Một góc dự án nhà ở thu nhập thấp Đặng Xá, huyện Gia Lâm (giai đoạn 2). Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN
Theo đó, các ngân hàng này thực hiện việc cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định của NHNN và Bộ Xây dựng hướng dẫn triển khai chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP và Nghị quyết 61/NQ-CP nêu trên.
Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở được triển khai từ tháng 6/2013, trong đó định mức cho vay đối với chủ đầu tư dự án khoảng 9.000 tỷ đồng và cho vay cá nhân là 21.000 tỷ đồng. Thời gian hỗ trợ đối với khách hàng vay là hộ gia đình, cá nhân mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, thuê, mua nhà ở thương mại là 15 năm với tổng giá trị hợp đồng mua bán (kể cả nhà và đất) không vượt quá 1,05 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, khách hàng vay là cá nhân sống tại đô thị đã có đất ở phù hợp với quy hoạch và đang gặp khó khăn về nhà ở nhưng chưa được nhà nước hỗ trợ dưới mọi hình thức được phép vay vốn để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà; Hộ gia đình, cá nhân có phương án đầu tư, cải tạo hoặc xây dựng mới nhà ở xã hội phù hợp với quy định của pháp luật để bán, cho thuê, cho thuê mua...
Như vậy với việc bổ xung thêm 8 ngân hàng gồm Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoViet Bank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) hiện đã có 13 ngân hàng tham gia giải ngân gói tín dụng ưu đãi này.
Trước đó, có 5 ngân hàng được phép tham gia gói hỗ trợ này bao gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB).
Theo quy định, đến ngày 1/6/2016 sẽ kết thúc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng.