bảo đảm là dự án bất động sản. Song song với đó là hướng dẫn về điều kiện bán tài sản bảo đảm của VAMC là dự án bất động sản cho nhà đầu tư khi có vướng mắc.

Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đó là chỉ đạo, hướng dẫn về trình tự, thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư để cấp Giấy chứng nhận đầu tư mới cho người mua hoặc người trúng đấu giá tài sản trên đất của dự án đầu tư (người mua tài sản bảo đảm) là tài sản bảo đảm bị xử lý của khoản nợ của VAMC…

Trong một tương quan khác, một vài nhận định cho rằng, thực tế cho thấy quyền trao cho VAMC đã có nhiều hơn nhưng xử lý được hay không còn phụ thuộc vào thị trường mua bán nợ với những câu hỏi đặt ra: thế nào là giá thị trường, mua nợ xấu về bán cho ai… Đồng thời, cũng có những băn khoăn về việc các khoản nợ xấu được định giá theo thị trường có thể tạo ra nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước. Những vấn đề này rất cần được cơ quan điều hành chính sách tiền tệ có ý kiến chính thức trong việc hướng dẫn triển khai, phổ biến Nghị định 34 tới đây.

Tin bài liên quan