Việc nợ/chậm phí bảo hiểm là một trong những nguyên nhân dẫn đến tranh chấp giữa doanh nghiệp và khách hàng.
Lúc này, doanh nghiệp thường viện dẫn Điều 23 - Luật Kinh doanh bảo hiểm để chấm dứt hợp đồng, bởi theo quy định tại điều này, nếu bên mua không đóng đủ phí bảo hiểm, hoặc không đóng phí bảo hiểm theo thời hạn thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm thì hợp đồng sẽ tự động chấm dứt.
Tuy nhiên, thực tế hợp đồng có thực sự chấm dứt và cứ nợ phí, chậm nộp thì thì mặc nhiên hợp đồng sẽ hết hiệu lực và doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi thường?
Lấy ví dụ cụ thể, năm 2018, Công ty cổ phần Sản xuất thương mại Tiến Nga đã khởi kiện Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bảo Long. Vụ việc kéo dài gần 4 năm, trải qua hai cấp tòa án mới kết thúc.
Theo hồ sơ, giai đoạn 2015-2016, Công ty Tiến Nga ký các hợp đồng bảo hiểm hỏa hoạn và rủi ro với Bảo Long. Đối tượng bảo hiểm là dây chuyền sản xuất nước giải khát và nhà xưởng. Công ty được cấp giấy chứng nhận bảo hiểm ngày 2/7/2015 và 23/2/2016.
Vào ngày 7/5/2016, nhà máy của Công ty Tiến Nga bị thiệt hại do giông lốc. Công ty yêu cầu Bảo Long bồi thường thiệt hại về dây chuyền số tiền 120,5 triệu đồng; nhà xưởng là 638 triệu đồng và sản phẩm là 127,5 triệu đồng.
Riêng với yêu cầu bồi thường dây chuyền sản xuất, Bảo Long không đồng ý vì cho rằng, theo hợp đồng bảo hiểm ký ngày 2/7/2015, Công ty Tiến Nga đã chậm nộp phí 2 tháng 22 ngày (nộp vào ngày 23/10/2015).
Như vậy, hai bên đã “tự” chấm dứt hiệu lực hợp đồng. Năm 2017, tòa sơ thẩm đã xử buộc Bảo Long bồi thường các khoản trên, nhưng hãng bảo hiểm đã kháng cáo.
Năm 2018, khi xét xử phúc thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai nhận định, hai bên không có văn bản thỏa thuận về việc thu, nộp phí trễ hạn và việc Công ty Tiến Nga thanh toán phí trễ được bên bảo hiểm chấp nhận.
Vì vậy, tòa tuyên bố hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực và phát sinh trách nhiệm đối với các bên. Theo Điều 29 - Luật Kinh doanh bảo hiểm, Bảo Long phải có trách nhiệm bồi thường.
Đây cũng là nội dung của án lệ số 37/2020/AL về hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm tài sản trong trường hợp bên mua đóng phí sau khi kết thúc thời hạn đóng phí giữa Công ty TNHH Nam Thái Nguyễn với Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm P và Bảo hiểm P1, cụ thể là: “Sau khi nhận tiền phí bảo hiểm, Tổng công ty P và Bảo hiểm P1 không có ý kiến gì và cũng không có văn bản thông báo về việc đóng tiền phí bảo hiểm chậm thì 2 hợp đồng đã không còn hiệu lực”.
Tuy nhiên, Bảo hiểm P1 vẫn nhận, xuất hóa đơn giá trị gia tăng và báo cáo thuế về 2 khoản tiền đóng bảo hiểm của Công ty Nam Thái Nguyễn, nên mặc nhiên bảo hiểm thừa nhận việc đóng phí chậm của công ty này và thừa nhận 2 hợp đồng có hiệu lực thi hành.
Do đó, Tổng công ty P. phải có trách nhiệm bồi thường theo hợp đồng đã ký kết”.